Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Ninh Thuận

Từ mô hình trồng dâu nuôi tằm, nhiều nông dân ở xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận có thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng. Nay, mô hình đang mở ra nghề mới cho người dân nông thôn, đồng thời tạo nền móng cho việc nhân rộng mô hình tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00

Theo Bí thư Đảng ủy xã Quảng Sơn Dương Đăng Minh, nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương đã có từ lâu, tuy nhiên nhiều năm trước đây, do phát sinh các yếu tố bất lợi cho người sản xuất về giá sản phẩm trên thị trường, cho nên nghề này dần mai một cho đến cuối năm 2022 nông dân mới quay lại với nghề. Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình, đến nay toàn xã đã phát triển lên 2 ha.

Qua theo dõi tình hình sản xuất và hiệu quả kinh tế đem lại cho nông dân, chính quyền có cơ sở xác định dâu tằm là loại cây có giá trị kinh tế cao, nếu có thể liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi sẽ giúp nông dân địa phương vươn lên làm giàu. Do đó, xã đang phối hợp với các ngành chức năng để hỗ trợ người dân khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.

Quảng Sơn là xã thuần nông, nơi đây nổi tiếng là thủ phủ của cây mía và cây sắn của tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế của một số cây trồng nói trên không cao, cho nên một số hộ đã chuyển đổi diện tích trồng sắn, mía sang trồng dâu nuôi tằm.

Chúng tôi tới thăm mô hình sản xuất của ông Hoàng Văn Kính, một trong những hộ tiên phong trồng dâu nuôi tằm ở thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn. Ông Kính chia sẻ: “Sau nhiều năm trồng mía và sắn không đem lại hiệu quả kinh tế, đầu năm 2023, tôi chuyển sang trồng dâu, đầu tư 400 triệu đồng để trồng hơn 2 sào (2.000 m2) cây dâu để nuôi tằm lấy kén. Sau hơn 1 năm vừa làm, vừa học tập kinh nghiệm, đến nay, tôi đã nhân rộng vùng trồng lên gần 1 ha (10.000 m2) cây dâu. Hiện, mỗi tháng tôi thả nuôi 2 lứa tằm, mỗi lứa thả nuôi 2 hộp tằm giống, trung bình sau 17 ngày nuôi thì thu hoạch 1 lần đạt từ 100-120 kg kén tằm; mỗi tháng thu từ 200-240 kg kén tằm. Với giá bán ổn định từ 200.000-220.000 đồng/kg, tôi thu từ 40-50 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần so với trồng mía, sắn”.

Ông Kính cho biết thêm, con tằm rất nhạy cảm với môi trường và nhiệt độ, cho nên nuôi ở quy mô lớn, đòi hỏi phải bảo đảm nhiệt độ trung bình trong các chiếc “né” nuôi tằm luôn duy trì từ 25-30 độ C, độ ẩm khoảng 80-85% thì tằm mới sinh trưởng và phát triển tốt. Do đó, cần đầu tư lắp máy điều hòa để bảo đảm nền nhiệt. Cùng với đó, để chủ động nguồn thức ăn cho tằm, ông Kính phải cải tạo đất nông nghiệp trồng gần 1 ha cây dâu để bảo đảm nguồn thức ăn cho tằm. Sự phát triển của con tằm trải qua 5 tuổi đời (mỗi tuổi đời kéo dài từ 2-3 ngày). Qua một lần lột xác, tằm sẽ thêm một tuổi. Từ độ tuổi thứ 2 trở đi, tằm ăn rất nhiều lá dâu, đây gọi là giai đoạn “tằm ăn rỗi”, cho nên người nuôi phải liên tục bổ sung thức ăn. Khi con tằm “chín”, nông dân sẽ đưa tằm vào các “né” (né làm bằng khung gỗ có kích thước khoảng 1 m2, bên trong khung gỗ được chia thành nhiều ô vuông nhỏ), khi vào bên trong “né” gỗ, mỗi con tằm sẽ chui vào một ô vuông để làm tổ, nhả tơ bao bọc quanh mình, tạo thành kén tằm.

Nhiều nông dân trồng dâu nuôi tằm ở xã Quảng Sơn cho biết, do đặc thù khí hậu “ít mưa, thừa nắng” cho nên cây dâu trồng ở nơi đây sinh trưởng rất tốt, lá dâu không bị ướt do mưa hoặc sương đêm, cho nên nông dân giảm đáng kể công chăm sóc. Lá dâu xanh tốt, bảo đảm chất dinh dưỡng cho nên tằm nhả tơ, kết kén rất chất lượng, kén có mầu trắng tươm, đẹp hơn rất nhiều so với kén tằm ở các tỉnh khác, nhờ đó giá bán kén tằm có nguồn gốc tại xã Quảng Sơn luôn cao hơn những nơi khác.

Ông Dương Đăng Minh cho biết, từ kết quả đạt được trong thời gian qua, địa phương có đủ cơ sở để nhân rộng nghề trồng dâu nuôi tằm trong tương lai. Hiện, xã tuyên truyền, vận động các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích sản xuất, trong đó, đẩy mạnh trồng cây dâu tằm, hướng đến việc thành lập hợp tác xã dâu tằm để đạt mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân địa phương với nghề mới.