Ngày trở về từ tâm dịch của các chiến sĩ áo trắng

NDO -

Chiều 29/9, tại Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình dẫn đầu đoàn công tác đã có chuyến thăm, làm việc, khảo sát đặc biệt tại các địa điểm đón tiếp và chăm sóc hàng trăm cán bộ y tế từ các bệnh viện tại Hà Nội, xung phong vào tâm dịch phía nam trở về, đang thực hiện cách ly y tế theo quy định.

Đại diện đoàn công tác tặng quà.
Đại diện đoàn công tác tặng quà.

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cho biết, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, đã có khoảng 20 nghìn cán bộ y tế trên cả nước xung phong lên đường vào tâm dịch. Nhờ sự đóng góp to lớn của đội ngũ này, chúng ta đã bước đầu khống chế dịch bệnh thành công tại các tỉnh phía nam khi số ca tử vong đã giảm 1/2 mỗi ngày và giảm 1/3 số ca mắc mới. 

Các đoàn cán bộ y tế hỗ trợ các tỉnh phía nam trở về cần phải được thực hiện cách ly y tế theo quy định từ 7 đến 14 ngày đã được Công đoàn Y tế Việt Nam hỗ trợ thủ tục, giới thiệu nơi lưu trú, cách ly tại Khách sạn Công đoàn Việt Nam và Nhà khách Tổng Liên đoàn.

Khi y, bác sĩ hành nghề tay trái

Tại Khách sạn Công đoàn, nơi tiếp nhận đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương trở về, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 Nguyễn Tuấn Hưng chia sẻ, chưa bao giờ, đội ngũ y tế lại được cả xã hội quan tâm, tôn vinh như thời điểm hiện nay. Cũng như bao giờ, đội ngũ cán bộ y tế phải trải qua những tháng ngày vất vả, gian nan như thế. 

Những y, bác sĩ Bệnh viện Da liễu đã trải qua 2 tháng, 2 ngày tại tầng cao nhất của Tháp điều trị Covid-19. Ngoài đối diện với sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, không gian, thời gian, những ca F0 nặng, những cái chết liên tiếp diễn ra, họ còn gặp phải những bữa ăn không hợp khẩu vị vùng, miền, căng thẳng lo âu do bản thân có thể bị phơi nhiễm bất cứ lúc nào, những giấc ngủ không đủ giấc, đủ sâu, kiến thức về bệnh dịch còn khá khiêm tốn do bệnh mới xuất hiện. Với những vất vả đó, họ cần được hỗ trợ tâm lý, chia sẻ, động viên từ xã hội, đơn vị, các cơ quan chức năng.

Ngày trở về của các chiến sĩ áo trắng -0
Đoàn công tác hỏi thăm sức khỏe các y, bác sĩ tại phòng. 

Sau biết bao tháng ngày vất vả, gian lao nhưng ai cũng tự hào rằng, qua thực tiễn, kiến thức về kỹ năng hồi sức cấp cứu của mỗi người được tăng lên rõ rệt. Có thể nói, không có lớp đào tạo nào tốt như lớp đào tạo thực tế tại tâm dịch phía nam những ngày khó quên vừa qua. 

Bác sĩ gây mê hồi sức Bệnh viện Da liễu Trung ương Nguyễn Ngọc Dự chia sẻ, với công việc đặc thù, ít khi chúng tôi phải chứng kiến các ca bệnh nặng, tử vong. Những ngày đầu vào nam, nhiều đồng nghiệp trong đó thắc mắc: bác sĩ da liễu thì vào đây làm gì? Tuy nhiên, với sức trẻ, sự ham học hỏi, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng trong đoàn tích cực hoạt động, thích nghi nhanh chóng, nhận được sự ghi nhận tốt từ đồng nghiệp, hỗ trợ đắc lực tại các bệnh viện. 

Chúng tôi coi đây là một chuyến công tác dài ngày, chưa bao giờ nghĩ bản thân là người đặc biệt, nên không có nhu cầu được đối xử đặc biệt. Cảm ơn những tháng ngày qua đã giúp chúng tôi thu hái được những trải nghiệm quý giá trong cuộc đời, có những cống hiến giá trị cho đất nước. Bất cứ khi nào Tổ quốc gọi, chúng tôi lại sẵn sàng lên đường.

