Vườn quốc gia Bù Gia Mập (VQGBGM) được Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định chính thức thành lập ngày 27-12-2002, được đánh giá là "kho báu" của miền Ðông Nam Bộ có diện tích 26 nghìn ha nằm trên địa bàn hai xã Bù Gia Mập và Ðác Ơ, huyện Phước Long (Bình Phước).
Với 628 loài, 102 họ, hệ thực vật VQGBGM có nguồn gốc giao lưu giữa các hệ thực vật Ấn Ðộ - Myanmar, gồm 35 loài đặc hữu, 15 loài quý hiếm, 296 loài cây gỗ, 222 loài cây thuốc. Hệ động vật VQGBGM có 43 bộ, 138 họ, 315 giống, 450 loài, 74 loài quý hiếm trong đó 57 loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới như hổ, tê tê, voi Ấn Ðộ, trâu, bò rừng, công, gà lôi, gà rừng, voọc đen, vượn ngũ sắc... có giá trị bảo tồn cao, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch. Do nguồn gien động, thực vật phong phú, đa dạng, độ che phủ lớn, VQGBGM có vị trí quan trọng, giữ vai trò phòng hộ của thượng nguồn sông Bé, sông Ðồng Nai, bảo đảm nguồn nước cho tỉnh Bình Phước, Bình Dương, đặc biệt đối với các nhà máy thủy điện Thác Mơ, Cần Ðơn, Sok Phu Miêng...
Giám đốc VQGBGM Nguyễn Ðại Phú khẳng định: "Bình Phước chỉ còn VQGBGM đáng gọi là rừng, đây là kho báu không chỉ của Bình Phước mà của cả nước". Chính vì là "kho báu" nên VQGBGM đang bị xâm hại nghiêm trọng. Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập, Nguyễn Văn Trinh cho biết: Bù Gia Mập và Ðăk Ơ là hai xã nghèo, số dân tới 12 nghìn người, người dân tộc thiểu số chiếm 80%, thêm hàng nghìn người di cư từ nơi khác tới, không nơi ăn ở. Riêng Bù Gia Mập mỗi ngày có tới hàng trăm người vào vườn quốc gia khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng để bán sống qua ngày, xã biết thế mà không làm sao giải quyết nổi.
Ông Nguyễn Ðại Phú kể: Ngày đầu tiên về nhận chức Giám đốc VQGBGM, ông đã phải đối mặt với bọn lâm tặc. Bọn chúng nấp hai bên bìa rừng ném đá vào xe ô-tô của ông. Ðêm đến chúng còn mò vào nơi để xe mở cốp lấy đồ đạc của ông và thực phẩm để lên đầu xe, đốt nhang "cúng sống" tân giám đốc. Anh Ðiểu Then, cán bộ kiểm lâm VQGBGM nói trong uất ức: Có lần anh cùng ba anh em trong tổ đi tuần tra phát hiện một nhóm lâm tặc đang vận chuyển 2,2 m3 gỗ nhóm một ở tiểu khu 28 ra suối Ðăk Mai. Trong lúc anh đang cùng đồng đội tìm cách khống chế bọn chở gỗ thì xe máy của anh để cách đó 100 m bị bọn chúng đập tan tành.
Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho hay: Xã Ðăk Ơ có tên lâm tặc Trần Thanh Huệ khét tiếng hung dữ. Vào cuối tháng 12-2003, ông Trinh được tin báo tại kho chứa giữ tang vật VQGBGM đang xảy ra vụ đánh lộn liền huy động công an, du kích đến giải quyết đã thấy tên Huệ chở 12 đàn em bằng xe 15 chỗ ngồi với gậy gộc, cây thép, đá xanh đập phá nhà kho. Nhân viên VQGBGM lúc đó chỉ có anh Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Tiến Cường đang cầm dao cố gắng chống cự. Khi thấy ông Trinh, tên Huệ tuyên bố: “Tao làm việc này để thông báo cho ông trưởng ban bảo vệ rừng biết Huệ này không sợ ai. Cũng báo cho chính quyền biết tao tính sổ dằn mặt bọn kiểm lâm VQGBGM đấy, Chủ tịch xã đến mà cứu...".
Thấy bọn chúng đông lại dữ tợn, ông Trinh không thể dùng biện pháp cứng rắn đành "dàn xếp" bằng cách mời cả hai bên về trụ sở công an xã làm việc. Tại đây tên Huệ hùng hổ viết một mạch vào tờ khai, vì kiểm lâm VQGBGM trong vụ bắt 4 m3 gỗ cục "xử sự" không đẹp với đàn em của hắn, nên hắn "ra tay" dằn mặt kiểm lâm để cơ quan chức năng biết. Viết xong Huệ ném tờ khai lên bàn công an rồi hô đàn em lên xe về thẳng Ðăk Ơ không cần nghe chính quyền, công an giải quyết phải trái... Ông Trinh đã báo cáo hành vi ngang ngược của tên Huệ lên UBND huyện, Công an huyện Phước Long, nhưng mãi không thấy đưa vụ việc ra xử lý.
Chuyện bọn lâm tặc gây gổ, đánh lén nhân viên kiểm lâm VQGBGM như anh Lê Cao Sắc bị đánh sưng vù hai mắt, anh Huỳnh Văn Phúc bị đánh tóe máu đầu ngay trước nhà văn hóa, chợ xã Bù Gia Mập có thể kể dài dài, vì lực lượng kiểm lâm giữ VQGBGM quá mỏng lại không được trang bị phương tiện bảo vệ nên khó bề chống chọi với bọn lâm tặc hung dữ.
Anh Nguyễn Hữu Cường, Phó hạt kiểm lâm VQGBGM cho biết: Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, VQGBGM thành lập ngày 27-12-2002, nhưng thực chất mới đi vào hoạt động từ tháng 6-2003 đến nay. Năm 2003 chỉ có 30 nhân viên, năm 2004 tăng lên 54 trong đó 43 nhân viên kiểm lâm. Quản lý và bảo vệ 26 nghìn ha rừng có độ che phủ 100%, giàu có về tài nguyên như thế mà không có một phương tiện gì. Cả cơ quan chỉ có một chiếc xe u-oát không hoạt động được, đặc biệt vườn quốc gia chưa có điện thoại, lực lượng kiểm lâm không có máy bộ đàm, thông tin liên lạc tê liệt thì sao có thể giữ được rừng.
Anh Cường nói thiết tha: Bọn tôi không ngại núi cao, rừng sâu, chỉ mong sao tỉnh nhanh chóng trang bị cho một vài xe hon đa để anh em đi lại truy bắt lâm tặc, nhất là điện thoại, máy bộ đàm để liên lạc với nhau khi cần hợp đồng chiến đấu.