Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, năm 2016 cả nước có hơn 3.000 vụ cháy, tăng 214 vụ (7,7%) so với năm 2015. Hậu quả các vụ hỏa hoạn khiến 98 người chết, 180 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 1.240 tỷ đồng. Tới năm 2017, chỉ trong sáu tháng đầu năm, tại TP Hồ Chí Minh đã có 666 sự cố liên quan cháy nổ, làm 20 người chết, 30 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 43 tỷ đồng. Tại Hà Nội, theo số liệu báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) thành phố, chỉ tính riêng trong tháng 7-2017, đã xảy ra 58 vụ cháy, trong đó đáng chú ý là hai vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nguy cơ cháy nổ vẫn đang hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là tại các khu đô thị lớn, đe dọa sự an toàn của người dân, cho nên nếu không giải quyết kịp thời, có hiệu quả thì hậu quả xảy ra sẽ rất khó lường.
Qua hàng loạt vụ hỏa hoạn xảy ra thời gian qua, có thể thấy địa bàn cháy nổ tập trung chủ yếu ở khu vực nhà dân, nhà liền kề (chiếm tỷ lệ 42,9%). Ðặc biệt, nguy cơ cháy nổ xuất phát từ khu vực nhà dân có kết hợp với kinh doanh là đáng lo ngại nhất. Một thí dụ tiêu biểu là: tại TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 1.800 cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu nằm xen lẫn khu dân cư sinh sống, đặc biệt những xưởng tái chế phế liệu, sang chiết ga, sửa chữa đồ điện tử,... có thể cháy nổ bất cứ lúc nào bởi tập trung nhiều hóa chất và vật liệu dễ bắt lửa. Ðiều đáng nói là những cơ sở này ngang nhiên tồn tại ở các khu dân cư trong suốt thời gian dài, song không hề có giấy phép, không bảo đảm điều kiện PCCC. Những trường hợp bị phát hiện, xử lý trên thực tế dường như mới ở mức độ khiêm tốn, và hình thức xử phạt chủ yếu là nhắc nhở, xử phạt hành chính cho nên không đủ sức răn đe, vì thế những "quả bom nổ chậm" này vẫn… bình chân giữa các khu dân cư.
Dù đã hơn một năm trôi qua nhưng vụ nổ kinh hoàng xảy ra ở một cửa hàng thu mua phế liệu tại khu đô thị Văn Phú (Hà Ðông, Hà Nội) hồi tháng 3-2016 vẫn ám ảnh nhiều người: 94 căn nhà bị hư hỏng, 4 người chết, nhiều người bị thương, đời sống của người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng từ đó đến nay, các vụ cháy nổ vẫn liên tiếp xảy ra. Mới đây nhất, vụ cháy nổ ngày 29-7 tại xưởng sản xuất bánh kẹo ven quốc lộ 32, xã Ðức Thượng (Hoài Ðức, Hà Nội) khiến 8 người chết, 2 người bị thương. Trước mức độ nghiêm trọng của sự việc, tối cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Công an sớm điều tra nguyên nhân vụ việc để báo cáo kết quả lên Thủ tướng. Ðáng quan ngại là hiện nay tại các đô thị lớn, nguy cơ cháy nổ có chiều hướng gia tăng ở các tòa cao ốc, đặc biệt là các chung cư cao tầng. Năm 2016, thống kê tại TP Hồ Chí Minh cho thấy: với tổng số 682 chung cư hiện có trên toàn thành phố thì tỷ lệ chung cư chưa bảo đảm an toàn PCCC chiếm đến 46,4%. Tại Hà Nội, thông báo mới đây của Cảnh sát PCCC thành phố cho biết, tính đến ngày 31-7, trong tổng số 759 công trình nhà chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội có 79 công trình vi phạm về PCCC, trong đó mới chỉ có 14 công trình đã khắc phục các bất cập. Vi phạm tràn lan và có thể bắt gặp từ khu chung cư cao cấp tới khu chung cư bình dân và tái định cư. Cá biệt, có một tập đoàn xây dựng "sở hữu" tới 11 trong số 61 công trình vi phạm. Ðiều khiến dư luận lo ngại là tình trạng "đi tắt" trong quá trình xây dựng, coi nhẹ quy định về PCCC ở các công trình cao tầng đang diễn ra ngày càng phổ biến. Hằng năm, thậm chí hằng quý, con số thống kê công trình vi phạm về PCCC vẫn được công bố. Danh tính nhiều công trình được công khai trên báo chí, song sai phạm vẫn ngang nhiên diễn ra. Tình trạng chung cư chưa được nghiệm thu về an toàn PCCC nhưng chủ đầu tư vẫn cho các hộ dân vào ở không còn là chuyện lạ. Thậm chí có một số chung cư, dù dân cư đã về ở đông đúc trong một thời gian dài nhưng vấn đề PCCC không được quan tâm, hay chỉ làm đối phó, dẫn đến tình trạng: có hệ thống PCCC nhưng không thể vận hành, thiết bị PCCC xuống cấp, không đầy đủ... Việc tập huấn PCCC tại các cao ốc và khu chung cư mang tính hình thức, qua loa cho nên khi có sự cố xảy ra thì lúng túng, đổ lỗi cho nhau. Dù công tác tuyên truyền về PCCC vẫn được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các khu đông dân cư, song hiệu quả còn hạn chế, người dân vẫn còn ỷ lại, chủ quan, coi thường...
