Bước vào hoàn thiện
Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được khởi công từ tháng 5-2018, ban đầu dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020, tuy nhiên, tranh thủ các điều kiện thuận lợi, chủ đầu tư đã đôn đốc các đơn vị thi công rút ngắn thời gian, phấn đấu hoàn thành sớm để thông xe dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10.
Dự án này thuộc đường vành đai 3 TP Hà Nội, có quy mô đường cao tốc bốn làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/giờ (đoạn cuối tuyến châm chước vận tốc 80 km/giờ); chiều dài cầu và đường dẫn 5,3 km (riêng cầu cạn dài 4,8 km).
Để xây dựng tuyến đường này, TP Hà Nội đã di chuyển, chặt hạ gần 1.200 cây xanh trên trên tuyến đường vành đai 3, đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long.
“Các gói thầu của dự án đều đang đáp ứng tiến độ và chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu tập trung máy móc, nhân công, nguyên vật liệu thi công theo đúng kế hoạch (hoàn thành cuối tháng 9-2020) và bảo đảm chất lượng công trình; khớp nối đồng bộ với dự án xây dựng đường vành đai 3 phía dưới (đường Phạm Văn Đồng), do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư”, ông Dương Viết Roãn nhấn mạnh.
Khảo sát thực tế tại công trường, thời điểm này cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đã lên hình hài rõ nét một tuyến cao tốc bốn làn xe hiện đại. Các đơn vị thi công đã hoàn thành việc xây dựng bệ thân trụ, lao dầm, đang đi vào hoàn thiện, thi công các hạng mục bản mặt cầu, gờ chắn, lan can... tổng sản lượng hoàn thành đến nay đạt hơn 90% (1.830/2.659 tỷ đồng).
Nhà thầu đang tập trung thảm bê-tông nhựa, dự kiến đầu tháng 8 sẽ hoàn thành việc thảm nhựa (gồm hai lớp, dày 7cm) trên toàn tuyến cầu cạn; lắp đặt hàng rào chống chói, thi công khe co giãn…
Gói thầu số 1 xây dựng đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế (Km0+130-Km2+812,50) do liên danh nhà thầu Công ty TNHH xây dựng Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) và Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 thi công đã đạt khoảng 90%. Gói thầu số 2, đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long (Km2+812,50-Km5+497,72) do Liên danh nhà thầu Công ty TNHH xây dựng Tokyu và Tập đoàn Taisei cũng đạt hơn 90% tiến độ.
Trưởng phòng Điều hành dự án 1 (PMU Thăng Long) Phạm Anh Tú cho hay, dự án có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, bằng nguồn vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước; tư vấn thiết kế là Liên danh NK-NE-NKV; tư vấn giám sát gồm Liên danh OCG, OC, KEI, TEDI liên kết với APECO.
Khi đưa vào khai thác, dự án sẽ góp phần quan trọng phát triển hạ tầng giao thông và giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các nút giao phức tạp có lưu lượng lớn như Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn... hoàn thiện dự án vành đai khép kín, kết nối sân bay và các khu vực lân cận.
Những kinh nghiệm quý
Có thể nói, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long là một trong số hiếm hoi các dự án thi công trong khu vực đô thị “về đích” đạt và vượt tiến độ. Quá trình triển khai dự án từ khâu thiết kế đến thi công đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý cho các dự án triển khai sau này học hỏi.
Theo ông Phạm Anh Tú, do đây là trục huyết mạch, lưu lượng phương tiện lớn, các đơn vị đã tính toán, thiết kế khoa học, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả hơn so giai đoạn trước. Thiết kế dự án được điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn triển khai, vừa bảo đảm các yếu tố kỹ thuật vừa có tính mỹ quan do đây là cầu đô thị, thuận lợi giao thông, không chiếm dụng lòng đường bên dưới, cho phép thi công nhanh. Các nhà thầu đã sử dụng ván khuôn mới thi công trụ cầu, bề mặt bê tông rất phẳng phiu, được sơn phủ rất đẹp.
Trong khi hầu hết các dự án xây dựng hạ tầng giao thông khác, giá trúng thầu đều vượt dự toán ban đầu, thì điểm cộng nổi bật của dự án này giá trúng thầu thấp hơn giá dự toán, giúp dự án tiết kiệm hơn 2.300 tỷ đồng, chủ đầu tư đang đề xuất sử dụng vốn dư này tiếp tục xây dựng hầm chui Hoàng Quốc Việt. Riêng tại vị trí hai nút giao Hoàng Quốc Việt và Tây Thăng Long (nút giao theo quy hoạch), bố trí cầu thép dài hơn 400 m gồm ba nhịp liên tục 63 + 78 + 63 (m), kết cấu bốn dầm hộp thép, mặt cầu liên hợp bê-tông cốt thép và thép.
Một điểm nhấn khác là trong giai đoạn thiết kế, do lo ngại việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, đơn vị thiết kế tính toán phương án sử dụng công nghệ cọc vít xoay để thi công trụ tại các vị trí chật hẹp, không gây ảnh hưởng đến nhà dân nhưng giá thành cao. Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng thuận lợi, không vướng nhà dân, chủ đầu tư đã linh hoạt điều chỉnh, chuyển sang sử dụng cọc khoan nhồi giá thành rẻ, tiết kiệm thêm khoảng 100 tỷ đồng.
Đề cập việc thi công sáu nhánh ramp lên xuống, đại diện PMU Thăng Long cho biết, quá trình thiết kế ban đầu, dự kiến sẽ thi công nhánh lên xuống trong giai đoạn 2 vì lo ngại vướng mặt bằng ở phía dưới. Tuy nhiên, với sự phối hợp hiệu quả của TP Hà Nội, vấn đề giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi, các đơn vị đã triển khai thi công luôn các nhánh ramp lên xuống, dự kiến hoàn thành đồng bộ ngay trong quý I-2021.
Ông Dương Viết Roãn cho hay: “Việc thay đổi thiết kế của dự án cũng phát huy công năng, nếu như gầm các đoạn cầu cạn đã đưa vào khai thác trước đây chỉ để trồng cỏ, làm dải phân cách thì tới đây, sau khi hoàn thành phần cầu cạn, gầm cầu từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long sẽ bố trí cho hai đến ba làn xe phục vụ cho xe con và xe buýt lưu thông, bảo đảm hiệu quả giao thông, không lãng phí quỹ đất”.
Trước đây, các chuyên gia giao thông đã bày tỏ lo ngại, khi dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long hoàn thành, “nút thắt” lớn nhất của trục giao thông này chính là cầu Thăng Long. Vừa qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai sửa chữa mặt cầu, nhằm khai thác căn cơ bền vững, bảo đảm tuổi thọ lâu dài.