Tượng đài ở khắp đất nước
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã có một “gia tài” tượng đài mà không phải ai cũng có được. Đó là 20 tượng đài, phủ điêu ở 18 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Lâu đời nhất là tượng đài Chiến thắng Xuân Trạch đặt tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, được xây dựng năm 1966. Điện Biên là nơi có nhiều tượng đài là tác phẩm của ông nhất: tượng đài và phù điêu Tưởng niệm Noong Nhai, phù điêu Điện Biên Phủ đặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Điện Biên và tượng đài Hò kéo pháo Điện Biên Phủ đặt tại xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên. Các tác phẩm của ông được đặt làm tượng đài rải từ bắc vào nam, kéo từ Lạng Sơn, Điện Biên đến tận Kiên Giang, Hậu Giang….
Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn. Ảnh: Lunet Art
Ngoài các tượng đài trải khắp cả nước, nhiều tác phẩm điêu khắc khác của ông cũng được nhiều bảo tàng từ bắc vào nam lưu giữ. Các tác phẩm của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quận sự, Bảo tàng Quân khu 5, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng…. Ông chia sẻ: “Tôi có bức “Mẹ Trường Sơn” hiện đang trong Bảo tàng Quân đội, bức “Siêu thoát” đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật, bức “Hội nghị Diên Hồng”, “Cõng bạn” đặt tại Bảo tàng Quân khu 5, “Học chữ Bác Hồ” đặt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh…”
Ký ức đến với nghề và làm nghề trong suốt cuộc đời gần 80 năm của ông luôn là những kỷ niệm về sự gian khó. “Tôi sinh ra trong khó khăn, khi đó cuộc sống còn nhiều vất vả lắm. Sau này theo nghề cũng vô cùng vất vả”. Ông kể lại, có rất nhiều tác phẩm là do ông sáng tác trong thời kỳ kháng chiến, ở trong rừng. “Hồi đó, thiếu thốn đủ thứ. Làm gì có thạch cao với đá để sáng tác. Chỉ có vào rừng, tìm được những khúc gỗ không bị nứt để làm tượng. Thế mà cũng có những bức hiện nay còn lưu lại trong các bảo tàng là sinh ra từ thời gian đó. “Học chữ Bác Hồ” hay “Cõng bạn” chẳng hạn”.
Nghệ sĩ Tạ Quang Bạo bên một tác phẩm của mình.
Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, ông đã có hàng trăm bức tượng từ nhiều chất liệu khác nhau, và tham gia nhiều Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc, Triển lãm Mỹ thuật về đề tài Lực lượng Vũ trang và Chiến tranh Cách mạng…
Với những đóng góp cho nghệ thuật nước nhà, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001 cho các tác phẩm: “Tình hữu nghị Việt - Lào” (buộc chỉ cổ tay) - cao 3m; Tượng đài “Nghĩa trang Buôn Mê Thuột” - cao 7m; Tượng đài “Chiến thắng Xuân Trạch” (Thu Đông 1947 - Vĩnh Phúc) - Bê tông - cao 16m - 1996; Tượng đài “Chiến thắng Nha Trang” - Tổng hợp - 1996.
Năm 2016, ông được Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật cho hai tác phẩm “Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn” ở Quảng Nam và “Tượng đài Chiến thắng sông Lô” ở Phú Thọ. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là nghệ sĩ tạo hình đầu tiên thuộc thế hệ nghệ sĩ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tặng danh hiệu cao quý này.
Triển lãm cá nhân đầu tiên trong đời
Một điều mà không phải ai cũng biết, là trong suốt 10 năm nay, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo chỉ sáng tác bằng duy nhất một cánh tay. Cơn đột quỵ tưởng chừng quật ngã ông cách đây 10 năm đã không thể ngăn cản khát vọng sáng tác của ông. Chữa chạy, tập luyện…, nhà điêu khắc đã dần vượt qua cơn bạo bệnh và trở lại với chiếc búa, chiếc đục. Nhiều tác phẩm ra đời và giành giải thưởng, điển hình là tác phẩm “Đảo Hoàng Sa - Chủ quyền hải phận Việt Nam” giành giải thưởng 5 năm (2010 - 2015) về Văn học - Nghệ thuật.
Một trong số các tác phẩm được sáng tác năm 2019 của nhà điêu khắc.
Ngày 25-12 tới, lần đầu tiên một triển lãm của riêng ông được tổ chức, với 70 tác phẩm là công trình sáng tạo trong cả cuộc đời ông, tại Lunet Art, khách sạn Pan Pacific, số 1 đường Thanh Niên, Hà Nội. Bà Lunetta Phan, Giám đốc nghệ thuật của Lunet Art cho biết, Lunet Art muốn tôn vinh nghệ sĩ Tạ Quang Bạo như một tượng đài của tượng đài, của nghệ thuật, một tượng đài vẫn còn sống và vẫn trong dòng chảy sáng tác miệt mài.
Trái với hình dung, tác giả của những tượng đài chiến thắng, anh hùng lại thể hiện một cách nhìn cuộc sống vô cùng lãng mạn, với hầu hết các tác phẩm được lựa chọn trưng bày là nói về người phụ nữ. Những người phụ nữ trong tượng của lão nghệ sĩ, không phải những mẫu hình chuẩn, thon thả, thướt tha, mà đều là những người phụ nữ khỏe mạnh, đậm đà, những đường nét tròn đầy căng, với tính nữ vô cùng mạnh mẽ. Ông chia sẻ: “Đó là cách nhìn của tôi về cái đẹp. Tôi yêu mến vẻ đẹp khỏe mạnh như vậy của người phụ nữ”.
Mẹ và con. ảnh: Lunet Art.
Chiếm khá nhiều trong số các bức tượng phụ nữ tại triển lãm của nghệ sĩ Tạ Quang Bạo, là những người mẹ cùng với con trẻ trong vòng tay. Có ai hình dung được, một nghệ sĩ già đã ở tuổi 80, mái tóc bạc trắng, dấu vết cơn đột quỵ 10 năm còn in hằn trên giọng nói, trên cánh tay, mà vẫn rưng rưng chia sẻ: “Tôi nhớ và thương mẹ tôi lắm. Mỗi khi nhớ mẹ, tôi lại sáng tác”. Đó chính là lý do tại sao các tác phẩm về tình mẹ con của ông chiếm phần nhiều…
Với nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, sáng tác là một dòng chảy, phải tìm đúng dòng chảy của mình để sáng tác. “Tôi quan niệm, làm nghệ thuật là một việc tự thân, phải có tính tự giác, lúc nào cũng phải đau đáu, chứ không phải chờ có đợt, có dịp mới sáng tác. Nếu có dịp mới sáng tác, thì chỉ là nghệ thuật quần chúng mà thôi”.