Vĩnh biệt cây đại thụ của nền điện ảnh Việt

NDO - NDĐT - NSND Hải Ninh đã qua đời sáng sớm nay tại Hà Nội. Không chỉ là một trong những người đặt nền móng cho nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam, NSND Hải Ninh còn là người sớm đưa điện ảnh Việt thời kỳ đầu tiếp cận với thế giới thông qua những LHP quốc tế của Nga.
NSND Hải Ninh và NSND Trà Giang khi quay phim “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”
NSND Hải Ninh và NSND Trà Giang khi quay phim “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”

Là người thầy của bao lớp nghệ sĩ, diễn viên màn bạc, ông cũng là người cha đáng kính có ảnh hưởng to lớn tới sự nghiệp của một gia đình điện ảnh: Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và Phạm Nhuệ Giang.

Sinh ngày 31-12-1931 tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa, NSND Hải Ninh tham gia khóa đào tạo đạo diễn đầu tiên của Đại học Sân khấu điện ảnh Việt Nam. Tác phẩm tốt nghiệp của ông mang tên “Một ngày đầu thu”, do ông làm Phó đạo diễn cho đạo diễn Huy Vân.

Khi chuyển sang làm đạo diễn chính, ông đã có rất nhiều tác phẩm gây ấn tượng và giành nhiều giải thưởng tại các kỳ LHP trong nước và quốc tế cả cho phim truyện và phim tài liệu. Tính đến nay, gia sản của NSND Hải Ninh là 12 phim truyện và ba phim tài liệu, trong đó có tám phim đã giành nhiều giải thưởng tại các LHP trong nước và quốc tế.

Năm 1964, phim “Người chiến sĩ trẻ” nói về Anh hùng Cù Chính Lan do ông thực hiện đã giành giải Bông sen vàng tại LHPVN lần I; Bằng khen của Hội Điện ảnh và của Đoàn Thanh niên Komxomon Liên Xô tại LHP quốc tế Matxcơva năm 1965. Năm 1967, phim “Rừng O thắm” của ông giành giải Bông sen bạc LHPVN lần I năm 1970.

Bộ phim “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm” – một trong những phim làm nên tên tuổi của NSND Trà Giang đã giành giải Bông sen bạc LHP Việt Nam lần II, đồng thời giành giải thưởng Hòa bình thế giới của Liên bang Xô viết tại LHP quốc tế Matxcơva 1973.

“Em bé Hà Nội” - phim gắn bó với cả cuộc đời NSND Lan Hương giành giải Bông sen vàng LHP Việt Nam lần II, 1973; Giải Đặc biệt của LHP quốc tế Matxcơva năm 1975 và giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại LHPQT Xyry.

“Thành phố lúc rạng đông” giành Giải thưởng Lớn (Grand Prix) của Nhà nước Đức trao tặng năm 1975.

“Mối tình đầu” giành giải Bông sen bạc LHPVN lần V, 1980; giải Đạo diễn xuất sắc, Giải Nhất chính thức của tổ chức Unesco năm 1978; giải bạc LHPQT phim Tân hiện thực lần thứ 21 ở Italia năm 1981.

“Kiếp phù du” giành giải Bông sen bạc LHPVN lần IX, 1990. “Đất mẹ” giành Bằng khen LHP Việt Nam lần VI năm 1983.

Đó là những thành tích tiêu biểu nhất trong sự nghiệp điện ảnh của ông.

Không chỉ có thế mạnh về phim chiến tranh, cách mạng, NSND Hải Ninh còn là một trong những người đi tiên phong trong dòng phim sử thi, lịch sử.

“Đêm hội Long Trì” và “Kiếp phù du” là hai tác phẩm để đời của ông về đề tài lịch sử, và cho đến bây giờ, vẫn được coi là những bộ phim kinh điển, mặc dù cách làm rất giản dị.

Đối với ông, không quan trọng đề tài lớn hay nhỏ, mà cách làm phim phải sâu sắc, phải chạm được tới vấn đề của cuộc sống. Cho đến khi đã tuổi cao, sức yếu, một trong những trăn trở của ông vẫn là những điều xoay quanh điện ảnh Việt. Niềm tự hào của ông là con trai Nguyễn Thanh Vân và con dâu Phạm Nhuệ Giang, những người đang nối tiếp bước đi của ông trên con đường điện ảnh, với không ít giải thưởng điện ảnh trong và ngoài nước.

Nghệ sĩ Hải Ninh được tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1984. Những năm gần đây, sức khỏe của NSND Hải Ninh suy yếu đáng kể, do ông đang phải chịu căn bệnh ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, ông cố gắng không bỏ lỡ những sự kiện điện ảnh lớn của đất nước, bởi vì với ông, đó không chỉ là cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những người bạn, người đồng nghiệp thuộc nhiều thế hệ, mà còn là dịp chứng kiến những thay đổi của điện ảnh nước nhà.

Ngay trước thềm Tết Quý Tỵ, NSND Hải Ninh đã phải nhập viện do hạ huyết áp đột ngột, sau đó rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Ông trút hơi thở cuối cùng vào sáng sớm nay, thọ 83 tuổi. Lễ tiễn đưa đạo diễn- NSND Hải Ninh về nơi an nghỉ cuối cùng diễn ra từ 10h đến 11h trưa 7-2 (tức 27 tháng Chạp) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng.