Nhân Năm du lịch Nghệ An - 2005

Nghệ An trong lòng đất nước

Nghệ An ở trung tâm Bắc Trung Bộ. Các phát hiện quan trọng về khảo cổ học qua những di tích cổ nhân, cổ sinh hóa thạch cho thấy nơi đây đã có sự sinh tụ của con người thời tiền sử và sơ sử. Dấu ấn của  nền văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đông Sơn vẫn trầm tích nguyên tầng tầng lớp lớp trong lòng đất Nghệ An.

Sách "Lịch triều hiến chương loại chí" của học giả uyên bác Phan Huy Chú đã nhận xét Nghệ An "núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng".

Cũng theo Phan Huy Chú thì Nghệ An "đời cổ là nước Việt Thường... Đường bắt đầu gọi là Hoan Châu, sau đổi là Diễn Châu. Buổi đầu nhà Lý đổi Hoan Châu làm trại, đời Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 3 (1030) đổi gọi là Nghệ An". Như vậy chỉ tròn 20 năm sau, Thái Tổ Lý Công Uẩn xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long thì đất nước ta có thêm một danh tính mới là Nghệ An. "Nghệ" là sửa, trị. "An" là yên, bình. Đặt tên Nghệ An, Lý Thái Tổ tỏ ý mong muốn miền đất này được quản lý điều hành tốt, để nhân dân được thanh bình, hạnh phúc. Kể từ ngày đó tới nay đã là 975 năm. Nghệ An đã và đang là biểu tượng của vùng đất "địa linh nhân kiệt", đồng thời cũng là tên gọi tự hào của nhiều thế hệ gắn liền với truyền thống quê hương Xô-viết anh hùng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Nói tới Nghệ An là nói tới một miền đất "non xanh nước biếc như tranh họa đồ". Phía tây dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, phía đông vươn dài ra biển cả. Nghệ An phong trần và cởi mở đã hấp dẫn không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách. Bước chân của các nhà vua, các anh hùng Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi... còn lưu lại trên nhiều bước đường xứ Nghệ.

Nói tới Nghệ An cũng là nói tới miền đất huyền thoại của đa dạng văn hóa với sáu tộc người: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu và Kinh. Mỗi tộc người đã và đang sở hữu những giá trị văn hóa hết sức độc đáo với kho tàng truyện kể dân gian hoặc các làn điệu dân ca say đắm lòng người. Đặc biệt, Nghệ An là xứ sở của hát dân ca hò ví dặm vừa mênh mang vừa sâu lắng, đủ sức nuôi lớn nhiều tâm hồn và cốt cách của không ít các danh nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh, chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, nữ sĩ - bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương.

Gần một thiên niên kỷ đi qua, Nghệ An luôn luôn là "thành đồng ao nóng", đất phên dậu và là "then khóa của các triều đại", là nơi quân tiến, quân lui mỗi khi sơn hà xã tắc lâm sự binh đao. Năm 722, Mai Thúc Loan dấy binh ở Nam Đàn  đánh bại ách đô hộ của nhà Đường, lập nên nhà nước Vạn An độc tập tự chủ và lên ngôi hoàng đế. Trong buổi đầu dựng cờ khởi nghĩa, Bình Định Vương Lê Lợi cũng đã chọn đất Nghệ An làm chỗ đứng chân mưu cầu nghiệp lớn. Lịch sử cũng còn ghi ngày 29 tháng chạp năm 1788 dưới chân núi Dũng Quyết, cờ xí rợp trời, trước hơn một vạn tinh binh bản địa, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã mở cuộc tổng duyệt và đọc lời hịch vang vọng cả nước Nam chuẩn bị tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh giải phóng Thăng Long.

Con người Nghệ An nổi tiếng với những tính cách độc đáo, riêng biệt và đầy ấn tượng, một lối sống hồn nhiên và tự nhiên như nắng như gió, một tấm lòng cởi mở và chân thực như núi như sông, đầy nghĩa tình bè bạn. Hàng ngàn năm nay, người Nghệ đã khắc ghi câu ca dao như một lối sống của quê hương mình: "Bao giờ Ngàn Hống hết cây, sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình". Người Nghệ cũng hết sức tôn vinh sự học, đời đời nối nhau nuôi chí đèn sách, lịch sử nước nhà cũng đã lưu danh các anh hùng hào kiệt và các bậc kỳ tài như Trạng Nguyên Hồ Tông Thốc, Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, Trạng nguyên Bạch Liêu, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu...

Nghệ An cũng được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khá nhiều những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, kết hợp với các di tích lịch sử và di sản văn hóa tạo nên những tiềm năng du lịch to lớn, ngoạn mục, kỳ thú.

Vinh đầy chất sử thi lấp lánh qua những cổng thành cổ hơn 200 năm tuổi lại được ví như thành phố buổi bình minh tươi trẻ và căng đầy sức sống. Cách Vinh không bao xa là cố hương của anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhìn sang bờ nam sông Lam là nguồn cội của đại thi hào Nguyễn Du và xuôi về Biển Đông là khu du lịch Cửa Lò cát mịn nước trong, nơi nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách xa gần.

Ngược nguồn sông Lam, Nghệ An có vườn quốc gia nguyên sinh Pù Mát với một thảm thực vật và hệ động vật phong phú vào loại bậc nhất Việt Nam hiện nay. Pù Mát cũng là địa chỉ du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm hấp dẫn ít nơi sánh được. Nghệ An cũng là quê hương của nhiều công trình kiến trúc mỹ thuật độc đáo gắn với lễ hội đền Cờn, lễ hội đền Cuông, lễ hội đền Quả Sơn, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội đền thờ ông Hoàng Mười...

Từ một nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, điểm xuất phát rất thấp, hiện nay tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của Nghệ An đã đạt trên 10%, tổng thu ngân sách đứng thứ 13 trong cả nước. Cơ cấu kinh tế được chuyển đổi theo định hướng ưu tiên phát triển công nghiệp - xây dựng - thương mại và dịch vụ. Nhiều nhà đầu tư đã tìm thấy ở Nghệ An một môi trường phát triển kinh tế đầy tiềm năng và một thị trường lưu thông sản phẩm hàng hóa rộng lớn và hấp dẫn, vừa là cầu nối hai miền nam - bắc, vừa là cửa ngõ sang Lào và đông bắc Thái-lan. Nghệ An đang có một vị thế mới và tạo được sự quan tâm chú ý của bạn bè trong nước và quốc tế.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn dành cho quê hương Nghệ An những "Nghĩa nặng, tình sâu", Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chính phủ cũng như tấm lòng của nhân dân cả nước gửi gắm niềm tin để Nghệ An "trở thành một trong những tỉnh khá nhất cả nước, cùng cả nước vững bước tiến lên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa".

Tin rằng với chiều dày truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng, Nghệ An sẽ hoàn thành xuất sắc mục tiêu cao cả và thiêng liêng đó.