Hệ lụy khó lường
Thời gian qua, tại Nghệ An nổi lên hành vi núp bóng danh nghĩa các cơ sở hoạt động kinh doanh cầm đồ (KDCÐ), dịch vụ hỗ trợ tài chính (HTTC) để hoạt động cho vay nặng lãi. Các cơ sở này đều có phương thức hoạt động giống nhau, với các thông tin quảng cáo cho vay tiền với lãi suất hấp dẫn, thủ tục đơn giản, được dán công khai, từ các cột điện, bờ tường đến các bảng, biển dọc đường, ngã tư hoặc giữa chợ... Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trên địa bàn TP Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên... có hơn 550 cơ sở KDCÐ và hơn 170 cơ sở HTTC.
Ðiều hành các cơ sở nêu trên phần lớn là các đối tượng hình sự. Sau khi vay tiền, nhiều trường hợp do lãi suất quá cao (trả lãi 3.000 đến 5.000 đồng/một triệu đồng/ngày), khi đến kỳ hạn, không kịp thanh toán, dẫn đến lãi mẹ đẻ lãi con. Ðể đòi nợ hay siết nợ, các đối tượng này dùng nhiều chiêu trò để khủng bố tinh thần người vay nợ như ném chất bẩn vào nhà, cho đối tượng hình sự ngồi lỳ trong nhà… Nghiêm trọng hơn, các đối tượng này còn bắt cóc, đánh đập người vay, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản... khiến họ hoảng sợ, bán tài sản, thậm chí vi phạm pháp luật để có tiền trả lãi. Ông N.T.G, trú tại phường Cửa Nam, TP Vinh cho biết, vừa qua, gia đình cần một khoản tiền gấp, đã vay nóng 35 triệu đồng, nhưng sau đó không lâu cả gốc và lãi lên tới gần 60 triệu đồng. Do chưa có tiền để trả, gia đình ông luôn bị các đối tượng cho vay đến nhà quấy rối. Ðến hạn chưa thu được nợ, nhóm sáu đối tượng do Ngô Sỹ Kiều (SN 1981, trú tại xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu) mang theo vòng hoa, loa đài mở nhạc đám ma đến nhà chị Ngô Thị Hồng (SN 1992) trú tại xã Diễn Xuân (Diễn Châu) để đòi nợ. Hay đối tượng Nguyễn Tiến Sỹ và Nguyễn Văn Hoàng đều ở phường Cửa Nam (TP Vinh) được chủ nợ thuê đòi nợ. Nhóm đối tượng này đã mang bia, loa đài đến ngồi lỳ trong nhà con nợ để uống, nghe nhạc kéo dài ngày này sang ngày khác. Không chỉ có vậy, một số đối tượng cầm đầu còn lôi kéo một số thanh niên không có việc làm ổn định vào con đường ăn chơi rồi cho vay tiền lãi suất cao, đến khi con nợ không có khả năng trả thì bắt gia đình trả nợ thay. Ðiển hình là nhóm đối tượng do Nguyễn Văn Vương (31 tuổi, trú ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên) cầm đầu. Theo đơn tố giác của gia đình em P.H.P đang học lớp 12: Nhóm của Vương cho P.H.P. vay cả gốc lẫn lãi lên đến hơn 200 triệu đồng. Do P. không trả được nợ, nhóm này thường xuyên đến nhà đe dọa, bắt bố mẹ P. trả nợ cho con. "Chúng đã đe dọa con tôi làm cháu sợ hãi phải bỏ học, bỏ nhà đi. Còn vợ chồng tôi luôn sống trong tình trạng lo lắng, sợ hãi, xóm làng mất an ninh trật tự", bố của P. cho biết. Tương tự, trường hợp gia đình ông V.Ð.T ở xóm Khoa Ðà 3 (Hưng Tây), có con trai là V.Ð.Ph., bị nhóm tội phạm do Vương cầm đầu rủ rê đánh bạc, rồi ép viết giấy vay nợ hơn một tỷ đồng. Cũng theo phản ánh của gia đình và địa phương, do không có tiền trả, các đối tượng này đã nhiều lần đe dọa, khủng bố gia đình bằng việc ném chất bẩn vào nhà, vào người. Quá lo sợ, ông T đã phải cầm cố sổ đỏ, vay mượn ngân hàng hơn 500 triệu đồng, đồng thời, phải gán nợ hơn 126 m2 đất ở... Nhóm đối tượng chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê do tên Vương cầm đầu đã bị Công an TP Vinh bắt sau khi vừa thực hiện "phi vụ" ném chất bẩn vào nhà một người dân ở Hưng Bình (TP Vinh) để đòi nợ thuê.
