Ngát xanh Mường Báng

Trên suốt chặng đường từ thành phố Điện Biên Phủ đến xã Mường Báng thuộc huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, chúng tôi cảm nhận rõ bầu không khí nóng dần trong cái nắng đầu mùa gay gắt quyện lẫn mùi khói đốt nương đặc trưng của vùng đất này.
0:00 / 0:00
0:00
Thôn Phai Tung, xã Mường Báng, điểm sáng du lịch cộng đồng. (Ảnh KHIẾU MINH)
Thôn Phai Tung, xã Mường Báng, điểm sáng du lịch cộng đồng. (Ảnh KHIẾU MINH)

Nhưng khi xe băng qua những chặng đèo dốc lớn, tới địa phận Mường Báng, tất cả dường như dịu lại, sự oi bức phút chốc vơi đi. Chẳng thế mà đồng bào người Thái, H’Mông nơi đây luôn tự hào quê hương mình có diện tích rừng rậm phong phú, nhiều vùng đá tự nhiên có tầng dày hàng trăm mét và văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc…

Điểm nhấn của địa phương là lưu giữ được bản sắc văn hóa, ẩm thực, nghề truyền thống của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. Nền khí hậu mát mẻ, thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ với rừng thông cổ thụ, các điểm săn mây cùng nhiều lễ hội dân gian phô diễn các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo, Mường Báng khiến du khách đã đến một lần đều khát khao trở lại.

Làm cho đất nóng "nở hoa"

Xã Mường Báng có 3/4 diện tích tự nhiên là đồi, núi cao với độ dốc lớn, cách trung tâm huyện Tủa Chùa 1 km. Xã đông dân cư, với tổng số 1.157 hộ, 5.911 nhân khẩu, sáu dân tộc anh em: Kinh (0,6%); Thái (25,2%); H’Mông (65,1%); Khơ Mú (8,5%); Ê Đê (0,3%) và 0,08% các dân tộc khác sinh sống tại 13 thôn, bản trong đó 10 thôn, bản vùng cao, 3 thôn, bản vùng thấp.

Hình ảnh thơ mộng về Mường Báng được lan truyền suốt thời gian qua chính là những con đường hoa uốn lượn, lung linh khoe sắc dẫn vào các thôn, bản. Dịp này, hoa ban, hoa trẩu và các loài hoa khác chỉ còn lác đác, điểm xuyết trên cành nhưng vẻ đẹp bình yên của miền đất vẫn vẹn nguyên và đầy lôi cuốn.

Con đường liên thôn đang trong giai đoạn hoàn thiện càng khiến bà con thêm phấn khởi. Đó là dấu ấn của lòng quyết tâm, tình đoàn kết để cùng hướng tới sự văn minh, phát triển. Cán bộ xã cho biết, tất cả các hộ dân liên quan tới con đường đều tự nguyện hiến đất để công trình chung của thôn, của xã được hoàn thiện sớm nhất, đẹp nhất, mang lại sự tiện lợi cho nhân dân và chào đón khách xa.

Một vài năm trở lại đây, xác định du lịch cộng đồng như một hướng phát triển đầy tiềm năng, xã Mường Báng đã lựa chọn một số thôn, bản vùng thấp như Phai Tung, Tiên Phong để xây dựng mô hình bản văn hóa để tạo sức hút, phục vụ khách du lịch tốt hơn.

