Ưu tiên dự án cấp bách, kết nối liên vùng
Tại buổi báo cáo chuyên đề tiếp nhận góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học về xây dựng các tiêu chí, danh mục tuyến đường đầu tư bằng hình thức BOT trên cơ sở quy định của Nghị quyết 98 mới đây, Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết: Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 107 tuyến đường chính đô thị và đường trên cao thuộc diện có thể đề xuất mở rộng xây dựng theo Nghị quyết 98.
Trong đó, năm tuyến đường cần sớm được đầu tư mở rộng giai đoạn 2023-2030, có tổng vốn đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng, với ba tuyến quốc lộ huyết mạch. Ðầu tiên là Quốc lộ 13 (kết nối thành phố Thủ Ðức với tỉnh Bình Dương) dài gần 4,7 km. Quốc lộ 22 (phía tây Thành phố Hồ Chí Minh, từ nút giao An Sương đến nút giao vành đai 3) dài 9 km. Quốc lộ 22 cũng là tuyến quốc lộ kết nối với nhiều dự án giao thông quan trọng như vành đai 3, cao tốc Hồ Chí Minh-Mộc Bài, hiện có lưu lượng xe cộ lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Tiếp theo là Quốc lộ 1 (từ An Sương đến An Lạc) dài 9,6 km.
Ngoài ra, có trục đường bắc-nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km; xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phan Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) dài 3,2 km. Ðối với dự án cầu đường Bình Tiên, đây là tuyến đường huyết mạch (nối giữa Quận 6, Quận 8 và huyện Bình Chánh) ở cửa ngõ phía nam thành phố; từ kênh Ðôi, kênh Tàu Hủ đi qua khu nam thành phố, kết nối với tỉnh Long An.
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, tiêu chí lựa chọn dự án BOT dựa trên cơ sở: Việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu phải phù hợp quy hoạch được phê duyệt với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao để kết nối đồng bộ với các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, các công trình đầu mối liên kết vùng.
Ðồng thời, phù hợp định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội, định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia. Giải quyết các điểm nghẽn kết nối với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng. Cuối cùng là khả năng huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào dự án BOT. Nghị quyết 98 cũng cho phép, Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng nguồn vốn ngân sách có tỷ lệ tham gia của Nhà nước lên đến 70% nhằm tạo sức hút cho nhà đầu tư đối với các dự án PPP (đối tác công-tư), trong đó có hình thức BOT.
Xác định tiêu chí, huy động nguồn lực
Thành phố hiện đang quản lý 20 hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công để đầu tư phát triển ngành giao thông vận tải thành phố, với tổng mức đầu tư hơn 49.000 tỷ đồng. Cụ thể, có bảy dự án đầu tư theo hợp đồng BOT đã hoàn thành đưa vào sử dụng và khai thác. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Trong điều kiện ngân sách thành phố còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu vốn để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch và nhu cầu thực tế thì việc thu hút được vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, thông qua hình thức BOT (thành phố đã huy động được gần 10.000 tỷ đồng) là rất cần thiết.
Các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT hoàn thành, đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân, bảo đảm an toàn giao thông, giảm kẹt xe, tăng cường lưu thông hàng hóa qua việc rút ngắn thời gian lưu thông. Trên cơ sở của Nghị quyết 98, làm sao để cụ thể hóa điều kiện, tham gia thực hiện dự án BOT trong tình hình mới là vấn đề được các nhà đầu tư, doanh nghiệp hết sức quan tâm.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) Lê Quốc Bình cho biết: Bốn yếu tố chúng tôi quan tâm khi đầu tư dự án BOT là: dự án phải kết nối liên vùng, người dân có quyền lựa chọn phương án tối ưu, dự án đáp ứng về quy mô, chính sách thu phí.
Theo ông Bình, Thành phố Hồ Chí Minh cần tránh việc đặt quá nhiều trạm thu phí BOT khắp nơi, giải quyết tổng thể các áp lực kẹt xe mới là điều quan trọng vì không thể giải quyết điểm kẹt xe này sau khi đầu tư BOT nhưng lại “dời” điểm ùn tắc qua điểm khác. Ngoài các tiêu chí về quy hoạch, khả năng giải quyết ùn tắc, tác động đến kinh tế-xã hội thì cần quan tâm đến khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư và đưa khả năng hoàn vốn này vào tiêu chí để xem xét tính khả thi của dự án.
Nghị quyết 98 đã tạo cơ chế đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông huyết mạch và cấp bách, nhất là với hình thức đầu tư BOT; trong đó cho phép thành phố sử dụng nguồn vốn ngân sách để tham gia đầu tư các dự án giao thông có tính chất liên vùng (điều mà trước đây chưa có tiền lệ).
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm, dự án BOT không phải là mô hình mới đối với Thành phố Hồ Chí Minh vì thực tế đã thực hiện, mang lại hiệu quả về hạ tầng giao thông cho thành phố. Trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu vốn thì việc huy động các nguồn lực xã hội vào các dự án là rất cần thiết. Do đó, thành phố cần nhanh chóng lựa chọn, thu hút đầu tư và triển khai hiệu quả những dự án BOT cấp bách, khả thi trên cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 vừa ban hành, mở ra cơ hội huy động được nhiều nguồn lực xã hội hợp pháp.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký quyết định thành lập Hội đồng tư vấn và Tổ thư ký Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng tư vấn gồm 25 thành viên là những chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đầu ngành trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư, giao thông, quy hoạch, văn hóa-xã hội.