Mạnh tay ngăn chặn hoạt động TDÐ
Việc triệt phá các băng nhóm cho vay TDÐ gặp nhiều khó khăn, do người vay ngại cung cấp thông tin cho công an vì sợ bị trả thù. Theo Ðại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An: "Có tình trạng người dân có những lúc vay nợ lãi suất đến 300%, trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Hình sự nếu lãi suất quá năm lần so với lãi suất ngân hàng thì sẽ bị khởi tố. Nhưng quá trình cho vay chúng dùng thủ đoạn không ghi lại nội dung lãi suất trên các giấy tờ, khi tất toán thì hủy đốt toàn bộ giấy tờ liên quan, chỉ đến khi người đi vay bị khủng bố, đe dọa tính mạng mới báo với cơ quan chức năng".
Trước tình trạng nêu trên, Công an tỉnh Nghệ An đã chủ động điều tra, triệt phá nhiều vụ liên quan đến tội phạm hoạt động có tính chất TDÐ, đòi nợ thuê. Tại thị xã Thái Hòa, sáng 6-11-2018 vừa qua, lực lượng công an đã kiểm tra 41 công ty tài chính, tiệm cầm đồ trên địa bàn thị xã, thu được nhiều tài liệu, phương tiện liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của gần 30 đối tượng, với số tiền cho vay hằng tháng lên tới hơn 10 tỷ đồng, trong đó số tiền thu lợi bất chính là hơn một tỷ đồng. Cuối năm 2018, Phòng Cảnh sát hình sự đã phá băng nhóm TDÐ, cho vay nặng lãi, do Nguyễn Trung Tính (tên thường gọi Út Thành) cầm đầu. Bước đầu, cơ quan Công an chứng minh băng nhóm Tính cho 50 người vay hơn 7,8 tỷ đồng; thu lời bất chính hơn 1,8 tỷ đồng. Tính đã bị khởi tố về tội "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự". Mới đây, ngày 7-1, Công an huyện Hưng Nguyên đã tạm giữ tám đối tượng, do Bùi Văn Hổ (SN 1987), trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp cầm đầu để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Do con nợ đến kỳ hạn chưa thanh toán số tiền gần 240 triệu đồng, Bùi Văn Hổ đã thuê các đối tượng đòi nợ ở TP Vinh, Hưng Nguyên, chặn xe, bắt giữ, đánh đập anh Lê Văn T. (SN 1978), trú tại xã Ðồng Hợp, huyện Quỳ Hợp và lái xe khi đang chở hàng. Sau đó, nhóm này đã đe dọa, khống chế, bắt người nhà đưa tiền xuống chuộc người và hàng hóa… Thời gian qua, Công an Nghệ An đã đấu tranh khoảng 10 vụ, với 50 đối tượng liên quan đến xâm phạm chỗ ở, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản…, đều bắt nguồn từ hoạt động TDÐ.
Từ thực tế, một vấn đề gây khó trong công tác quản lý là, hiện các cơ sở KDCÐ đang ồ ạt chuyển qua loại hình kinh doanh DVTC để "lách" những quy định của pháp luật về điều kiện an ninh trật tự; đồng thời, để đối phó với sự quản lý của lực lượng chức năng. Trong khi đó, cơ sở KDCÐ thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, phải được sự cấp phép của công an thì cơ sở DVTC lại không nằm trong danh sách này. Chính vì thế, cộng với thủ tục đơn giản, hàng loạt tiệm cầm đồ không đủ yêu cầu để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự đã ồ ạt chuyển hướng. Những đối tượng cho vay nặng lãi thành lập doanh nghiệp, vừa để tạo vỏ bọc cho hoạt động kinh doanh, vừa để "tạo niềm tin" với người vay. Các hình thức đăng ký thành lập doanh nghiệp như công ty TNHH, công ty tư vấn tài chính, dịch vụ đáo nợ ngân hàng… Sau khi lập doanh nghiệp, các đối tượng thường mở rộng các chi nhánh đến nhiều địa bàn để hoạt động.
Trước tình trạng nạn TDÐ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, tỉnh Nghệ An cùng các ngành chức năng đã đưa ra các giải pháp ngăn chặt quyết liệt. Trong đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An có công văn đề nghị các cấp công đoàn có biện pháp tuyên truyền, phối hợp các ngành chức năng ngăn chặn triệt để vấn nạn hoạt động TDÐ trong công nhân. Mới đây, Công an Nghệ An phối hợp các sở, ban, ngành lập hai đoàn, với 40 tổ liên ngành đồng loạt kiểm tra công khai, đột xuất các cơ sở kinh doanh DVCÐ, HTTC trên địa bàn. Trong đó, tập trung kiểm tra vào hơn 200 cơ sở có biểu hiện nghi vấn hoạt động TDÐ, có biểu hiện sai phạm trong hoạt động kinh doanh, do đối tượng hình sự chỉ đạo, điều hành hoạt động… Chỉ sau năm ngày, đoàn công tác đã kiểm tra 44 cơ sở, lập biên bản xử lý 30 cơ sở vi phạm, trong đó phát hiện một số cơ sở cho vay tiền, cầm cố tài sản nhưng lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản; không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ðồng thời, Công an Nghệ An cũng kiến nghị, điều chỉnh các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh HTTC và các hình thức tương tự cũng phải được kiểm soát chặt như KDCÐ.