Pháp luật hiện hành quy định rất cụ thể về nguyên tắc, thủ tục xây dựng các công trình nhà cao tầng, theo đó điều kiện nhằm bảo đảm an toàn PCCC là một nội dung không thể thiếu trong hồ sơ thiết kế, thi công và phải được cơ quan chức năng phê duyệt. Ðến khi hoàn thành, các hạng mục PCCC của công trình như: hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy, lối thoát hiểm,... phải được kiểm tra, nghiệm thu. Vấn đề đặt ra là tại sao nhiều công trình vẫn ngang nhiên vi phạm, như: không thực hiện đúng như hồ sơ thiết kế, bớt xén trang thiết bị PCCC nhằm tiết giảm chi phí, chưa được nghiệm thu,... vẫn được đưa vào sử dụng? Ðây rõ ràng là sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người dân, trực tiếp làm tăng nguy cơ cháy nổ tại các tòa nhà cao tầng, đe dọa đến an toàn, đời sống dân cư, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng. Một số sự cố hỏa hoạn tại các khu chung cư xảy ra thời gian qua như vụ cháy ở chung cư Capital Garden (Hà Nội) ngày 31-5 dù không gây thiệt hại về người song đã khiến hàng trăm cư dân sinh sống tại đây và khu vực lân cận rơi vào tình trạng hoảng loạn.
Ðể chấn chỉnh, thời gian qua tại Hà Nội, việc xử lý các công trình vi phạm quy định về PCCC được siết chặt hơn. Mới đây, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động từ ngày 12-5 đến ngày 9-6-2017 đối với chung cư BMM ở Xa La (Hà Ðông) do chưa bảo đảm yêu cầu an toàn về PCCC nhưng đã đưa công trình vào hoạt động; tham mưu để UBND quận Tây Hồ ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với dự án tòa nhà 25 tầng Golden West (Thanh Xuân) theo quy định tại Ðiều 19, Nghị định số 79/2014/NÐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy do không bảo đảm an toàn PCCC và dù đã được cơ quan chức năng nhắc nhở song chủ đầu tư vẫn bàn giao nhà cho khách hàng vào ở. Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để kiên quyết xử lý và có biện pháp mạnh hơn nhằm khắc phục hoàn toàn các lỗi vi phạm về PCCC, trường hợp chủ đầu tư cố tình không chấp hành thì sẽ xem xét đề xuất chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự. Không chỉ có lực lượng PCCC vào cuộc rốt ráo để ngăn chặn, xử lý kịp thời những sai phạm trong công tác PCCC, mới đây, theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội từ ngày 1-7-2017 Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ không giới thiệu địa điểm cấp đất, giao đất, cho thuê đất đối với các đơn vị đang là chủ đầu tư công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC nhưng vẫn chưa khắc phục. Bên cạnh đó, những công trình đang thi công hay trong giai đoạn hoàn thiện mà có vi phạm về PCCC, TP Hà Nội cũng sẽ kiên quyết không cấp điện, không cấp nước. Ðây được coi là những biện pháp cần thiết, kịp thời, đủ sức răn đe với các chủ đầu tư đang vi phạm các nguyên tắc bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn thành phố.
Tại nhiều địa phương, công tác PCCC cũng được cơ quan chức năng và các cấp chính quyền quan tâm. Bước sang năm 2017, Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực thi quy tắc bảo đảm an toàn PCCC trên toàn thành phố như: kiểm tra, ngăn chặn việc sang chiết ga trái phép; kiểm tra an toàn PCCC chuyên đề nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê trên địa bàn quận 7; xử phạt cơ sở vi phạm bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, cản trở lối thoát nạn tại chợ Củ Chi,... Ở Bình Dương, sáu tháng đầu năm 2017, Cảnh sát PCCC tỉnh đã kiểm tra về an toàn PCCC đối với 6.389 lượt cơ sở, lập 6.389 lượt biên bản kiểm tra, kiến nghị xử lý 23.734 thiếu sót về an toàn PCCC; phối hợp với các ngành tổ chức kiểm tra liên ngành đối với 99 cơ sở, kiến nghị xử lý 654 thiếu sót về an toàn PCCC; tổ chức thanh tra chuyên ngành về PCCC đối với 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Người dân tin tưởng rằng các biện pháp cứng rắn như trên từ các cơ quan chức năng sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả những sai phạm trong công tác PCCC.
Tính mạng con người là vô giá. Những tai nạn thương tâm do cháy, nổ hẳn sẽ giảm nhiều, thậm chí có thể ngăn chặn nếu các nguyên tắc an toàn về PCCC được bảo đảm. Chỉ một chút bất cẩn trong sử dụng điện, chỉ một tia lửa phát ra trong quá trình hàn xì, một sơ suất trong khi sang chiết ga,... gây ra thiệt hại lớn, thì mọi hối tiếc đều đã quá muộn. Vì thế, công tác PCCC phải được chú trọng hơn bao giờ hết. Và cần thấy rằng, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc tăng cường hệ thống giám sát, xử lý nghiêm sai phạm về PCCC, công tác duyệt quy hoạch các công trình xây dựng cần tính đến phương án đường vào cho xe chữa cháy phòng khi xảy ra sự cố,... và cũng rất cần ý thức tự giác của mỗi người dân. Người dân cần phải nâng cao kiến thức và trách nhiệm về PCCC, kiên quyết nói không với những công trình nhà ở không bảo đảm quy tắc an toàn PCCC.