Đầu tháng 9, Công an quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Thị Mỹ Hòa (40 tuổi, trú phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Theo cơ quan công an, trong thời gian làm nhân viên tạp vụ cho một doanh nghiệp, Hòa tự xưng là trợ lý tổng giám đốc doanh nghiệp này rồi làm quen, gặp gỡ với nhiều người và ngỏ ý có thể “chạy việc” vào làm ở doanh nghiệp. Qua các mối quan hệ giới thiệu, Hòa biết ông M. (ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) muốn giúp đỡ xin việc cho con trai ông. Sau đó, Hòa gặp ông M. và nhận tiền để “chạy việc” với chi phí hơn 10.000 USD, cam kết chậm nhất ba tháng kể từ ngày nhận tiền và hồ sơ sẽ xin việc thành công. Để thực hiện việc chiếm đoạt, Hòa đã làm giả các giấy tờ như quyết định về việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai ông M. vào doanh nghiệp, có chữ ký, con dấu để củng cố lòng tin. Từ năm 2015 đến năm 2017, ông M. đã giao hơn 10 lần tiền cho Hòa với tổng cộng khoảng 800 triệu đồng. Số tiền này Hòa đã sử dụng hết vào việc chi tiêu cá nhân.
Trước đó, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa (57 tuổi, trú ở 9B Ngô Thời Nhậm, phường Thuận Hòa, TP Huế) 17 năm tù tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, do cần tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, từ tháng 12-2012 đến tháng 5-2015, Nguyễn Thị Thanh Hoa tự nhận mình có mối quen biết với nhiều lãnh đạo cơ quan, đơn vị, có thể xin được việc làm ở nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau đó, Hoa nhận tiền chạy việc của 97 người có nhu cầu xin việc với số tiền hơn 7,6 tỷ đồng (thông qua năm người làm trung gian gom tiền và hồ sơ). Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Hoa không xin việc được cho bất cứ ai và không trả lại tiền cho nên bị mọi người tố cáo. Trước khi bị Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên phạt mức án nêu trên, năm 2015, trong một vụ án khác, Hoa bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình tuyên phạt 7 năm tù giam cũng về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đây chỉ là hai vụ án trong số hàng trăm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc hứa hẹn xin việc làm được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thời gian qua. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường tự nhận là người nhà các cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp, địa phương cho nên có khả năng nhờ vả xin việc làm với những vị trí hứa hẹn có thu nhập cao. Sau khi nhận được tiền của các nạn nhân, đối tượng lừa đảo sẽ dần thoái thác trách nhiệm với lý do phải đợi một thời gian mới xin được việc, nhiều trường hợp sau khi nhận được tiền các đối tượng này lập tức bỏ trốn đã gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý.
Theo cơ quan chức năng, trong quá trình điều tra vụ án gặp phải khó khăn do người bị hại khi giao tiền và tài sản cho các đối tượng lừa đảo thường viết giấy vay nợ không có nội dung xin việc làm và không phản ánh nội dung vay nợ tiền mục đích để làm gì, thường là vay sử dụng mục đích cá nhân, do đó khi cơ quan điều tra triệu tập thì các đối tượng lừa đảo thường khai báo là các khoản vay không liên quan đến xin việc.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp đối tượng lừa đảo chính là cán bộ hoặc đã từng là cán bộ làm việc tại các cơ quan nhà nước đứng ra hứa hẹn xin việc làm khiến người dân dễ dàng tin tưởng và giao tiền dẫn đến bị lừa. Điển hình là đối tượng Nguyễn Xuân Hợp, sinh năm 1985, nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế lấy danh nghĩa là hiệu trưởng và có quan hệ rộng, quen biết với nhiều thành viên trong ban tuyển dụng giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh có khả năng xin việc được cho nhiều người vào ngành giáo dục. Trong năm 2018, ông Hợp đã hứa hẹn xin việc làm cho nhiều người rồi lừa đảo chiếm đoạt gần 900 triệu đồng. Vừa qua, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hợp về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua các vụ lừa đảo xin việc làm cho thấy, nhiều nạn nhân đã lâm vào hoàn cảnh khốn khó, nợ nần do số tiền bị lừa rất lớn và thường là đi vay. Nắm bắt tâm lý của người dân mong muốn con mình khi ra trường có được việc làm ổn định trong cơ quan nhà nước, các đối tượng đưa ra các thông tin gian dối như có mối quan hệ, quen biết với nhiều lãnh đạo cao cấp, người nhà hiện đang làm lãnh đạo các cơ quan nhà nước có thể xin được việc làm với suất ngoại giao. Những người có nhu cầu xin việc làm đã không tìm hiểu dẫn đến thiếu thông tin về các nơi, chỗ mình định tìm kiếm việc làm, từ đó dễ dàng tin tưởng vào thông tin gian dối mà các đối tượng đưa ra. Bên cạnh đó, các gia đình xin việc thường không muốn nói cho người khác biết rằng con mình được vào làm việc tại các cơ quan nhà nước là do xin xỏ, nên thường chủ động đề nghị các đối tượng “cò mồi” giữ kín thông tin khiến hành vi lừa đảo của các đối tượng càng khó bị phát hiện.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm, người dân khi có thông tin, có nhu cầu muốn được thi tuyển, xét tuyển hoặc được tuyển vào làm công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước cần tìm hiểu kỹ. Khi có vấn đề chưa rõ thì liên hệ trực tiếp với cơ quan mình định thi tuyển vào làm việc. Người dân cần nâng cao cảnh giác, khi thấy các đối tượng yêu cầu đưa tiền để xin xỏ, chạy chọt, có dấu hiệu lừa đảo cần trình báo các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Các cơ quan, đơn vị khi có nhu cầu tuyển dụng cần công khai, minh bạch thông tin liên quan, để người có nhu cầu tìm việc làm tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông, cảnh báo đến người dân các cách thức lừa đảo của các đối tượng, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.