Đến nay, cùng với triển khai mô hình homestay phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của khách du lịch trong nước và quốc tế, nhiều hộ dân đã chủ động nâng cấp, cải tạo nhà sàn của gia đình theo hướng vừa đáp ứng nhu cầu du khách, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ở hai thôn, bản nêu trên, bà con dân tộc Thái chiếm tỷ lệ cao, khi đến đây, du khách sẽ được khám phá trải nghiệm thực tế sinh hoạt, lao động sản xuất của dân tộc Thái; trực tiếp tham gia chế biến món ăn, giao lưu văn hóa văn nghệ, thưởng thức ẩm thực địa phương…

Bản Phai Tung có bốn hộ đang kinh doanh dịch vụ lưu trú gồm: Lò Văn Giót (Homestay Phương Đông), Mào Văn Bổn (Homestay Bằng An), Điêu Chính Thủy (Homestay Quốc Khánh), Lò Văn Quyến (Homestay Quyến Choi). Lần lượt dừng chân tại các homestay, chúng tôi cảm nhận được sự khang trang của nhà cửa, công trình vệ sinh cũng như cách đầu tư trong trang trí cây cảnh, các vật dụng truyền thống với đời sống của đồng bào. Mới đi vào hoạt động chưa lâu, song, các homestay đã đón nhiều đoàn khách, trong đó sự hài lòng thông qua phản hồi là không gian thoáng đãng, trong lành và ẩm thực phong phú.

Rời Phai Tung, chúng tôi theo chân cán bộ xã đến thôn Súng Ún - nơi quy tụ chủ yếu của đồng bào H’Mông, cũng là niềm tự hào của nhân dân bởi ở đây có các nghệ nhân khèn nức tiếng miền Tây Bắc. Từ con đường dốc cheo leo xuyên bản, chúng tôi đã nghe thấy điệu khèn da diết, vang vọng. Hỏi bà con, mọi người chỉ về một nóc nhà đang phất phơ làn khói bếp, xa xa thấy bóng dáng người phụ nữ H’Mông đang cặm cụi thêu hoa văn xanh, đỏ rực rỡ dưới ánh nắng chan hòa. Đó là nhà của nghệ nhân trẻ Chang A Vàng (sinh năm 1985).

Vừa mời khách vào nhà, anh vừa khoe: "Mình thuộc biết bao nhiêu bài khèn, đếm không nổi, thổi không hết". Bố anh - ông Chang A Phộng - cũng là nghệ nhân làm khèn và em trai Vàng là Chang A Chu (sinh năm 2001) đang tiếp nối truyền thống gia đình. Anh kể, lúc 10 tuổi đã bắt đầu làm khèn. Vừa làm khèn, vừa thổi khèn. Lúc buồn thổi điệu buồn, vui thổi điệu vui, bản có lễ lạt gì cũng mang khèn đến thổi. Bây giờ, người biết làm khèn không nhiều, người thổi được những bài mang tính lễ nghi, tín ngưỡng càng ít nữa.

Khèn Mông độc đáo bởi hình dáng, cấu tạo và độ vang vọng của âm thanh. Mỗi chiếc khèn Mông thường có 6 ống làm từ một loại trúc gắn trên một cái bầu thường bằng gỗ pơ mu khoét rỗng, kết nối bằng nhựa cây và vỏ cây đào rừng. Chi tiết quan trọng nhất "lưỡi gà" làm bằng đồng, mà chỉ những người thợ tinh tế mới chế tạo sắc nét, chuẩn mực được, để âm thanh của khèn đạt nhất.

Mọi công đoạn làm khèn đều được chế tác thủ công, không có quy chuẩn chung. Các nghệ nhân đo bằng tay, ngắm bằng mắt và cảm giác của riêng mình. Để có chiếc khèn ưng ý, thổi được đúng các làn điệu dân ca H’Mông, cần sự khéo léo, kiên nhẫn, kinh nghiệm và tài hoa. Dù đi đâu, người đàn ông H’Mông cũng luôn mang theo khèn bên mình. Khèn còn xuất hiện ở trong những ngày Tết đến, xuân về khi hoa mơ, hoa mận, hoa ban bung nở khắp núi rừng.

"Con trai thổi khèn hay, nhảy đẹp thì mới có nhiều con gái thích", Chang A Vàng nháy mắt tinh nghịch nói với khách xa. Bấy giờ, vợ anh là Thào Thị Chư đang ngồi thêu bên bếp. Căn bếp nhìn ra khoảng không gian mênh mông. Phía này, lúa đã lên xanh. Phía kia, những vạt nương vừa đốt còn vương khói. Ngày nối ngày, mùa nối mùa trong bình yên, hy vọng.

