Trách nhiệm, nghị lực người lính
Binh nhất Võ Tấn Lực là một trong những chiến sĩ tình nguyện tham gia thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch từ những ngày đầu Bệnh viện dã chiến Củ Chi được thành lập. 17 tháng trôi qua, trong khuôn viên của bệnh viện, chiến sĩ trẻ này dần quen với những công việc vốn rất xa lạ với những thanh niên ở tuổi đôi mươi như anh.
Chúng tôi hỏi Lực có sợ mình trở thành nạn nhân của dịch Covid-19 không? Lực dứt khoát: “Có chứ anh, nhưng trẻ như bọn em, được tập huấn, hướng dẫn đầy đủ mà chần chừ thì các bệnh nhân ở đây phải làm sao? Nhiều người đã đến đây và bình phục trở về nhà chính là niềm vui, niềm động viên với cán bộ, chiến sĩ rồi anh ạ”.
Thượng tá Trần Văn Trung, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, đánh giá: Trưởng thành từ gian khó, binh nhất Võ Tấn Lực như một hạt giống trải qua nhiều thử thách, nảy mầm vươn mình dưới ánh sáng của Đảng quang vinh. Dịch Covid-19 dự đoán sẽ còn phức tạp nhưng chắc chắn rằng, với sức trẻ, niềm tin và tình cảm với đồng bào mình, các cán bộ, chiến sĩ nơi đây sẽ theo “mệnh lệnh trái tim” tiếp tục chiến đấu và chiến thắng trong trận chiến này.
Đang tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch tại đơn vị, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Trương Minh Dũng, nhân viên Văn thư - Bảo mật, Văn phòng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh nhận tin cha mất tại quê nhà Kiên Giang. Dẫu đã lường trước và chuẩn bị tâm thế về ngày đó nhưng anh vẫn không khỏi hụt hẫng, buồn đau vì suốt nhiều tháng cha lâm bệnh, anh chưa có điều kiện để gần gũi, chăm sóc cha những ngày cuối cho tròn chữ hiếu. Đến khi cha mất, anh vẫn tiếp tục hy sinh ở lại với đơn vị, vì nhiệm vụ chống dịch lúc này là rất quan trọng, cần kíp. Được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tạo điều kiện lập bàn thờ bái vọng cha tại đơn vị, Trung tá QNCN Trương Minh Dũng phần nào được động viên, nén nỗi buồn đau tiếp tục nhiều công việc đang dang dở, cần kíp cùng đồng đội tại đơn vị.
Thực tế tại nhiều đơn vị LLVT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn rất nhiều người lính đầy tinh thần trách nhiệm, giàu nghị lực, tất cả vì nhân dân phục vụ như Trung tá QNCN Trương Minh Dũng, Binh nhất Võ Tấn Lực...
Mệnh lệnh từ trái tim
Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, cho biết: Hơn ba tháng qua, trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, là LLVT trong vùng tâm dịch, xuất phát từ quyết tâm hành động “An toàn tính mạng của nhân dân là mệnh lệnh từ trái tim người lính”, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh thành phố đã phát huy vai trò tiên phong, xung kích trên tuyến đầu chống dịch để cùng thành phố hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn, không để người dân đói khổ, thiếu thốn trong đại dịch Covid-19.
Những lúc cao điểm, Bộ Tư lệnh thành phố đã huy động đến 30 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch. Khắp các mặt trận, bộ đội tham gia phối hợp trực tiếp tuần tra, kiểm soát, truy vết, tầm soát, tổ chức phong tỏa, cách ly, chữa trị, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Hàng loạt khu phong tỏa, cách ly, bệnh viện dã chiến cấp phường, xã, quận, huyện và thành phố được quân đội quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân.
Trong cuộc chiến với “giặc” Covid-19, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bị phơi nhiễm Covid-19; 50 cán bộ, chiến sĩ có người thân trong gia đình mất nhưng tất cả đều tiếp tục ở lại đơn vị để đồng hành cùng các đồng đội của mình thực hiện nhiệm vụ. Vượt qua hiểm nguy, nén lại đau thương, mất mát, càng làm cho ý chí, quyết tâm chống dịch của cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố càng cao hơn.
Trong cuộc chiến đầy cam go đang diễn ra, phẩm chất tốt đẹp của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện thông qua nhiều hành động cụ thể, thiết thực. Một trong số đó là chiến dịch cao điểm trao tặng 100 nghìn phần quà giúp nhân dân có hoàn cảnh khó khăn. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá: Đây là việc làm nhân văn, rất có ý nghĩa, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết gắn bó giữa quân với dân. Những phần quà ý nghĩa nêu trên đã sớm đến tận tay người dân để động viên và hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nghĩa tình quân dân còn thể hiện trọn vẹn trong công tác chăm lo hậu sự đối với những người dân không may qua đời do dịch Covid-19. Những ngày qua, số người chết do Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu tăng, các nhà đòn (nhà tang lễ) ngày một quá tải. Trong bối cảnh đó, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã kịp thời tham mưu lãnh đạo Thành ủy và xin ý kiến của Quân khu 7 để gánh vác thêm nhiệm vụ lo toàn bộ hậu sự cho những người không may này.
Từ đó, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã thành lập các đội công tác đặc biệt để ngay khi có ca mất vì Covid-19 sẽ có mặt kịp thời để triển khai chu đáo mọi khâu cho người mất. Nghĩa cử thiêng liêng này luôn được thực hiện trang nghiêm, chu đáo để san sẻ phần nào nỗi đau của người dân khi mất người thân.
Duy trì mọi lực lượng ở trạng thái tốt nhất
Trung tướng Nguyễn Văn Nam cho biết thêm: Dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cho nên nhiệm vụ của người lính trong những ngày tới sẽ còn vất vả, thậm chí hy sinh. Để tròn bổn phận, trách nhiệm với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh thành phố xác định sẽ tập trung mọi nguồn lực, duy trì mọi lực lượng ở trạng thái tốt nhất nhằm tiếp tục đồng sức, đồng lòng cùng thành phố và nhân dân sớm đẩy lùi dịch bệnh, trở lại với cuộc sống bình thường.
Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết: Về vấn đề lương thực, thực phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố đã và đang tiếp tục triển khai gói hỗ trợ 100 nghìn gói an sinh. Đến nay, đơn vị đã triển khai được hơn 50% số lượng gói đến người dân có hoàn cảnh khó khăn. Từ ngày 23/8 tới đây, ngoài việc triển khai gói này, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đoàn thể thành phố và các địa phương sẽ phối hợp đồng bộ để chăm lo cho người dân, nhất là các đối tượng khó khăn để bảo đảm không có ai bị thiếu đói do tác động của dịch bệnh.
Về tình hình kiểm soát an ninh trật tự, mật độ tham gia lưu thông, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố triển khai kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông của người dân, các đối tượng được lưu thông; các đơn vị sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, giãn cách xã hội theo quy định.
Để hỗ trợ công tác xét nghiệm, điều trị, sáng 21/8, hơn 300 cán bộ, nhân viên, sinh viên Học viện Quân y lên đường tăng cường lực lượng cán bộ, nhân viên, học viên làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Khi vào địa bàn, đoàn sẽ tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, điều phối của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch phía nam Bộ Quốc phòng.
Lãnh đạo Học viện Quân y yêu cầu các thành viên đoàn công tác phải chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, tuân thủ sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ, hết mực yêu thương, quan tâm, chia sẻ, động viên người bệnh an tâm điều trị, hợp tác với các thầy thuốc.
Trước đó, Học viện Quân y cũng đã đưa 100 cán bộ, nhân viên, sinh viên vào chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam.