Nghệ nhân dệt the của làng nghề trăm tuổi

Nhắc đến các làng nghề ở Hà Đông (Hà Nội), nhiều người thường nghĩ tới làng lụa Vạn Phúc. Nhưng có lẽ ít ai biết, gần Vạn Phúc có một làng dệt lụa the vang danh không kém, sản phẩm chuyên dành cho các bậc vua chúa, gia đình quyền quý thuở xưa, từng được mang đi triển lãm ở nước ngoài, là món quà tặng trân quý, độc đáo. Đó là làng cổ La Khê (nay thuộc phường La Khê, quận Hà Đông).
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Lê Đăng Toản bên khung cửi truyền thống, chuyên dệt lụa the thủ công. (Ảnh THẾ ĐẠI)
Nghệ nhân Lê Đăng Toản bên khung cửi truyền thống, chuyên dệt lụa the thủ công. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Trong "tứ quý danh hương" (Mỗ-La-Canh-Cót) của vùng đất ven kinh thành Thăng Long xưa thì "La" chính là làng cổ La Khê. Lụa the La Khê được nhắc đầu tiên trong câu ca dân gian "The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn". Ấy là ngày xưa! Bây giờ, qua bao thăng trầm của thời gian, nghề dệt the La Khê chỉ còn trong ký ức ít người. Tuy nhiên, may mắn vẫn có một nghệ nhân đau đáu với nghề xưa, gắng gỏi níu giữ nghề truyền thống. Đó là nghệ nhân Lê Đăng Toản.

Vàng son một thuở

Các bậc cao niên làng La Khê chia sẻ, cùng nằm trên trên mảnh đất ven chốn kinh kỳ, cùng làm nghề dệt..., nhưng nếu làng La Khê chuyên dệt the, sa màu, lụa vân... thì người dân làng Vạn Phúc lại chuyên dệt lụa gấm. Theo thư tịch cổ còn lưu lại: Làng La Khê được hình thành từ thế kỷ thứ 5, lúc đầu có tên La Ninh. Theo người xưa, "La" là lụa, "Ninh" là sự thịnh vượng, lâu bền.

Đến thế kỷ 15, làng La Ninh được đổi tên thành La Khê, tức là làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ bởi đất làng do phù sa sông Ðáy, sông Nhuệ bồi đắp nên. Vùng đất ven kinh đô này vốn màu mỡ, thích hợp với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ. Người dân dệt sồi, đũi phục vụ chốn kinh kỳ.

Theo chuyên gia phong thủy Tam Nguyên: La Khê vốn là vùng địa khí tốt. Đầu thế kỷ 17, có một số gia đình lưu lạc qua La Khê, thấy vùng đất này cây trái tốt tươi cho nên dừng chân lập nghiệp, dạy nghề dệt lụa cho dân làng. Từ đây, La Khê nức tiếng xa gần bởi các sản phẩm lụa với chất liệu nhẹ, thoáng, họa tiết cầu kỳ, tinh tế... phù hợp khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.

Thuở ấy, có câu ca được nhiều người biết "The La, lụa Vạn, cải Canh/Nhanh tay em bán, ai sành thì mua…". Năm 1823, triều đình nhà Nguyễn từng ra sắc lệnh lập La Khê thành một xưởng dệt cho cung đình Huế, đồng thời cho cả làng được miễn đi lính để tập trung cho việc phát triển làng nghề. Thời vua Thiệu Trị, xưởng dệt làng La Khê được gọi là Chức tạo cục, hằng năm sản xuất, cung cấp cho triều đình theo định mức 600 tấm lụa sa màu.

Chợ Cầu Ðơ một tháng sáu phiên là nơi người dân trong làng mang các sản phẩm của mình ra bán buôn, để từ đó dòng vải lụa cao cấp này tỏa đi khắp đất nước. Đời vua Minh Mạng (1820-1841), có viên quan tên Trần Quý, tình cờ được tặng một mảnh gấm rất đẹp, liền mày mò nghiên cứu. Tìm được bí quyết trong cách dệt lụa gấm của người nước ngoài, khi trở về làng, ông bèn cùng một số thợ trong làng cải tiến việc dệt.