Chang A Vàng hồ hởi khoe, những lúc nông nhàn, mỗi tháng anh làm được 6-7 chiếc khèn, giá trị mỗi chiếc vài triệu đồng, có chiếc đặc biệt thì cao hơn và nhiều lần sang tận Sìn Hồ (Lai Châu) bán. Anh tự hào bởi ở nơi xa xôi ấy, có những hộ gia đình bảy người đàn ông thì tất cả đều biết đến khèn của mình. Cách nhà Vàng một đoạn, em trai anh - Chang A Chu đang gùi nước từ khe lên nhà. Mùa khô nào bà con cũng cực nhọc và nhẫn nại như thế…

Cần phát triển đa dạng hơn

Mỗi dân tộc ở xã Mường Báng đều có bản sắc văn hóa riêng. Trong đó tiêu biểu nhất là bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc H’Mông với lễ hội xuân hằng năm, hội chọi dê, bảo tồn được các nghề thủ công truyền thống (rèn, làm khèn, thêu…); các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Thái trắng, Khơ Mú và kho tàng tri thức dân gian đồ sộ, gồm: chữ viết, các bài thuốc dân gian, sản vật vùng cao nổi tiếng (rượu Mông pê, dê núi đá, lợn cắp nách, gà đen, khoai sọ tím, đậu huyết rồng...).

Nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân địa phương về phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới đang ngày càng được nâng lên. Dù vậy, mô hình homestay vẫn đang vận hành theo hình thức tự phát, nhiều khi chưa đáp ứng yêu cầu của du khách và thân thiện, hài hòa với cảnh quan chung quanh.

Để phát triển xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với các yếu tố lịch sử, văn hóa cần bảo đảm bốn chủ thể cùng tham gia: người dân (trực tiếp xây dựng sản phẩm, tổ chức phục vụ khách...), chuyên gia (tư vấn mô hình, định hướng sản phẩm, thị trường, công tác đào tạo...), Nhà nước (quản lý về chất lượng, quy mô, hỗ trợ vốn, bảo đảm an ninh…) và sự chung tay của doanh nghiệp lữ hành (đầu tư, chia sẻ lợi nhuận thỏa đáng...).

Theo các chuyên gia, những địa phương giàu tiềm năng như xã Mường Báng muốn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chân thực của văn hóa bản địa, bởi đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng

Khảo sát thực tế cho thấy, để thu hút được du khách tham gia du lịch cộng đồng thì người dân địa phương phải giữ nếp sinh hoạt truyền thống của địa phương, ví như truyền thống canh tác nông nghiệp, phát triển nghề thủ công, giữ nét đẹp trao đổi sản phẩm canh tác, chăn nuôi…

Trong điều kiện còn khó khăn, nếu du lịch cộng đồng phải tận dụng chính cơ sở vật chất của người dân thì chính quyền cần có chính sách hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghiệp vụ, tổ chức các chương trình quảng bá, xây dựng sản phẩm...

Có thể nói thời gian qua, mô hình du lịch cộng đồng ở xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa đã có bước phát triển tích cực, từ đó đã tạo bước chuyển biến trong công tác đầu tư, khai thác du lịch đúng định hướng. Khi có chủ trương tổ chức các tour du lịch cộng đồng, người dân nơi đây rất thích thú và khẳng định ủng hộ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương mình.

Phần lớn bà con đều sẵn sàng cho khách du lịch cư trú tại nhà mình. Không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, điều quan trọng nhất chính là hoạt động du lịch cộng đồng đã giúp người dân thật sự hiểu và trân trọng bản sắc văn hóa của chính cộng đồng mình bởi đó là vốn để phát triển du lịch.