Ngăn ngừa triệt để hành vi bạo hành trẻ em

Sau vụ việc nhiều trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (Quận 12) bị bạo hành, hai bảo mẫu tại mái ấm này đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Hành hạ người khác”. Ðể ngăn ngừa phát sinh hành vi bạo hành tại cơ sở trợ giúp xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đã lập kế hoạch tổng kiểm tra, thanh tra tất cả cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố, nhằm khắc phục lỗ hổng kiểm tra giám sát, quản lý địa bàn chưa được quan tâm đúng mức.
0:00 / 0:00
0:00
Các trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng được chuyển về chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng thiếu niên Thủ Ðức, thành phố Thủ Ðức.
Các trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng được chuyển về chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng thiếu niên Thủ Ðức, thành phố Thủ Ðức.

Giúp trẻ hòa nhập, ổn định tâm lý

Báo cáo nhanh của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chiều 6/9 cho biết: Sau khi phát hiện vụ việc bạo hành, đã có 86 trẻ (trong đó một trẻ là con ruột của bảo mẫu) được chuyển từ Mái ấm Hoa Hồng về ba trung tâm bảo trợ xã hội do sở quản lý, gồm: Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình và Làng thiếu niên Thủ Ðức.

Các trung tâm này ngay lập tức tổ chức cho nhân viên y tế khám sức khỏe, chỉ định lượng sữa hoặc thức ăn phù hợp từng độ tuổi, sức khỏe. Bố trí nơi ở, người chăm sóc và ổn định tinh thần cho trẻ; đồng thời, tiến hành tiêm ngừa cho các bé theo quy định để bảo đảm sức khỏe và phòng tránh dịch bệnh.

Cụ thể, trong 86 trẻ được ghi nhận tại Mái ấm Hoa Hồng, khi cơ quan chức năng kiểm tra có một trẻ là con nhân viên, một trẻ sau đó đã được gia đình tiếp nhận. Còn 84 trẻ tại các cơ sở bảo trợ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hiện ổn định tâm lý, được thăm khám và được chăm sóc dinh dưỡng phù hợp nhóm độ tuổi; đối với các trẻ bị bạo hành, có dấu hiệu của bạo hành, các cơ sở đã cử nhân viên chăm sóc riêng để ổn định tâm lý.

Ngoài ra, có hai trẻ sơ sinh (ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp) trở bệnh nặng nên đã chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám và điều trị. Các em này được bệnh viện chẩn đoán ban đầu bị viêm phổi.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Làng thiếu niên Thủ Ðức, nơi tiếp nhận 36 em từ Mái ấm Hoa Hồng chuyển đến cho hay: Trước hết, Trung tâm tổ chức cách ly riêng số cháu này để theo dõi tình hình và chăm sóc sức khỏe, nhất là về mặt tâm lý nhà trường sẽ giúp các cháu hồi phục, hòa nhập môi trường mới.

Ðặc biệt, do đang trong giai đoạn hiện tại diễn biến phức tạp về dịch bệnh sởi nên nhà trường vừa chăm sóc cho các cháu vừa quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Với đặc thù các trẻ do không được chăm sóc tốt, có dấu hiện sang chấn tâm lý nên nhân viên ở đây tập trung chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cũng như gần gũi với các cháu.

Từ vụ việc ở cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã yêu cầu Ủy ban nhân dân Quận 12 chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại Quyết định số 1527/QÐ-LÐTBXH ngày 4/9/2024. Ðồng thời, Ủy ban nhân dân Quận 12 yêu cầu Phòng Nội vụ quận tham mưu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức liên quan trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm tại mái ấm này.

Cũng theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, đối chiếu Quyết định thành lập số 917/GPHÐ ngày 7/7/2023 của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Quận 12, cơ sở có quy mô cho phép tiếp nhận, chăm sóc tối đa là 39 trẻ nhưng số trẻ có mặt tại cơ sở là 86 trẻ nên đã vượt 47 trẻ theo quy định cho phép.

Rà soát toàn diện, không có vùng cấm

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, pháp luật nghiêm cấm hành vi bạo lực trẻ em, trong đó bao gồm hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập. Từ sự việc mái ấm Hoa Hồng, sở nhận định đây là vụ việc bạo hành trẻ em có tính nghiêm trọng và cần phải xử lý nghiêm để răn đe trước pháp luật, không có vùng cấm. Trong sai phạm của Mái ấm Hoa Hồng, trách nhiệm của việc kiểm tra, giám sát thuộc các cơ quan chức năng Quận 12.

Cụ thể, qua thực tế khi kiểm tra so với giấy phép số trẻ vượt nhiều so với giấy phép. Do đó, sở đã yêu cầu Quận 12 nói riêng và các quận, huyện khác phải tăng cường giám sát quá trình hoạt động đối với những cơ sở nuôi dạy trẻ mà chính địa phương đã cấp phép. Ông Thinh cũng cho hay: Ngay trong ngày 5/9, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đã thành lập ba tổ công tác để tiến hành rà soát tất cả 63 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đã được cấp phép.

Kể cả 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập, sở cũng sẽ tiến hành rà soát để kiểm tra các điều kiện hoạt động, chấn chỉnh lại, nhằm ngăn chặn những sai phạm tương tự có thể xảy ra. Các nội dung kiểm tra gồm điều kiện thành lập, giấy phép hoạt động, cơ sở vật chất, nhân sự; quy trình thủ tục hồ sơ, công tác tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội; công tác phòng ngừa bạo hành, xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ em; tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản từ thiện, viện trợ...

Chia sẻ về nghiệp vụ sư phạm cũng như tiêu chuẩn đối với người quản lý, chăm sóc trẻ, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình Ðinh Hữu Tuyến cho rằng: Ðối với giáo viên, người chăm sóc trẻ ở lứa tuổi mầm non cần có kiến thức đầy đủ về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng và nhất là tình yêu thương trẻ nhỏ.

Như vậy, các cháu mới có môi trường học tập, sinh hoạt, vui chơi và phát triển toàn diện. “Những hành vi của bảo mẫu đối với trẻ có thể ban đầu chỉ là bộc phát, nhưng nếu không được phát hiện, nhắc nhở, điều chỉnh kịp thời sẽ trở thành thói quen. Từ sai ít, hành vi nhẹ thành sai nhiều, nghiêm trọng cho nên công tác quản lý, giám sát, giáo dục bảo mẫu phải luôn được đề cao”.

Hiện toàn thành phố có 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 6.505 đối tượng bảo trợ xã hội và 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có quyết định thành lập đã tiếp nhận quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 3.177 trường hợp. Trong đó, có 23 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp thành phố, 41 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp quận, huyện và thành phố Thủ Ðức.