Ngăn chặn đua xe trái phép

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, tình trạng đua xe trái phép bùng phát trở lại tại nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn, vùng ven,… khiến dư luận xã hội hết sức lo ngại và bức xúc. Ðể quyết liệt chặn tệ nạn này, các cơ quan quản lý và lực lượng chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm, tránh tình trạng nhờn luật.

Một số đối tượng thanh thiếu niên đua xe trái phép trên cầu Cần Thơ dịp 30-4 vừa qua.
Một số đối tượng thanh thiếu niên đua xe trái phép trên cầu Cần Thơ dịp 30-4 vừa qua.

Diễn biến phức tạp

Thời gian gần đây, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, tình trạng đua xe và cổ vũ đua xe lại có xu hướng diễn biến phức tạp. Khoảng 21 giờ trở đi, nhiều tuyến đường chính ở quận Long Biên như Nguyễn Văn Cừ, Hồng Tiến, Lý Sơn,… đã xuất hiện hàng chục thanh thiếu niên tụ tập, điều khiển xe máy với tốc độ cao, bốc đầu hoặc lạng lách, quẹt chân chống xuống mặt đường tóe lửa,… khiến người đi đường khiếp sợ. Một chuyên gia của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đua xe trái phép rộ lên thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhất là trong thời gian này là thời điểm diễn ra các trận đấu bóng đá của Ðội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á; giải vô địch bóng đá châu Âu,… Một số nơi thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường, khiến đường sá vắng vẻ, thông thoáng, tạo điều kiện cho các đối tượng đua xe trái phép hoạt động mạnh. Các trường học hiện nay hầu hết đều nghỉ hè, nhiều gia đình quản lý con không chặt chẽ, các em đi chơi và rủ rê nhau đua xe trái phép.

Tệ nạn đua xe trái phép đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Bà Nguyễn Thị Bằng, trú tại phố Lâm Du (quận Long Biên) cho biết, mỗi buổi tối đi dạo, chỉ nghe tiếng xe máy nẹt pô, tiếng hò hét của các đối tượng thanh thiếu niên tóc xanh tóc đỏ từ xa bà đã thấy sợ hãi.

Bà Bằng kể cách đây mấy tuần, có một nhóm thanh thiếu niên tổ chức đua xe trái phép, lạng lách đánh võng ngay trên đường đê từ chân cầu Chương Dương đi về hướng Bát Tràng. Do đường đê nhỏ, quanh co, có hai đối tượng không làm chủ được tay lái đã lao thẳng xuống sườn đê và bị thương nặng, các đối tượng khác phải quay lại đưa đi cấp cứu.

“Không thể hiểu nổi con nhà ai, vẫn đang đi học mà thiếu suy nghĩ, làm những việc vi phạm pháp luật, bất chấp tính mạng bản thân và gây nguy hiểm cho người khác như vậy”, bà Bằng than thở.

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), các đối tượng đua xe chủ yếu là các học sinh cấp III, lợi dụng được nghỉ hè, nhất là đang trong dịp bóng đá để tụ tập đua xe, cổ vũ đua xe. Có một số đối tượng cầm đầu, lên mạng xã hội hẹn nhau địa điểm tập trung “đi bão”, lợi dụng lúc đường phố vắng người để phóng nhanh, bốc đầu, hò hét, kích động các đối tượng khác tạo thành đoàn đua. Các đối tượng kêu gọi tụ tập không theo quy luật nào, có thể tụ tập bất kỳ thời điểm nào, thậm chí nhiều nhóm kêu gọi hơn 100 xe đua trên những tuyến đường lớn gây náo loạn. Những xe đua trái phép hầu hết gắn biển số (BS) giả, che BS hoặc tháo BS khiến cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xác minh, xử lý.

Tại hội nghị sơ kết công tác phối hợp chống đua xe trái phép trên địa bàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn ra cuối tháng 4 vừa qua tại tỉnh Tiền Giang cho thấy tình trạng đua xe trái phép đang diễn ra hết sức nhức nhối, phương thức, thủ đoạn của các nhóm đua xe trái phép ngày càng tinh vi cho nên việc bắt giữ, xử lý gặp khó khăn.

