Con đường ven sông ở ấp Trung Châu, xã Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới) khá vắng lặng người qua lại. Ông Trần Văn Dựng, sống bằng nghề nông ở ấp Trung Châu cho biết, mấy năm trước, bờ sông này nhiều nhà dân nhưng nay đã dọn đi hết do sạt lở. Nhà ông Dựng từng cách bờ sông Tiền hơn 500 m, nhưng nay chỉ còn hơn 140 m. Ông Dựng nói, đất ven sông hay xảy ra sạt lở, nhưng lúc trước chỉ sạt từng mảnh nhỏ xuống.
Từ khi tệ nạn hút cát lậu xuất hiện thì sạt lở xảy ra nhiều hơn, đất sụp từng mảng lớn. Do bức xúc, ông Dựng và nhiều hộ dân trong ấp cùng làm đơn cầu cứu gửi ngành chức năng và trong đơn nêu rõ: Về đêm, các ghe hút cát lậu chạy máy hút cát gây tiếng động lớn ảnh hưởng tới giờ giấc sinh hoạt của người dân; việc khai thác cát lậu làm lãng phí tài nguyên nhà nước và gây sạt lở làm người dân mất nhà, mất đất.
Ông Dựng cho biết, nhận được đơn của người dân, ngành chức năng cử cán bộ tới kiểm tra, nhưng khi đó, các tàu thuyền bơm hút cát lậu không hoạt động; rồi vài ngày sau lại đến hút cát lậu tiếp. Người dân trong khu vực bức xúc ngăn cản thì các đối tượng khai thác cát lậu hăm dọa đòi đánh.
Thực tế, khai thác cát lậu là nỗi ám ảnh của người dân ven sông Tiền, sông Hậu, bởi kèm theo đó là ẩn họa sạt lở bờ sông. Bà Nguyễn Thị Mai, ngụ xã Mỹ An, huyện Chợ Mới cho biết, lúc trước dọc sông Tiền nhiều ghe cát đến hút cát chui, cát lậu cho nên người dân thuê thuyền, đò ra ngăn chặn khai thác cát suýt dẫn đến va chạm. Còn ở các xã Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa và thị xã Tân Châu giáp bờ sông với tỉnh Ðồng Tháp, về đêm các đối tượng khai thác cát lậu nhưng khi ngành chức năng thị xã Tân Châu kiểm tra, các đối tượng nổ máy cho tàu thuyền chạy qua bờ tỉnh Ðồng Tháp. Gần đây, do bị lực lượng ngành chức năng kiểm tra, ngăn chặn quyết liệt, cho nên nạn khai thác cát lậu trên địa bàn giảm hẳn.
Trao đổi về vấn đề này, Ðại tá Ðinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra tình trạng các đối tượng sử dụng các dụng cụ, phương tiện thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên các tuyến sông Tiền, sông Hậu và tình hình diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng thường sử dụng những thủ đoạn như thường xuyên thay đổi quy luật, thời gian, địa bàn hoạt động; lợi dụng ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ của các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng và đêm tối, rạng sáng để khai thác cát, sỏi trái phép; thậm chí các đối tượng còn thuê người cảnh giới từ xa để tránh sự phát hiện, kiểm tra, bắt giữ của lực lượng chức năng. Hoặc, có tình trạng một số tổ chức được UBND tỉnh cấp phép hoạt động nạo vét thông luồng đường thủy, hoặc giấy phép khai thác khoáng sản, đã lợi dụng khai thác ngoài phạm vi, không đúng thiết kế, không đúng trữ lượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kê khai không đủ sản lượng cát, sỏi thực tế khai thác để trốn thuế, phí môi trường... Trước thực trạng nêu trên, Công an tỉnh đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 1495 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản (cát sông, cát núi). Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch số 1382 về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông của các mỏ và dự án nạo vét thông luồng.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở TN và MT tỉnh đã ký kết Kế hoạch số 91 về “Phối hợp đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, hình sự, kinh tế, ma túy trên đường thủy nội địa”, được thực hiện từ tháng 1 đến 12-2021 trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể, thành lập bốn tổ công tác, mỗi tổ chín người gồm cán bộ, chiến sĩ, công chức của ba đơn vị để nhanh chóng triển khai, thực hiện kế hoạch.
Trong hai tháng đầu năm triển khai và ra quân thực hiện Kế hoạch 91, các tổ công tác đã phối hợp thực hiện 136 ca tuần tra kiểm soát công khai, kết hợp vừa bảo đảm trật tự an toàn giao thông vừa đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường trên các tuyến đường thủy. Qua đó, đã kiểm tra phát hiện, lập biên bản 1.077 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, phát hiện 34 phương tiện vận chuyển cát sông (tổng số hơn 7.000 m3 cát) vi phạm về hoá đơn, chứng từ, hiện đã chuyển cho ngành thuế tiếp nhận để xác minh làm rõ, xử lý theo thẩm quyền; một trường hợp sử dụng các dụng cụ, phương tiện khai thác cát sông không có giấy phép đang được lực lượng chức năng điều tra xác minh làm rõ để xử lý theo quy định. Sau hơn hai tháng ra quân quyết liệt, qua nắm bắt tình hình, hầu hết các đối tượng khai thác cát sông không có giấy phép trên địa bàn gần đây đã có biểu hiện co cụm, không dám hoạt động.
Giám đốc Sở TN và MT tỉnh Nguyễn Việt Trí cho biết, hiện nay, qua rà soát lại trên địa bàn có năm phương tiện đã tháo dỡ máy bơm hút và chuyển đổi nghề; 32 phương tiện còn lắp máy bơm tự hành (chưa được đăng ký kiểm định), qua kiểm tra rà soát chưa phát hiện các phương tiện này có hoạt động. Trong năm 2020, Sở TN và MT đã phối hợp các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính 17 trường hợp khai thác cát sông không phép, với số tiền 406 triệu đồng; tịch thu bảy phương tiện khai thác cát; sáu trường hợp đang được lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử lý và sáu trường hợp vận chuyển cát sông không có hóa đơn nguồn gốc hợp pháp. Riêng, đầu năm 2021, qua kiểm tra, phát hiện một trường hợp vi phạm khai thác cát sông không phép ở huyện Chợ Mới đang được lập hồ sơ xử lý.
Việc Sở TN và MT tỉnh, Công an tỉnh và Cục Thuế tỉnh An Giang ký thực hiện Kế hoạch 91 và qua triển khai thực hiện trong ba tháng đầu năm đang cho thấy, bước đầu các vụ khai thác cát lậu, trái phép đã được kiểm soát, tình trạng vi phạm giảm đáng kể.