Nhìn lại ngành chăn nuôi, chỉ sau vài năm sau những cú sốc liên tiếp như dịch Covid-19, dịch tả heo châu Phi, thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu… cơ cấu ngành chăn nuôi nước ta đã có nhiều thay đổi. Trong khi số lượng nông hộ dần thu hẹp thì các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại gia tăng. Hiện Việt Nam cũng đang hướng tới xây dựng chuỗi chăn nuôi lớn và hiện đại. Các cơ sở nhỏ lẻ, phân tán sẽ buộc phải di dời hoặc ngưng hoạt động từ đầu năm 2025. Trong khi, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh, hoàn thiện và tối ưu quy trình khép kín 3F (Feed - Farm - Food), từ trang trại tới bàn ăn.
Trên chặng đường vươn tới ngành sản xuất có quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều thách thức xen lẫn cơ hội cho các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam. Năm 2024 được dự báo là sẽ có nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Giá nông sản thế giới hạ nhiệt, doanh nghiệp dễ thở hơn
Nếu như trong nhiều năm qua, doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam luôn đau đáu để tìm giải pháp giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên nguyên liệu nhập khẩu với mức giá tăng phi mã thì vài tháng qua thị trường đã bình ổn trở lại. Giá ngô và đậu tương Chicago đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Áp lực với giá được thể hiện qua hoạt động xuất khẩu của Mỹ, 1 trong những quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, đang suy yếu do cạnh tranh từ nguồn cung Nam Mỹ và Biển Đen.
Bên cạnh các yếu tố cung-cầu, các số liệu về dòng tiền giao dịch cũng phản ánh tâm lý thị trường. Trên thị trường nông sản quốc tế và Việt Nam, bên cạnh hoạt động thương mại trực tiếp giữa bên sản xuất và tiêu thụ, hợp đồng tương lai cũng là công cụ tài chính quan trọng và phổ biến để trao đổi, mua bán và xác định mức giá các mặt hàng.
Báo cáo số lượng giao dịch của các nhà đầu tư được đưa ra bởi Hiệp hội giao dịch thị trường tương lai (CFTC) cho thấy, tính đến ngày 13/2, khối lượng vị thế bán ròng đối với ngô đạt 314.341 hợp đồng. Con số này là mức cao nhất khi so sánh cùng giai đoạn trong lịch sử và cũng gần với kỷ lục 322.215 được thiết lập vào tháng 4/2019. Đây cũng là tuần thứ 7 liên tiếp mà các quỹ bán ròng ngô.
Đối với đậu tương, chuỗi bán đã kéo dài trong 13 tuần liên tiếp và khối lượng bán ròng hiện tại đã đạt 134.500 hợp đồng, mức cao thứ 5 từ trước tới nay. Điều này cho thấy các quỹ giao dịch kỳ vọng xu hướng giảm giá nông sản sẽ tiếp tục duy trì.
Triển vọng nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm 2024
Với tình hình mùa vụ sắp gieo trồng của Mỹ, vấn đề nguồn cung và giá nhập khẩu nguyên liệu sẽ không còn là mối bận tâm quá lớn của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2024. Theo báo cáo đầu tiên về mùa vụ diễn ra trong vài tháng tới của Mỹ, Bộ Nông nghiệp nước này (USDA) dự báo nguồn cung các loại nông sản niên vụ 2024/25 sẽ gia tăng và thậm chí sẽ ghi nhận các mức cao hơn nhiều so những năm qua.
Đối với đậu tương, dự báo cho thấy mức tăng trưởng sản lượng năm nay so năm ngoái là 8%. Triển vọng lạc quan này được USDA đưa ra dựa trên kỳ vọng nông dân mở rộng diện tích trồng và năng suất cải thiện. Tồn kho ngô của Mỹ cuối niên vụ 2024/25 có thể ghi nhận mức tăng trên 16% so năm ngoái và cũng đạt mức cao nhất kể từ niên vụ 1987/88.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam đánh giá: “Nguồn cung toàn cầu đang dần hồi phục trở lại sau vài năm liên tiếp bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Với tình hình mùa vụ của Nam Mỹ đang dần trở nên thuận lợi, sản lượng của Mỹ mùa vụ sắp tới sẽ là yếu tố quyết định nguồn cung nông sản năm nay. Nếu thời tiết không quá cực đoan thì giá nguyên liệu sẽ vẫn giữ đà suy yếu. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp chăn nuôi nước ta”.
Các ẩn số tạo rủi ro về nguồn cung vẫn cần theo dõi
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động bất ngờ trong vài năm qua, các doanh nghiệp vẫn nên theo dõi và cẩn trọng với một số yếu tố rủi ro, đặc biệt là địa chính trị toàn cầu. Khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những cuộc chiến thương mại có thể tạo ra những biến động không lường trước những đối tác thương mại nông sản hàng đầu như Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các vấn đề khác đang diễn ra như cuộc khủng hoảng Gaza, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải ở Biển Đỏ cũng có thể làm gia tăng phí vận tải, và cản trở các chuyến hàng chở ngũ cốc nhập về nước ta do chi phí tăng cao. Trong kịch bản này, mặc dù sản lượng toàn cầu vẫn gia tăng nhưng bài toán nguồn cung nguyên liệu mà các doanh nghiệp chăn nuôi nước ta phải đối mặt cũng vẫn còn đó.
Như vậy, mặc dù áp lực kiểm soát chi phí nhập khẩu nông sản sẽ giảm bớt trong năm nay, nhưng đây chỉ là một trong những vấn đề mà ngành chăn nuôi nước ta cần phải đối diện để hiện thực hóa mục tiêu trở thành mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Phạm Quang Anh nhận định, trước mắt chúng ta chưa thể thay thế hoàn toàn nguyên liệu nhập khẩu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước vì giá nguyên liệu nhập khẩu rẻ hơn.
Hơn nữa, để hiện thực hóa từng bước Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có mục tiêu giảm nhập khẩu nguyên liệu cũng cần thời gian dài.
Do đó, ngoài việc sát sao theo dõi diễn biến thị trường, các doanh nghiệp cần thực hiện song song nhiều giải pháp để tháo gỡ từng điểm nghẽn như tìm kiếm, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước, liên kết chặt chẽ trong toàn chuỗi, áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong sản xuất…