Ngành học công nghệ lên ngôi

Chuẩn bị cho giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đầu tư cho các ngành học liên quan đến công nghệ. Sinh viên được tạo môi trường tiếp cận nhiều trang thiết bị, công nghệ hiện đại trên nền tảng số để kịp thích ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường lao động trong tương lai gần.
0:00 / 0:00
0:00
Trường đại học Quốc tế Sài Gòn đầu tư mạnh cho các ngành liên quan đến công nghệ, số hóa.
Trường đại học Quốc tế Sài Gòn đầu tư mạnh cho các ngành liên quan đến công nghệ, số hóa.

Năm 2023, Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) có 2.830 chỉ tiêu cho 23 ngành đào tạo, bao gồm hai ngành học dự kiến mở mới là Kinh tế (Phân tích dữ liệu trong kinh tế) và Thống kê (Thống kê ứng dụng). Trong đó, ngành Thống kê được xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở tích hợp nhiều nền tảng công nghệ hiện đại trong kỷ nguyên số. Cụ thể, ngành học này đặt mục tiêu trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về thống kê hiện đại, học máy, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng của chúng trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, bảo hiểm, logistics và chuỗi cung ứng.

Chương trình trang bị cho sinh viên các kỹ năng lập trình và vận hành các mô hình thống kê bằng những ngôn ngữ lập trình hiện đại như Python, R. Từ đó người học có thể thiết kế, điều chỉnh và vận hành các mô hình nhằm phân tích và dự đoán sự thay đổi của dữ liệu. Các ngành học liên quan đến kỹ năng số như Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính... tiếp tục được trường đầu tư phát triển cả về chương trình lẫn trang thiết bị để sinh viên có điều kiện học tập, thực hành trong môi trường hiện đại, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.

Đến thời điểm hiện tại, Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cũng có khá nhiều ngành đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa dữ liệu và chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ như Digital Marketing (Marketing số), Digital Art (Nghệ thuật số), Thương mại điện tử, Khoa học dữ liệu, Hệ thống thông tin quản lý... Đây là những ngành học hiện đại, gắn liền với sự phát triển của nền tảng số và các ứng dụng công nghệ hiện đại, do đó ngoài sự năng động, nhạy bén ở người học còn đòi hỏi cao về tính thực tiễn, sự trải nghiệm của chương trình đào tạo.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, khi tập trung đẩy mạnh khối ngành công nghệ, nhà trường đã chú trọng đầu tư hệ thống phòng thực hành, máy móc tiên tiến để sinh viên liên tục trải nghiệm, tăng cường kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết. Bên cạnh đó, nhà trường còn kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo như tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề, tập huấn kỹ năng, ngày hội tuyển dụng... Lắng nghe yêu cầu thực tế của nhà tuyển dụng, nhà trường đã có sự điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo cho phù hợp với những biến đổi không ngừng của thế giới số.

Khối ngành công nghệ luôn là thế mạnh được Trường đại học Quốc tế Sài Gòn khai thác tối đa nhằm mang đến môi trường học tập, thực hành đúng chuẩn cho sinh viên. Nhà trường tập trung đầu tư cho các chuyên ngành trọng điểm như Trí tuệ nhân tạo, Hệ thống dữ liệu lớn, Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính và An ninh thông tin cùng quỹ học bổng tài năng ngành Khoa học máy tính tài trợ lên đến 100% học phí toàn khóa học.

Nhà trường thành lập Trung tâm Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, hệ thống máy chủ NVIDIA, robot thế hệ mới từ PAL, phòng STEM tiên tiến... Đặc biệt, còn có sự xuất hiện của SIUBOT-robot xã hội tân tiến hứa hẹn tạo nên bước đột phá trong đào tạo chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo tại cơ sở giáo dục đại học này. “Bên cạnh việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà trường còn mở rộng mạng lưới hợp tác và liên kết với doanh nghiệp.

Quá trình kết nối với các chuyên gia từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Amazon, Google, hay tham quan các doanh nghiệp công nghệ như: DXC, Sky Mavis... còn giúp trường đẩy mạnh đầu tư các dự án liên quan đến lĩnh vực khoa học máy tính trong và ngoài nước. Nổi bật là chương trình Hướng nghiệp sớm bậc đại học mà chúng tôi triển khai từ năm 2021 đến nay”, ông Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường đại học Quốc tế Sài Gòn cho biết thêm.

Mùa tuyển sinh năm nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đồng ý chủ trương mở mới các ngành học liên quan đến công nghệ cho hai trường thành viên như ngành Trí tuệ nhân tạo tại Trường đại học Công nghệ thông tin và ngành Công nghệ vật lý điện tử và tin học ở Trường đại học Khoa học tự nhiên.

Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2023 dự kiến mở và tuyển sinh năm ngành học mới tại cơ sở chính gồm: Công nghệ tài chính, Marketing công nghệ, Kinh doanh số, Robot và Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ logistics. Dựa trên thế mạnh sẵn có trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, từ năm 2022, Trường đại học Gia Định đã mở thêm khoa Truyền thông số và chương trình tài năng cho các ngành mũi nhọn phù hợp với giai đoạn mới. Việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, nghiên cứu được nhà trường tập trung triển khai để rút ngắn thời gian đào tạo chính quy theo chương trình ba năm, tám học kỳ, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người học.

“Nhà trường thay đổi tư duy vận hành; đồng thời, đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là khả năng thích ứng với công nghệ để cùng xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo sao cho linh hoạt với nhu cầu của xã hội. Sự thay đổi này là tất yếu vì theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo và dự báo xu hướng phát triển kinh tế thị trường, trong ba năm tới, nhu cầu công việc cho các nhóm ngành Công nghệ thông tin, Dữ liệu lớn, Kinh tế kỹ thuật và nhóm ngành xã hội sẽ tăng cao”, TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh truyền thông nhà trường cho hay.