Nghĩa tình Pha Long

Từ thành phố Lào Cai, xe ngược vành đai biên giới di chuyển theo Quốc lộ 4D lên thị trấn Mường Khương, tiếp tục đi 20 km theo đường Tỉnh lộ 153 vừa trải qua những trận sạt lở lớn tại cây số 2 và cây số 14 là đến được Ðồn Biên phòng Pha Long anh hùng...
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng Ðồn Pha Long giúp người dân địa phương trong sản xuất, đời sống.
Bộ đội Biên phòng Ðồn Pha Long giúp người dân địa phương trong sản xuất, đời sống.

Pha Long ngày nay

Trước chuyến đi thăm tuyến Ðồn Biên phòng dọc biên giới Việt-Trung ở huyện Mường Khương của chúng tôi, Ðại tá Trần Quang Tùng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai chia sẻ thân tình: "Các anh nên thăm Ðồn Biên phòng Pha Long. Ðơn vị này hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, là một trong tám đơn vị cơ sở đầu tiên của Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hoàng Liên Sơn - tiền thân của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai ngày nay - vinh dự được thành lập vào đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác 19/5/1959. Nếu có thể, các anh ngủ lại một đêm ở đó, sẽ cảm nhận được sâu lắng hơn địa danh thiêng liêng này".

Theo Thượng tá Trần Văn Khoa, Chính trị viên Ðồn Pha Long, từ những ngày đầu mới thành lập, Ðảng ủy, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh (nay là Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ðồn Biên phòng Pha Long tập trung củng cố, tăng cường tổ chức về mọi mặt, trấn áp kịp thời đối tượng phản cách mạng, bảo vệ trật tự an toàn xã hội các xã biên giới; bảo vệ nhân dân; không để kẻ địch gây ra các vụ phá rối...; tích cực tuyên truyền giải thích cho người dân nắm và hiểu rõ các đường lối, chính sách của Ðảng và Chính phủ, tạo dựng niềm tin yêu, đùm bọc của nhân dân.

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Ðồn Biên phòng Pha Long đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần tô thắm truyền thống anh hùng của lực lượng Bộ đội Biên phòng, mà điển hình là việc đập tan mưu đồ đánh chiếm Ðồn Biên phòng Pha Long của bọn phản động đầu tháng 9/1960; chiến công oanh liệt trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979 với tinh thần "dù còn một người cũng chiến đấu" (trích bức điện Ðồn Pha Long gửi Bộ Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hoàng Liên Sơn trưa 18/2/1979), góp phần bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc...

Thời gian qua, Ðảng ủy, Ban Chỉ huy Ðồn Biên phòng Pha Long có nhiều chủ trương, giải pháp, với nhiều phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới, đem lại hiệu quả thiết thực như: Phong trào "Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới", "Chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau"; Chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới", "Bò giống giúp người nghèo biên giới", "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản", "Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Con nuôi Ðồn Biên phòng-Nâng bước em tới trường"; Mô hình "Thầy giáo quân hàm xanh", "Thầy thuốc quân hàm xanh", "Tri ân người có công", tặng mô hình sinh kế cho nhân dân...

Tô thắm hình ảnh người lính "quân hàm xanh"

Theo Chính trị viên Trần Văn Khoa, để thực hiện và hoàn thành những nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần tranh thủ và phát huy tốt vai trò già làng trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc và các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng sau khi xuất ngũ trở về địa phương. Ðó là những hạt nhân, điểm tựa trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương, góp phần xây dựng "thế trận lòng dân" củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa Bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Giới thiệu cán bộ, đảng viên là Bộ đội Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các thôn, bản giáp biên, Ðồn Pha Long lựa chọn những đồng chí tâm huyết, có năng lực, trách nhiệm, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền đoàn thể các địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị.

Bộ đội Biên phòng tích cực tham gia giúp dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới; tích cực hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo. Ðến nay Pha Long đã được công nhận là xã về đích nông thôn mới.

