Thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trả lời một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc thực hiện các văn bản pháp luật trong vấn đề hoàn thiện pháp luật mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra được triển khai thấp, chỉ được 136/786 văn bản. “Những văn bản mà Kiểm toán Nhà nước chỉ ra thường là các văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thiện lại một văn bản quy phạm pháp luật thì các ngành và chính quyền các cấp phải thực hiện theo đúng quy trình sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật nên thời gian thực hiện chưa đạt được như kiến nghị”, ông đưa ra giải thích.
Về vấn đề về xử lý tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong nhiệm kỳ vừa rồi đã xử lý tài chính được 353.000 tỷ, gấp 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước. Trong xử lý tài chính duy nhất có khoản tăng thu, chẳng hạn như tăng thu thuế hoặc gói truy thu các khoản chi sai và có các khoản giảm chi. Thí dụ như các công trình đầu tư xây dựng cơ bản chưa quyết toán, như vậy là sau khi Kiểm toán Nhà nước đã có quyết toán AB mà chưa phê duyệt quyết toán thì đã giảm trừ được so với dự toán hay so với quyết toán, đó là giảm chi. Còn một số khoản giảm khác là do điều chỉnh các sổ sách trong báo cáo tài chính.
“Như trong năm 2016, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính là 38.000 tỷ đồng, tuy nhiên tăng thu, giảm chi hơn 11.000 tỷ đồng, hay năm 2019 xử lý là 92.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu giảm chi là 46.000 tỷ đồng, còn lại là các điều chỉnh khác”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc diễn giải.
Về phía kiểm toán, khi phát hành báo cáo kiểm toán, có nghĩa là Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn về vấn đề hoạt động kiểm toán và sau đấy có kiểm tra lại.
Ông cho biết thời gian tới sẽ tích cực kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán và đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện kết quả kiểm toán. “Lý do tại sao mà kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện được một cách triệt để, hằng năm còn khoảng hơn 25%?” – Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đặt câu hỏi và đưa ra lý giải: Thực ra những khoản mà Kiểm toán Nhà nước đề nghị truy thu hay đề nghị giảm quyết toán phụ thuộc vào nguồn vốn. Thí dụ, những khoản chi sai chế độ, các khoản như công trình đã quyết toán, trả cho nhà thầu rồi mới kiến nghị chỗ này chi sai là do không phù hợp với định mức, không phù hợp với dự toán, không phù hợp với đơn giá… “Để thu lại được tiền đó phải chờ các doanh nghiệp nộp tiền, rồi Ban quản lý dự án nộp lại cho Nhà nước. Hay các khoản chi sai chế độ cũng phải có nguồn để chi trả và một số vấn đề khác” – ông cho biết.
"Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ đôn đốc để thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước một cách tốt hơn, không phải riêng kiểm toán mà đối với các ngành thanh tra, kiểm tra cũng thế. Thanh tra cũng thực hiện ở mức khoảng từ 70 đến 75%", ông Hồ Đức Phớc nói.
Về công khai kết luận kiểm toán, ông cũng cho biết đã thực hiện các hình thức công khai như trong Luật Kiểm toán Nhà nước tương đối nghiêm và sắp tới sẽ làm tốt hơn.
Về kiểm soát chất lượng kiểm toán, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, ngoài một Vụ chuyên về kiểm soát chất lượng kiểm toán thì ngành thực hiện luân chuyển các địa bàn kiểm toán và thực hiện các cuộc kiểm soát chất lượng kiểm toán theo kế hoạch và thực hiện các cuộc kiểm toán đột xuất, kiểm soát chất lượng đột xuất và sử dụng bộ máy thanh tra của kiểm toán để kiểm tra chéo.
"Chất lượng kiểm toán là vấn đề sống còn đối với tính chuyên nghiệp của Kiểm toán Nhà nước" - ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh và hứa sẽ nỗ lực hơn, cung cấp những thông tin thiết thực nhất, chính xác nhất cho đại biểu Quốc hội và các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện quản lý và sử dụng nguồn tài sản công, tài chính công, nguồn lực của nhà nước một cách hiệu quả hơn, tốt hơn.