Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo phản ánh của người dân địa phương và các cơ quan truyền thông, thời gian qua hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn và các sản phẩm bột xương thịt, protein động vật (bột hồng cầu và bột xương động vật) qua biên giới Tây Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là biên giới với Campuchia. Điều này làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, cúm gia cầm…
Lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn thức ăn có chứa các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân.
Để chấm dứt ngay tình trạng nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị 6 tỉnh trên tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung nguồn lực tổ chức ngăn chặn, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm bột xương thịt, protein động vật vào Việt Nam.
Các tỉnh quán triệt, hướng dẫn, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp tại địa phương tổ chức; theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại: Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 7/7/2020; Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020; Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/01/2024, Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 và Chỉ thị số 41/CĐ-TTg ngày 6/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam; Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn (được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư số 09/2022/TT-BNNPTNT, Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT).
Các tỉnh chỉ đạo chính quyền cấp xã, cấp huyện tổ chức thống kê số liệu, kiểm soát đàn lợn của địa phương, đặc biệt tại các địa phương có chung biên giới với Campuchia để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết, hợp thức hóa nguồn gốc lợn được vận chuyển, nhập lậu; hợp thức hóa, làm giả, làm trái quy định các loại giấy tờ kiểm dịch nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
Cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương khẩn trương thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm bột xương thịt, protein động vật vào Việt Nam.
Các lực lượng chức năng của địa phương, đặc biệt lực lượng Bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng buôn bán, vận chuyện trái phép lợn vào Việt Nam; đặc biệt tập trung xử lý các trường hợp lợn nghi ngờ nhập lậu từ Campuchia, Lào, Thái Lan.
Các đơn vị có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cư dân khu vực biên giới trong công tác phòng chống dịch, phòng ngừa gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm bột xương thịt, protein động vật vào Việt Nam.
Ban chỉ đạo 389 các cấp của địa phương phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y Trung ương đóng tại địa phương và cơ quan thú y địa phương.
Lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm bột xương thịt, protein động vật vào Việt Nam.
Cơ quan, chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức giám sát dịch bệnh động vật, trên lợn nghi nhập lậu trái phép vào Việt Nam.