Hành trình tâm lý đặc biệt

Hành trình từ bắc vào nam của gần 20 nghìn con người là một hành trình tâm lý đặc biệt: Ban đầu bỡ ngỡ với hoàn cảnh mới, sốc trước sự tàn phá của Covid-19, là những đêm trắng lấy mẫu xét nghiệm, lo sợ bị phơi nhiễm, rồi dần thích nghi, trở nên kiên cường chiến đấu, giành giật sự sống cho bệnh nhân trước lưỡi hái của tử thần. 

Ngày trở về của các chiến sĩ áo trắng -0
Nụ cười chiến thắng của điều dưỡng Trịnh Thị Dung. 

Điều dưỡng Trịnh Thị Dung (Bệnh viện Da liễu Trung ương) đã trở thành F0 xúc động kể: "Mỗi lần tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, chúng em ví như tham gia quay xổ số vậy. Ban đầu khi nhận kết quả dương tính, em thấy buồn, hụt hẫng bởi trong lúc đồng nghiệp của mình ngày đêm vất vả trực chiến, thì em lại thực hiện cách ly, không thể giúp gì, tủi thân vô cùng". 

Sau đó, Dung nhận được rất nhiều sự quan tâm của anh chị em trong đoàn, đồng nghiệp, Bệnh viện Cần Giờ nơi đoàn công tác, các tổ chức, cá nhân… Cảm động nhất là những đồng nghiệp đã tranh thủ, lặng lẽ đến thăm, để đồ ăn trên tủ cá nhân đầu giường trong khi chị đang mệt hoặc thiếp đi. Tỉnh dậy, Dung hứa với lòng mình cần cố gắng tập trung chữa trị, mau khỏe lại để tiếp tục được sát cánh với mọi người.

Phó Giáo sư Lê Tư Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Việt Đức cho biết, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa, toàn bộ kiến thức, hiểu biết về dịch bệnh, trải nghiệm mới chỉ qua khóa tập huấn, mới chỉ được “đánh trận giả”, trước khi bước vào “đánh trận thật”. Đến nay, bệnh viện đã có gần 600 y, bác sĩ, điều dưỡng xung phong vào các tỉnh phía nam chống dịch. 

Hiện nay, mỗi tuần, bệnh viện lại cử 100 người vào thay cho 100 người được về. Với sự nhiệt huyết, đồng lòng, hợp tác, kỷ luật cao, chúng tôi tự hào rằng, toàn bộ đội ngũ vào tâm dịch chưa có một cán bộ y tế là F0.

Trưởng khoa Gây mê 1, Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Nguyễn Thị Thúy Ngân năm nay đã hơn 40 tuổi, có chồng là bộ đội xa nhà, khi xung phong vào tâm dịch với sự ủng hộ hết lòng của ông xã, chị đã phải gửi con nhỏ năm nay 6 tuổi, đang chuẩn bị bước vào lớp 1, về quê nhờ ông bà chăm sóc. 

Chị tâm sự, khi xung phong ghi tên vào danh sách, chị chỉ có một suy nghĩ là muốn được hỗ trợ đồng nghiệp, trải nghiệm thực tế để học hỏi, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về Covid-19 để nếu trong trường hợp Hà Nội rơi vào tình huống xấu, chị sẽ có đủ kỹ năng, kinh nghiệm để chiến đấu với dịch bệnh và có thêm cơ hội bảo vệ gia đình, người thân…

Chia tay những con người đầy quả cảm, điều đọng lại trong chúng tôi là lời tâm sự của Điều dưỡng trưởng Nguyễn Ngọc Thực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức): Hành trình vào tâm dịch phía nam của đội ngũ y tế miền bắc là hành trình của biết bao gia đình chấp nhận sự trống vắng vị trí của những người làm cha, làm mẹ, những người con trong biết bao dịp quan trọng, rất cần chúng tôi ở bên cạnh, như Vu lan báo hiếu, Quốc khánh, Trung thu, hay lễ khai giảng năm học mới. 

Nhưng sự thiếu vắng đó đã được bù đắp bởi những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời, là những ngày dốc sức tại bệnh viện, tối về lại học online từ các chuyên gia truyền nhiễm. Đó là cơ hội quý báu để trau dồi kiến thức y khoa, mà không phải ai cũng có được, chúng tôi sẽ mang những kỷ niệm khó quên này trong hành trang nghề nghiệp suốt quãng đời còn lại của mình.