Ngăn chặn tình trạng buôn bán, tự chế các loại pháo nổ

NDO -

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cận kề cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng mọi thủ đoạn tinh vi để buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trái phép. Bên cạnh đó, tình trạng một số người dân tự chế pháo nổ với mục đích cho có “không khí Tết” hoặc bán kiếm tiền cũng đang tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Rao bán pháo nổ của nhóm “Pháo hoa 2022 không cọc” trên mạng xã hội Facebook.
Rao bán pháo nổ của nhóm “Pháo hoa 2022 không cọc” trên mạng xã hội Facebook.

Trước thực trạng nêu trên, lực lượng Công an cả nước đang quyết liệt đấu tranh, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan pháo nổ để người dân đón Tết trong yên vui.

“Chợ pháo” trên không gian mạng

Trước đây, các đối tượng buôn bán pháo lậu thường buôn bán trên thực địa thì hiện tại, lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin qua internet, những “đầu nậu” chuyên bán pháo nổ đã chuyển dịch lên không gian mạng. Chỉ cần tìm từ khóa “bán pháo nổ” trên mạng xã hội Facebook sẽ ra rất nhiều trang cá nhân và các hội nhóm buôn bán pháo nổ với hàng nghìn đến hàng chục nghìn thành viên tham gia. Tại nhóm “Pháo hoa 2022 không cọc”, liên tục trong những ngày gần đây, các đối tượng “đầu nậu” buôn bán pháo đăng các tin, bài quảng cáo các mặt hàng pháo nổ với đa dạng chủng loại như: pháo hoa đơn, pháo hoa giàn, pháo nổ dạng viên tròn…

Nguồn gốc của những loại pháo này đa số đều từ Trung Quốc và Thái Lan. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng khi đăng thông tin bán pháo đều không cung cấp địa chỉ cụ thể mà chỉ nhận giao dịch qua ứng dụng Zalo. Khi khách hàng có nhu cầu liên hệ sẽ được hướng dẫn cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ nơi nhận, số điện thoại và hàng sẽ được vận chuyển qua phương tiện giao hàng hoặc xe khách.

Nắm bắt được thực trạng nêu trên, trong những ngày cuối năm, lực lượng Công an thành phố Hồ Chí Minh tăng cường rà soát hoạt động mua bán pháo nổ trên không gian mạng. Từ tài liệu chứng cứ thu thập được, trưa 29/12/2021, Tổ trinh sát thuộc Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận 5 (thành phố Hồ Chí Minh) bắt quả tang Trương Ngọc Thắng (sinh năm 1998, trú tại thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) về hành vi “buôn bán hàng cấm” khi đang điều khiển xe máy chở một thùng giấy lưu thông trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 13. Bên trong thùng giấy, Công an phát hiện 10 bệ pháo (nặng khoảng 16 kg). Tại cơ quan Công an, Thắng khai, số pháo trên đặt mua qua mạng của một người chưa rõ lai lịch rồi mang về bán kiếm lời. Sau khi nhận hàng, Thắng hẹn với một khách hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông để bán lại thì bị tổ công tác phát hiện. Khám xét nơi ở của Thắng, Công an phát hiện thêm 11kg pháo các loại.

Tại địa bàn Hà Nội, thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán khoảng 16 giờ 30 phút ngày 19/12/2021, Công an quận Hà Đông làm nhiệm vụ tuần tra trên địa bàn phường Đồng Mai phát hiện một người đàn ông mang theo thùng giấy có biểu hiện nghi vấn. Bên trong thùng, công an phát hiện có năm hộp pháo hoa nổ. Người này khai nhận làm nghề xe ôm và được thuê vận chuyển từ huyện Chương Mỹ đến khu vực Công viên Hòa Bình, quận Cầu Giấy với tiền công 70 nghìn đồng. Căn cứ vào tài liệu điều tra, Công an quận Hà Đông triệu tập người thuê vận chuyển số pháo trên là Bùi Văn An (sinh năm 2005, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận bản thân không có việc làm ổn định nên vào mạng xã hội Facebook tìm người bán pháo nổ để mua về chơi, đồng thời rao bán trên mạng internet kiếm lời...

