Dù chưa vào mùa mưa nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra hai vụ sạt lở nội đồng ở hai xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh và Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc với tổng chiều dài 88m, ảnh hưởng trực tiếp đến 12 hộ dân...
Canh cánh nỗi lo
Buổi sáng một ngày đầu tháng 4 mới đây, trên tuyến đường kênh Đốc Phủ Hiền thuộc ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc đã xảy ra vụ sạt lở với diễn biến hết sức phức tạp. Phạm vi ảnh hưởng dài 500m, uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của 46 hộ dân sinh sống tại khu vực này. Trong đó, đoạn có chiều dài 70m (gồm 12 hộ) bị sạt lở nghiêm trọng khiến một nhà dân chìm xuống sông; 11 hộ còn lại mất đường đi. Đoạn 430m còn lại (gồm 34 hộ) và phía bờ đối diện nguy cơ sạt lở rất cao.
Trước khi xảy ra sạt lở, không phát hiện dấu hiệu bất thường ở khu vực này cho nên khi sự việc xảy ra, người dân không kịp trở tay. Ông Nguyễn Văn Khanh có nhà bị sụt trong vụ sạt lở bờ kênh Đốc Phủ Hiền nhớ lại: “Tôi đang ngồi trong nhà, cảm thấy ngôi nhà nhúc nhích. Chạy ra phía trước, tôi thấy đường bị nứt và bắt đầu lún xuống. Sợ quá, tôi hô hoán cho vợ tôi chạy khỏi nhà. Vợ tôi vừa thoát được là nhà bắt đầu lún luôn”.
Người dân khu vực này vẫn còn lo lắng vì cách vị trí sạt lở khoảng 150m đã có hai căn nhà khác đang có dấu hiệu sụt lún. Đáng lo nhất là căn nhà của bà Lê Thị Sáu có bảy người đang ở, trong đó có bốn trẻ em. Bà Lê Thị Sáu lo lắng: “Sợ nguy hiểm, gia đình không dám cho các cháu ở trong nhà vì không biết sụt lúc nào”...
Lãnh đạo thành phố Sa Đéc và tỉnh Đồng Tháp đã nhanh chóng chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở ở kênh Đốc Phủ Hiền. Mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã ký ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở kênh Đốc Phủ Hiền (đoạn từ rạch Ngã Bát đến giáp cầu Đốc Phủ Hiền), ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp yêu cầu tổ chức gia cố khẩn cấp đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, xác định vành đai sạt lở, thực hiện việc cắm biển báo, khoanh vùng khu vực nguy hiểm. Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan theo dõi sát diễn biến sạt lở, triển khai ngay các giải pháp phi công trình, các phương án sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời khi sạt lở tiếp tục xảy ra nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của người dân, cùng với đó, khẩn trương triển khai khảo sát toàn tuyến, đề xuất các biện pháp công trình để kịp thời ngăn chặn sạt lở...
Cần những giải pháp căn cơ
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu trên địa bàn Đồng Tháp sẽ tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở các xã: Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự); An Phong, Tân Hòa, Tân Quới (huyện Thanh Bình); Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Phường 6 (thành phố Cao Lãnh); Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò); Bình Thạnh, Bình Hàng Tây (huyện Cao Lãnh). Tình trạng sạt lở nội đồng cũng diễn biến ngày càng phức tạp và gia tăng ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây ra sạt lở là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu và do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ. Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định, nơi dòng sông hẹp, “thắt cổ chai” và do các dòng sông bị “đói” phù sa.
Sạt lở còn do các hoạt động của con người như nuôi trồng thủy sản dọc theo bãi bồi ven sông không theo quy hoạch, không theo hướng dẫn của các ngành chức năng; xây dựng nhà ở, công trình cặp bờ sông lấn chiếm mặt sông làm thu hẹp mặt cắt ướt lòng dẫn và sóng gió do các phương tiện thủy gây ra. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (sụt lún đất, biến động lượng mưa, ảnh hưởng dòng thấm do mưa đầu vụ...) cũng có những tác động đến quá trình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Đáng chú ý, tình trạng xây nhà kiên cố, công trình cặp bờ sông không được cấp phép cũng là nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông. Theo số liệu khảo sát sơ bộ của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, hiện có 43.323 trường hợp công trình, nhà ở lấn, chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh; trong đó, nhà ở 38.643 trường hợp, công trình hơn 4.500 trường hợp. Các trường hợp này tồn tại đã từ rất lâu. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn đang cố tình lấn, chiếm đất để xây dựng nhà ở, công trình phụ trợ...
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh theo dõi, tổng hợp tình hình, diễn biến sạt lở, kịp thời báo cáo, đề xuất các giải pháp xử lý. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh quản lý việc khai thác cát đúng phạm vi quy định, kết hợp việc khai thác cát với chỉnh trị dòng chảy trên sông Tiền hướng vào giữa, tránh gây ảnh hưởng sạt lở bờ sông.
Đồng chí Võ Thành Ngoan cho biết thêm, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương, các nhà khoa học thực hiện các đề tài khoa học khảo sát đánh giá toàn tuyến sông Tiền, sông Hậu để đưa ra các giải pháp lâu dài. Tỉnh cần tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để thực hiện các dự án kè trọng điểm bảo vệ bờ sông các khu vực đông dân cư, hạ tầng quan trọng, các cụm tuyến dân cư để bố trí dân cư vùng sạt lở đến nơi an toàn.
Tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung triển khai xử lý hiệu quả tình trạng xây dựng công trình, nhà ở lấn, chiếm sông, kênh, rạch. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh quản lý việc xây dựng các công trình, nhà ở dọc các tuyến kênh, rạch, bảo đảm về kỹ thuật và quy hoạch nhằm giảm tới mức thấp nhất tình trạng sạt lở và thiệt hại do sạt lở (nếu có) xảy ra; cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, thực hiện các giải pháp mềm, tiết kiệm như trồng cây, thủy sinh hạn chế sạt lở nội đồng...
Kết quả kiểm tra thực tế ghi nhận, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có tổng chiều dài vành đai có nguy cơ sạt lở là 131.878m với 5.973 hộ dân đang sinh sống cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn. Trong đó, số đang sinh sống trong vành đai sạt lở cự ly từ mé bờ sông trở vào 30m là 3.897 hộ; số đang sinh sống trong vành đai sạt lở cự ly từ 30m đến 60m là 2.076 hộ.
Sông Tiền, sông Hậu chảy qua địa phận tỉnh Đồng Tháp dài lần lượt là 122,9km và 34,4km. Những năm gần đây, sạt lở bờ sông Tiền và sông Hậu xảy ra tại 20 đến 45 xã, phường, thị trấn thuộc 10/12 huyện, thành phố của tỉnh.