Ðại diện Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Có lúc chúng tôi vây bắt các đối tượng đua xe trái phép trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Long Hồ còn bị “quái xế” tông vỡ đầu xe tuần tra. Khi cảnh sát giao thông đưa đối tượng đi cấp cứu còn bị đồng bọn quay clip vu vạ cảnh sát giao thông tông người rồi bỏ chạy”.

Cần tăng nặng chế tài xử phạt

Trên thực tế thời gian qua, những vụ đua xe mặc dù gây bức xúc trong dư luận xã hội, song chủ yếu chỉ bị xử lý hành chính. Việc xử lý hình sự gặp nhiều khó khăn vì để xác định hành vi đua xe trái phép, cơ quan chức năng phải làm rõ cuộc đua đó có trọng tài, thời điểm xuất phát, thời điểm kết thúc cuộc đua, trong khi để làm rõ những điểm này không hề đơn giản.

Mặt khác, do lực lượng chức năng các địa phương chưa có sự liên thông phối hợp với nhau, cho nên xảy ra tình trạng các đối tượng tổ chức đua xe khi bị xử lý lần thứ nhất ở tỉnh này lại chuyển qua địa phương khác để đua, nếu bị bắt và xử lý vẫn chỉ coi là vi phạm lần đầu, mà không phải tái phạm cho nên không xử lý hình sự được.

Rõ ràng, quy định pháp luật đã có kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, do đó, giữa các địa phương cần có sự phối hợp, liên thông để ngăn chặn hiệu quả các đối tượng nhờn luật, hoặc áp dụng những chế tài nghiêm khắc hơn, như: Tăng mức xử phạt, tước bằng lái, tịch thu xe, thậm chí xử lý hình sự nếu đối tượng tái phạm, gây tai nạn cho người khác,...

Một số vụ việc cần thiết có thể xử theo thủ tục rút gọn, được quy định trong Bộ luật Hình sự để xử lý nhanh người sai phạm, hoặc có thể xử điểm công khai nhằm răn đe, tuyên truyền ý thức pháp luật cho người khác.

Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2005, Công an TP Ðà Nẵng tiên phong thành lập Ðội tuần tra kiểm soát chống đua xe gồm 14 cán bộ, chiến sĩ, trực chiến suốt ngày đêm.

Chỉ sau hai tháng, đội đã xử lý 800 trường hợp đua xe trái phép, tạm giữ 700 xe máy. Các phương tiện không có giấy tờ hoặc chủ xe không nhận, bỏ xe đều bị tịch thu, bán đấu giá sung công quỹ. Ðây là biện pháp mạnh và đúng đắn của chính quyền TP Ðà Nẵng, do vậy, nạn đua xe trái phép sau đó đã giảm hẳn. Biện pháp này rất cần được các cơ quan chức năng của trung ương và các địa phương nghiên cứu, nhân rộng để thực hiện đồng bộ trên diện rộng.

Mới đây, Bộ Công an đã ban hành công điện chỉ đạo lực lượng Công an cả nước thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp để xử lý, chặn đứng tình trạng tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng,… gây mất an ninh trật tự và mất ATGT. Công an các địa phương cần quản lý chặt chẽ những đối tượng đã vi phạm và có dấu hiệu thường xuyên đua xe trái phép, những cơ sở chuyên độ, chế xe.

Cùng với đó, phối hợp các tổ chức, đoàn thể xã hội, nhà trường cùng gia đình có biện pháp quản lý, giáo dục con em mình, tuyên truyền để thanh thiếu niên hiểu rõ hành vi đua xe trái phép không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến tính mạng bản thân và những người chung quanh.

Ngăn chặn triệt để nạn đua xe trái phép cần sự đồng thuận cao từ xã hội, các cấp chính quyền đến gia đình; mạnh dạn tố giác, đấu tranh để lập lại bình yên cho xã hội.