Nhóm thợ làng La Khê đã dệt được những mảnh lụa gấm với hoa văn tinh xảo không kém mảnh gấm mẫu. Từ đó, làng La Khê có thêm nghề dệt gấm, Trần Quý trở thành ông tổ dệt gấm của làng. Nghề dệt lụa ở La Khê phát triển mạnh, không những cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang châu Âu, sản phẩm lụa the La Khê được người Pháp rất ưa thích...

Nghìn năm canh cửi...

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, vài chục năm cuối thế kỷ 20, làng dệt truyền thống La Khê gần như mất dấu. Làng dệt nức tiếng một thuở chẳng còn ai mặn mà với nghiệp canh cửi, một phần cũng bởi lý do, lụa the là dòng sản phẩm cao cấp, không thể sản xuất đại trà.

Khoảng năm 2002, làng nghề dần được khôi phục nhờ tâm huyết của các bậc cao niên và chính quyền địa phương. Mọi người hy vọng vực dậy dòng lụa the trứ danh xưa. Hợp tác xã dệt lụa của làng ra đời, trở thành nơi các thế hệ trước trao truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau.

Trong làng lại lách cách tiếng thoi đưa, những dải lụa the thương hiệu La Khê lại lộng lẫy hồi sinh. Nghệ nhân Lê Đăng Toản tham gia hợp tác xã với niềm phấn khích. Thực ra, trước đó cả chục năm, anh Toản đã có "duyên" với nghiệp canh cửi khi phụ trách kỹ thuật cho một xưởng dệt công nghiệp.

"Nhưng đó là vải công nghiệp, còn để làm ra những mét lụa the tinh xảo, phải dệt thủ công bằng khung gỗ truyền thống với bộ "go võng" độc đáo được "thửa" riêng. Cùng làm bằng nguyên liệu tơ tằm, nhưng nếu lụa Vạn Phúc mỏng, mềm, mặt được dệt kín thì lụa the La Khê lại dày nhưng xốp, tuy dệt thưa nhưng bề mặt tấm lụa lại rất chặt, sợi ngang sợi dọc vặn xoắn cầu kỳ, không bị "xô, trôi", tạo cảm giác thoải mái khi mặc. Trang phục bằng the bao giờ cũng có lớp vải lót bên trong...", nghệ nhân Lê Đăng Toản chia sẻ.

Vài năm sau, vì nhiều lý do, hợp tác xã không duy trì được nữa. Xưởng đóng cửa, xã viên tứ tán khắp nơi. Anh Toản ở lại làng xoay xở đủ nghề để lo toan cho gia đình.

Hằng ngày, qua xưởng dệt, người đàn ông ấy cứ bần thần. Anh thèm được nghe tiếng thoi đưa lách cách, thèm được lùa vào từng búp lụa để đón cảm giác mát lạnh nơi đầu ngón tay… Với nghệ nhân ấy, đó không phải là niềm tiếc nuối nữa mà là nỗi xót xa cho một làng nghề hơn 400 năm tuổi tưởng đã được hồi sinh nhưng lại bên bờ vực lụi tàn.

Sau vài ngày trăn trở, anh Toản quyết định sẽ gây dựng lại xưởng dệt, mặc dù chính anh còn chưa biết làm thế nào khi vốn liếng không có, trong làng chẳng mấy ai còn mặn mà với nghề, quan trọng hơn là sản phẩm làm ra thì bán ở đâu? May mắn, chị Thúy Quỳnh, vợ anh luôn hết lòng ủng hộ vì chị hiểu chồng, bởi chị cũng... trót yêu lụa the La Khê. Chồng dệt, vợ phụ cùng, khi hoàn thiện, lại tất bật tìm đầu ra cho sản phẩm.

Họ gần như đơn độc trên con đường mình đã dấn thân lựa chọn. Khó khăn, vốn liếng mỏng, đầu ra không có..., nhưng vẫn không mệt mỏi bằng khi phải nghe lời ra tiếng vào như: "Thời buổi này, ai còn mặc loại vải đấy nữa? Giờ người ta dệt bằng máy, vài tiếng được cả nghìn mét chứ cứ cọc cạch bên khung gỗ, ngày dệt được vài tấm lụa thì ăn thua gì?".