Theo Công an thành phố Hà Nội, từ ngày đầu tiên mở cao điểm tấn công tội phạm (15/12/2021) đến 10/1/2022, các đơn vị Công an đã khám phá hàng chục vụ việc, bắt giữ tám đối tượng, thu giữ hơn 68 kg pháo nổ các loại. Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, để bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán, Công an thành phố chỉ đạo công an các địa phương tổ chức cho 100% các cơ quan, đơn vị, các hộ dân trên địa bàn ký cam kết không tàng trữ, kinh doanh và đốt pháo nổ. Công an thành phố yêu cầu công an 30 quận, huyện, thị xã cùng ký cam kết, địa bàn nào để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ thì người đứng đầu đơn vị, địa bàn đó sẽ phải chịu trách nhiệm.

Ngăn chặn tình trạng buôn bán, tự chế các loại pháo nổ -0
 Một đối tượng cùng tang vật pháo nổ bị lực lượng Công an thành phố Hà Nội bắt giữ tại quận Bắc Từ Liêm.

Nguy hiểm pháo nổ tự chế

Một hiểm họa khác trong những dịp Tết đến xuân về đó là hành vi tự học và chế các loại pháo nổ, không chỉ gây nguy hiểm cho xã hội mà còn trực tiếp nguy hại tới tính mạng của những người chế pháo. Trên không gian mạng gần đây, liên tục xuất hiện các video, bài viết, các kênh Youtube với hàng nghìn người theo dõi, đăng tải dạy cách làm các loại pháo. Thông tin trong các đoạn clip còn hướng dẫn cụ thể công thức trộn hóa chất để gây nổ. Tại các “chợ online” trên mạng xã hội Facebook tồn tại rất nhiều hội nhóm hướng dẫn, trao đổi, mua bán hóa chất, thuốc nổ là nguyên liệu để làm pháo tự chế. Vào 19 giờ 40 phút ngày 20/12/2021, cháu P.C.M (sinh năm 2008, học sinh Trường trung học cơ sở Tân Hoa, ở thôn Thanh Văn 2, xã Tân Hoa, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cùng hai người bạn tự chế pháo nổ. Quá trình thực hiện, đã xảy ra tai nạn khiến cháu M bị thương nặng ở chân, tay và vùng mặt. Dù được đưa đi bệnh viện chữa trị nhưng do vết thương quá nặng, cháu M đã không qua khỏi.

Ngày 4/1/2022, tại thôn Trung Tâm, xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, qua công tác kiểm tra hành chính, Công an xã Bắc Lý phát hiện nhiều trường hợp tàng trữ, sử dụng các hóa chất để chế tạo pháo nổ trái phép. Qua kiểm tra đối với Đ.H.P, sinh năm 2007, trú tại thôn Trong Đầm, Công an phát hiện tại cốp xe máy điện có 400 g thuốc pháo; kiểm tra tại nhà Đ.H.P thu giữ mười quả pháo nổ tự chế. Cùng ngày, Công an xã Bắc Lý kiểm tra hành chính nhà N.Đ.S, sinh năm 2007, trú tại thôn Trung Tâm phát hiện, thu giữ mười túi ni-lông chứa các chất bột KNO3, lưu huỳnh, than hoa và thuốc pháo. N.Đ.S khai nhận đã mua các sản phẩm trên qua mạng xã hội để tự chế pháo đốt.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, trước và trong dịp Tết Nguyên đán, tình trạng chế tạo, tàng trữ, buôn bán và sử dụng pháo nổ, pháo hoa trái phép lại gia tăng và diễn biến phức tạp. Có nhiều vụ việc các em học sinh, thanh thiếu niên tự tìm hiểu, chế tạo pháo trái phép. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường. Bởi vậy, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng Công an, mỗi cá nhân, tổ chức cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền vận động người thân, con em chấp hành nghiêm quy định về quản lý pháo. Người dân cần hỗ trợ lực lượng Công an phòng chống hiệu quả việc mua bán pháo nổ trái phép, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.