Ngăn chặn tình trạng sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản trên sông, suối trái phép ở Nghệ An

NDO - Thời gian qua, việc đánh bắt thủy sản bằng kích điện đã có chiều hướng giảm, song tình trạng này vẫn còn xảy ra trên một số đoạn sông, suối ở vùng sâu, vùng xa. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân, thì Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã triển khai quyết liệt các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt hành vi đánh bắt kiểu tận diệt này.
0:00 / 0:00
0:00
Các đối tượng cùng bộ kích điện tang vật bị Đồn Biên phòng Phúc Sơn phát hiện xử lý.
Các đối tượng cùng bộ kích điện tang vật bị Đồn Biên phòng Phúc Sơn phát hiện xử lý.

Ngày 9/5, Đồn Biên phòng Phúc Sơn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) đã hoàn chỉnh hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với Vi Thái Duy, Vi Văn Duẩn, và La Văn Tú, đều trú tại địa bàn xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) vì có hành vi sử dụng kích điện trái phép khai thác thủy sản trên sông, suối thuộc địa bàn xã Phúc Sơn (Anh Sơn).

Theo tài liệu, lúc 1 giờ 30 phút ngày 9/5, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát địa bàn, Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã phát hiện ba đối tượng trên đang có hành vi sử dụng công cụ kích điện đánh bắt cá trên suối Khe Súc, thuộc địa phận bản Vều 1, xã Phúc Sơn.

Trước đó, trong lúc thực hiện nhiệm vụ, Đồn Biên phòng Châu Khê cũng phát hiện La Văn Sao (sinh năm 1988), trú tại bản Khe Bu, xã Châu Khê, huyện Con Cuông đang có hành vi sử dụng công cụ kích điện đánh bắt cá trên suối Khe Choăng thuộc địa phận bản Khe Bu. Tang vật thu giữ là một bộ kích điện tự chế. Đồn Biên phòng Châu Khê đã hoàn chỉnh hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngăn chặn tình trạng sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản trên sông, suối trái phép ở Nghệ An ảnh 1

Đối tượng La Văn Sao trú tại bản Khe Bu, bị Đồn Biên phòng Châu Khê phát hiện, xử lý.

Đó chỉ là hai trong số các vụ việc sử dụng kích điện trái phép khai thác thủy sản trên các sông, suối địa bàn biên giới bị lực lượng tuần tra, kiểm soát các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Nghệ An phát hiện xử lý. Các đối tượng sử dụng kích điện thường lợi dụng đêm tối, các đoạn sông, suối vắng người để thực hiện hoạt động khai thác thủy sản trái phép.

Theo lực lượng chức năng, rất khó để xử lý triệt để tình trạng đánh bắt cá bằng kích điện, do dụng cụ đánh bắt cá bằng kích điện giá rẻ, gọn; người dân có thể tự chế tạo bằng pin, bình ắc quy, máy phát…

Ngăn chặn tình trạng sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản trên sông, suối trái phép ở Nghệ An ảnh 2

Các bộ kích điện giá rẻ, dễ mua, dễ chế.

Để ngăn chặn hoạt động đánh bắt thủy sản bằng kích điện trái phép, các đơn vị Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn.

Ở mỗi địa phương, tùy tình hình thực tế, các đồn biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền đến người dân như thông qua các hoạt động truyền thông cộng đồng, các cuộc họp dân bản, hệ thống loa truyền thanh của địa phương và các tổ công tác địa bàn đến từng hộ gia đình tuyên truyền. Mục đích là trang bị kiến thức để nhân dân hiểu rõ và không vi phạm.

Trung tá Vi Văn Lâm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Châu Khê cho biết: Nguyên nhân của tình trạng sử dụng kích điện là do việc đánh bắt cá bằng lưới hiệu quả không cao và một bộ phận người dân có tâm lý muốn bắt được nhiều cá nhưng không muốn tốn công sức. Để ngăn chặn hoạt động này, đơn vị đã tham mưu địa phương xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, tổ chức vận động toàn dân ký cam kết giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, các loại công cụ hỗ trợ, súng tự chế, kích điện nhằm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn, các Đồn Biên phòng đã chú trọng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn. Phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm để răn đe, giáo dục, ngăn chặn người dân vi phạm sử dụng kích điện khai thác thủy sản trái phép trên sông, suối.

Thiếu tá Lê Văn Giang, Chính trị viên phó đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết: Để tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng, nhiều người sử dụng kích điện để khai thác thủy sản hoạt động trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 4 giờ sáng ngày hôm sau.

Tình trạng sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản để lại những hệ luỵ khó lường, nó gây tác hại tận diệt môi sinh, môi trường và toàn bộ cá con, dẫn đến sụt giảm nhanh chóng các loài thủy sản.

Thời gian qua, Đồn Biên phòng Phúc Sơn cũng đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền đến tận người dân, đồng thời tổ chức các hoạt động tuần tra trên các đoạn khe, suối để kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động sử dụng kích điện khai thác thủy sản trái phép.

Với các biện pháp quyết liệt, trong năm 2023, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản 88 vụ, với 107 đối tượng; tang vật thu giữ 18 bộ kích điện tự chế; hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính; nộp ngân sách Nhà nước hơn 690 triệu đồng.

Những tháng đầu năm 2024, các đơn vị biên phòng cũng đã tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuỷ sản 19 vụ, với 26 đối tượng, thu giữ năm bộ kích điện tự chế; hoàn chỉnh hồ sơ, xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách Nhà nước 64 triệu đồng.

Các biện pháp tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn đã được tăng cường, song để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, trong đó vai trò chủ động phát hiện, tố giác của người dân là rất quan trọng để những người hành nghề từ bỏ đánh bắt tận diệt, góp phần duy trì bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên sông, suối.