Gác lại những lời đó ngoài tai, vợ chồng anh Toản mê mải với công việc. "Nghề dệt the rất công phu, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên trì. Vẽ hoa văn được coi là công đoạn khó nhất, bởi người vẽ phải tính toán từng đường nét sao cho cân đối. Khi hoàn thiện, tấm the mịn màng, phẳng phiu, không bị nhàu, bị nhăn. Mỗi mẫu phải mất vài tháng đến cả nửa năm mới xong. Máy dệt bán công nghiệp chỉ hỗ trợ được một phần, còn hầu hết là dệt bằng khung gỗ thủ công. Một thợ lành nghề chỉ dệt được từ 5 đến 7 m the trong một ngày, vì thế giá thành sản phẩm khá cao", anh Toản bộc bạch.

Cặm cụi làm, cặm cụi thiết kế mẫu mã mới hơn để bắt kịp xu hướng, đi chào hàng nhiều nơi, mang lụa the sang làng lụa Vạn Phúc gửi nhờ bán hộ..., sản phẩm của vợ chồng nghệ nhân Lê Quốc Toản bắt đầu được khách hàng biết đến, tìm mua. Dần dà, khách hàng tìm đến nhiều hơn, các nhà thiết kế đặt những mẫu riêng bởi họ bị sản phẩm thủ công độc đáo này chinh phục. Thời điểm nhiều đơn hàng, anh Toản thuê thêm 3-4 thợ.

Chị Thúy Quỳnh chia sẻ: Xưởng của gia đình hiện dệt được 9 loại lụa cổ như: lụa vân, sa ngũ phúc, sa nam, the hoa, quế, xuyến... Những loại lụa này được khách hàng mua để may cổ phục, áo dài truyền thống, may khăn làm quà tặng...Tuy nhiên, điều nghệ nhân Quốc Toản trăn trở là hiện nay hầu như không còn người trẻ nào mặn mà với công việc này. Tại La Khê, bây giờ chỉ còn mỗi gia đình anh theo nghề.

Cuối năm 2024, một gian trưng bày mang tên "The La- Ngàn năm canh cửi" được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Những giá trị xưa cũ từng vang bóng một thời được tôn vinh. Các sản phẩm do vợ chồng nghệ nhân Lê Đăng Toản sắp đặt tại đây đã cuốn hút du khách.

Mọi người có cơ hội trải nghiệm khi tự tay dệt lụa với khung cửi gỗ, được ngắm các trang phục "thuần" the La Khê, trong đó có các bộ áo dài thiết kế tinh tế, lồng ghép họa tiết biểu tượng đặc trưng của Hà Nội như Khuê Văn Các, cột cờ Hà Nội, cầu Thê Húc, cầu Long Biên, chùa Một Cột trên chất liệu lụa truyền thống.

Anh Toản trải lòng: Mong muốn lụa the La Khê có cơ hội được xuất hiện nhiều hơn nữa. Làng La Khê vốn có di tích Bia Bà nổi tiếng. Vào dịp lễ, Tết, nơi đây thu hút rất đông du khách đến tham quan. Nếu địa phương xây dựng được tour du lịch tâm linh gắn với trải nghiệm nghề truyền thống thì lụa the La Khê chắc chắn sẽ được nhiều người biết đến hơn.

La Khê giờ đã thành một phường thuộc quận Hà Đông. Bóng dáng làng xưa gần như không còn. Những con phố bê-tông cao ráo sạch sẽ, những cửa hàng biển hiệu sáng choang, nhiều ngôi nhà 4-5 tầng nép mình bên các cao ốc chọc trời.

Thế nhưng, bên cạnh nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, trong một xưởng dệt nhỏ nằm bên con ngõ nhỏ ven giếng làng cũ kỹ, vẫn lách cách tiếng thoi đưa, vẫn có một nghệ nhân hằng ngày cặm cụi bên khung cửi, âm thầm lưu giữ những hồn cốt nghề truyền thống của cha ông trao truyền lại. Giữa ồn áo, náo nhiệt, âm thanh ấy có phần lạc lõng.

Tuy nhiên, nó vẫn mang đến chút lạc quan về một ngày mới cho lụa the La Khê, bởi vẫn còn nghệ nhân khắc khoải, tâm huyết với nghề, dệt nên những tấm lụa ấp iu hơi thở từ nghìn xưa…