Theo giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Hưng Yên cấp ngày 9-2-2010, tỉnh Hưng Yên đồng ý cho công ty TNHH Đại Nam, có trụ sở ở xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel có quy mô 12 triệu viên/năm, công nghệ tiên tiến đồng bộ. Tuy nhiên, khi thực hiện triển khai dự án, công ty TNHH Đại Nam đã không thực hiện xây dựng nhà máy gạch tuynel như giấy chứng nhận đầu tư, mà xây lò gạch hoffman, công nghệ lạc hậu, thủ công. Lý giải cho việc đầu tư không theo giấy phép được cấp, ông Đỗ Trọng Sáu, Giám đốc công ty TNHH Đại Nam cho biết: Làm thủ tục xin phép đầu tư là vậy, nhưng tôi đâu có biết công nghệ sản xuất lò tuynel, lò hoffman như thế nào?
Hơn nữa, nhu cầu gạch đặc để xây dựng ở dân cư rất lớn, vốn đầu tư xây dựng lò hoffman thấp hơn rất nhiều so lò tuynel nên công ty quyết định xây lò hoffman.
Qua kiểm tra thực trạng 19 nhà máy gạch tuynel (theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh cấp) của Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên thì có tới 17 nhà máy xây dựng lò gạch công nghệ hoffman không đúng như giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Hưng Yên cấp.
Theo ông Phạm Trường Tam, Trưởng phòng Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên) cho biết: Lò gạch hoffman thuộc loại lò gạch thủ công, công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, cần nhiều lao động phổ thông, ô nhiễm môi trường so với lò tuynel nên tỉnh Hưng Yên trong những năm gần đây không cấp giấy phép xây dựng loại lò này.
Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy gạch không đúng như giấy phép đã được cấp, UBND tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định số 1027/QĐ-UBND ngày 27-6-2011 về việc phê duyệt lộ trình chuyển đổi công nghệ gạch, ngói đất sét nung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, trong đó nêu rõ: Xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, đình chỉ tháo dỡ các lò gạch hoffman đang trong giai đoạn thi công. Đối với các lò gạch thủ công có xử lý khói bằng nước vôi thân thiện với môi trường đã được UBND tỉnh cho phép thử nghiệm và các lò gạch Hoffman đang sản xuất thì được hoạt động đến ngày 30-6-2012, sau thời điểm này phải tháo dỡ ngay. Các dự án sản xuất gạch ngói đất nung đã được cấp phép đầu tư và cấp phép xây dựng theo công nghệ lò tuynel nhưng tự ý xây dựng theo công nghệ lò hoffman, sau khi tháo dỡ phải xây dựng theo công nghệ lò tuynel.... Tuy nhiên, việc thực hiện quyết định của UBND tỉnh không nghiêm, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào tháo dỡ lò hoffman, số lượng lò hoffman nhiều hơn trước thời điểm UBND tỉnh ra Quyết định số 1027/QĐUBND.
Về vấn đề khai thác, sử dụng nguyên liệu để làm gạch, ông Phạm Công Chiến, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xây lắp Tống Trân, huyện Phù Cừ, thừa nhận: Công ty chưa có giấy phép khai thác, mỏ đất; để có đất làm gạch công ty đã đi mua ở khắp nơi; trong đó, có đất ở những công trình có khối lượng đất đào, đắp lớn... Theo Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 34 nhà máy sản xuất gạch theo giấy phép là lò sản xuất theo công nghệ tuynel, có tổng công suất thiết kế hơn 800 triệu viên/năm.
Hằng năm, các doanh nghiệp sản xuất một lượng gạch từ 400 triệu đến 600 triệu viên/năm, do vậy cần một lượng đất rất lớn, hàng triệu m 3 đất/năm. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có giấy phép mỏ để khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất gạch không nhiều chỉ chiếm hơn 20% tổng số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gạch, ngói trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Những doanh nghiệp có mỏ đất thường khai thác nguyên liệu phục vụ cho lò gạch của doanh nghiệp, hầu như không bán ra ngoài. Các doanh nghiệp sản xuất gạch nung chưa có mỏ đất thường mua đất trôi nổi trên thị trường; dẫn đến tình trạng đất đai ở nhiều vùng nông thôn bị đào bới lấy đất làm gạch, làm cho nhiều thửa ruộng canh tác trở thành thùng, vũng, gây bức xúc ở nhiều địa phương.
Để từng bước ngăn chặn những vi phạm trong sản xuất vật liệu xây dựng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên Bùi Xuân Quang, cho biết: Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp phải tháo dỡ lò hoffnam theo đúng lộ trình. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng; trong đó, có việc chỉ đạo sự phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý, khai thác nguyên liệu đất; phát hiện và xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cá nhân khai thác, mua bán đất trái quy định.
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Hưng Yên vi phạm trong việc đầu tư xây dựng không theo giấy phép được cấp, khai thác sử dụng đất nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường... mong rằng tỉnh Hưng Yên sớm triển khai các biện pháp hiệu quả, xử lý dứt điểm những vi phạm nêu trên.
"Nông dân mất đất ruộng nhiều lắm, thường vào thời điểm đất để ải, lợi dụng lúc đêm, tối một số đối tượng đã đào, bê trộm đất đưa lên xe chở bán cho các chủ lò gạch. Chúng tôi mong các cấp chính quyền ngăn chặn kịp thời tình trạng này".
PHẠM THỊ THOA (Xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên)
"Đa phần doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không có giấy phép khai thác, mỏ đất để khai thác nguyên liệu sản xuất gạch, ngói là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều nơi đất bị đào, bới, nông dân bị mất đất mặt ruộng"
LÊ QUANG VINH Trưởng phòng quản lý nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên
"Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp lấy đất lúa, mặt ruộng, kể cả việc đào đất ao, hồ thuê thầu của tập thể và các trang trại của hộ cá thể khi chưa có cấp thẩm quyền cho phép để làm gạch, ngói..."
(Trích Công văn số 261, ngày 4-3-2011, của UBND tỉnh Hưng Yên)