Trong cuộc họp báo về Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2020, tổ chức tại Phnom Penh sáng 23-9, Giám đốc quốc gia ADB tại Campuchia, Sunniya Durrani-Jamal cho biết, kinh tế Campuchia được điều chỉnh mức dự báo như trên là do có sự cải thiện trong sản xuất nông nghiệp và tăng xuất khẩu các mặt hàng không thuộc lĩnh vực may mặc, như xe đạp và đồ điện tử.
Theo đại diện ADB, đơn đặt hàng từ châu Âu và Bắc Mỹ giảm mạnh dẫn đến việc đóng cửa khoảng 1/3 các nhà máy sản xuất quần áo, đồ du lịch và giày dép trong sáu tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, việc xuất khẩu xe đạp và đồ điện tử đã đẩy mức xuất khẩu hàng hóa ngoài may mặc trong quý I của Campuchia tăng 30,3% so cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp được dự báo đạt 5,1% trong năm nay nếu xuất khẩu hàng may mặc, đồ du lịch và giày dép tiếp tục khởi sắc.
Báo cáo của ADB nhấn mạnh, dịch Covid-19 thời gian qua đã gây tác động nặng nề lên ngành du lịch của Campuchia. Lượng khách quốc tế đến nước này trong quý II giảm 98,1% so cùng kỳ năm ngoái, dẫn hơn 3.000 doanh nghiệp phải đóng cửa và 45.000 lao động mất việc làm. Ngoài ra, dịch bệnh cũng làm nhiều ngành kinh tế quan trọng khác rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Theo ADB, dịch Covid-19 là một thách thức toàn cầu chưa từng có, tuy nhiên, Campuchia chưa xảy ra khủng hoảng y tế. Tăng trưởng kinh tế tại quốc gia này được kỳ vọng sẽ được khôi phục lên mức 5,9% vào năm 2021, nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người nghèo, cũng như việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Dự kiến, trong giai đoạn 2019-2023, ADB sẽ dành cho Campuchia các khoản viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật trị giá 1,45 tỷ USD trên lĩnh vực quản lý nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, cải thiện đời sống người dân ở khu vực thành thị và nông thôn, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, nâng cao giáo dục và phát triển kỹ năng. Những dự án này nhằm giúp người dân Campuchia có cơ hội tiếp cận các dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước.