Trong lần đầu lấy “dải đất chữ S” làm nguồn cảm hứng cho một chương trình văn hóa đầu tư quy mô, Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moskva đã mang lại những ấn tượng mới mẻ cho đông đảo sinh viên quốc tế.
Ngày 20/5/2022 đối với Bộ môn tiếng Việt của Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moskva (MSLU) đã trở thành một ngày khó quên. Sau nhiều lần dự khán các ngày hội Việt Nam ở những trường đại học có tiếng ở Moskva, các giảng viên Bộ môn tiếng Việt của Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moskva đã có một Ngày Việt Nam của riêng mình.
Tại sự kiện, Hiệu trưởng Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moskva Irina Kraeva vui mừng chào đón các vị khách đến từ khắp nơi trên địa bàn thủ đô. Bà Kraeva tự hào vì đã có khoảng 300 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp MSLU. Nhiều người trong số họ trở thành đại sứ, cán bộ ngoại giao, hay giữ chức vụ cao trong nước.
Năm 2017, Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moskva bắt đầu dạy tiếng Việt cho sinh viên Nga. Trong những năm qua, các thầy cô ở ngôi trường này tự hào được làm việc trong cơ sở hàng đầu đào tạo phiên dịch viên tiếng Việt. Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt Nam, Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moskva đã quyết định tổ chức Ngày Việt Nam đầu tiên trong lịch sử của trường.
Cũng như nhiều chương trình về Việt Nam tại các trường đại học Nga, Ngày Việt Nam ở Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moskva là một ngày hội về học thuật và văn hóa. Các chuyên gia về Việt Nam, cùng đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã chia sẻ với hàng trăm sinh viên Nga và quốc tế câu chuyện về chặng đường phát triển mối quan hệ Việt-Nga, hợp tác hai nước trong lĩnh vực ngoại giao, giáo dục, văn hóa, đồng thời tin tưởng rằng, Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moskva sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga phát triển thực chất hơn nữa thời gian tới.
Đơn vị lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moskva với khoảng 70 người đã cùng các giảng viên trong Bộ môn tiếng Việt nỗ lực mang đến cho khán giả những màn múa hát đậm đà bản sắc Việt Nam, tôn vinh mối quan hệ hai nước. Đặc biệt, điểm nhấn trong chương trình nghệ thuật là vở kịch Mỵ Châu-Trọng Thủy, do các sinh viên Nga biểu diễn.
Kalinina Ekaterina, sinh viên năm 2, người vào vai Mỵ Châu nói khá sõi tiếng Việt. Cô và các bạn đã đầu tư thời gian và công sức rất lớn cho tiết mục này, với hy vọng có thể làm rung động trái tim của khán giả. Kết thúc vở diễn, cả hội trường đứng dậy vỗ tay một hồi rất lâu, ngợi khen những sinh viên Nga học tiếng Việt đã nỗ lực truyền tải tinh thần và nội dung tác phẩm đến người xem. Với những thành công đó, Kalinina Ekaterina tin tưởng, Ngày Việt Nam sẽ trở thành sự kiện truyền thống của trường.
Đứng trước gian hàng trang trí cờ Việt Nam, bản đồ “dải đất chữ S” với nhiều danh lam thắng cảnh, và những món ăn đậm đà bản sắc Việt Nam, Nguyễn Thị Thu Hương, sinh viên năm 2 Khoa Ngôn ngữ học cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Cô nói hộ những sinh viên Việt Nam khác, rằng niềm vui đó đơn giản đến từ việc đã giúp các bạn sinh viên nước ngoài hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam thân thương.
Ông Piotr Tsvetov, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội hữu nghị Nga-Việt hy vọng Ngày Việt Nam sẽ đưa sinh viên hai nước Việt Nam và Nga xích lại gần nhau hơn. Sự kiện mang lại nguồn cảm hứng lớn, cảm xúc nhiệt thành, giúp người trẻ mong muốn tiếp tục nỗ lực học tập để vươn ra thế giới rộng lớn hơn. Với sinh viên Nga, Việt Nam như đã ở gần bên cạnh.