Trong thực hiện phong trào "Chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau", đến nay Ðồn Biên phòng Pha Long đã vận động các đoàn hảo tâm cùng với đơn vị mua và tặng người dân hai con bò, 14 con lợn giống sinh sản cho 14 hộ gia đình trên hai xã biên giới, với tổng số tiền là 70 triệu đồng.

Ðồng chí Phan Văn Tường, Chính trị viên phó Ðồn Pha Long cho biết thêm: "Năm 2023 khi đồn đã mua tặng hai xã trong địa bàn quản lý hai con bò trị giá 18 triệu đồng/con trích từ nguồn kinh phí của đơn vị...".

Thực hiện chương trình hỗ trợ "Con nuôi Ðồn Biên phòng-Nâng bước em tới trường", từ năm 2016 Ðồn đã đón hai cháu về để nuôi ăn, học và các cháu đều trưởng thành.

Hiện Ðồn Pha Long đang hoàn thiện hồ sơ của hai cháu là Giàng Văn Quân (sinh năm 2015) và Thào Xuân Tý (sinh năm 2016) ở thôn Pao Pao Chải, xã Pha Long. Hình thức là nuôi các cháu ăn ở luôn trong Ðồn cho đến khi học hết cấp hai.

Dịp này, chúng tôi lên thăm lối mở Lồ Cố Chin thuộc thôn cùng tên của xã Pha Long, huyện Mường Khương giáp với Lao Kha (Hà Khẩu, Trung Quốc). Ðây là thôn có 100% đồng bào thiểu số, là nơi khó khăn nhất của huyện Mường Khương.

Cả thôn chỉ có 29 hộ sinh sống, sinh kế chủ yếu là trồng ngô nương, nuôi trâu bò, lợn chủ yếu là tự cung tự cấp, nên dù Pha Long là xã nông thôn mới nhưng thôn Lồ Cố Chin chưa phải là thôn nông thôn mới.

Trạm biên phòng ở đây có 5-6 chiến sĩ, nhưng rất gắn bó với dân, nhất là những lúc xảy ra thiên tai, lở đất, Bộ đội Biên phòng ở đây đã giúp dân sơ tán, thông đường, làm nhà để khắc phục thiên tai khắc nghiệt...

Ðáng chú ý, công tác đền ơn đáp nghĩa với các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì nước trong chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979 luôn được chăm lo và chú trọng. Trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ ngay bên cạnh Ðồn có tấm Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Ðồn Biên phòng Pha Long ghi danh 41 liệt sĩ, trong đó có 26 người hy sinh trong cuộc chiến tháng 2/1979.

Lãnh đạo Ðồn Biên phòng Pha Long cho biết, phần mộ các Anh hùng Liệt sĩ đã được đưa về địa phương và quy tập tại nghĩa trang của huyện. Hằng năm, thân nhân vẫn lên thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ anh dũng chiến đấu hy sinh.

Câu chuyện về thân nhân Anh hùng Liệt sĩ Võ Ðại Huệ, sinh năm 1949, quê ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) hy sinh trong cuộc chiến ác liệt tại Ðồn Pha Long tháng 2/1979 thật cảm động. Liệt sĩ có cô cháu ruột là Võ Hồng Thanh và chồng, hiện đều là Bộ đội Biên phòng ở Nghệ An, năm nào vào dịp 27/7 cũng lên Pha Long thăm viếng nghĩa trang, được anh em trong Ðồn Biên Phòng Pha Long coi như người thân trong nhà là hình ảnh thắm tình quân dân.

Thượng tá Bùi Anh Tuấn, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Pha Long khẳng định, những kết quả đạt được có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tô thắm truyền thống vẻ vang của người lính "quân hàm xanh", mà còn tăng cường niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước; củng cố tình đoàn kết quân-dân nơi biên cương của Tổ quốc, huy động được sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...

Ðồn Biên phòng Pha Long hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được nhận Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; được tặng ba Bằng khen của Chính phủ, bốn Bằng khen của Bộ Quốc phòng, ba Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 18 Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, 21 Bằng khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai; một cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Bằng khen và Huân chương các loại.