Nga và Ukraine nhất trí tiếp tục đàm phán

Kết thúc vòng đàm phán thứ hai, Nga và Ukraine thống nhất duy trì các hành lang nhân đạo và có thể đưa ra một lệnh ngừng bắn tạm thời trong quá trình sơ tán dân thường.

Vòng đàm phán vòng hai giữa Nga và Ukraine bắt đầu bằng những cái bắt tay. Ảnh: vesti.ru
Vòng đàm phán vòng hai giữa Nga và Ukraine bắt đầu bằng những cái bắt tay. Ảnh: vesti.ru

Theo Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc tế, thuộc Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky, hai bên có thể tiến hành thêm các cuộc đàm phán trong thời gian sớm nhất. Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cũng cho rằng, vòng đàm phán thứ ba giữa hai nước diễn ra càng sớm càng tốt.

Mở hành lang nhân đạo

Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky xác nhận đã có "tiến triển đáng kể" trong cuộc đàm phán mới nhất hôm 3/3 giữa Nga và Ukraine. Nga ủng hộ ý tưởng về một lệnh ngừng bắn và mở các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường sớm nhất có thể.

Trong khi đó, Cố vấn Tổng thống Ukraine lại cho rằng, vòng đàm phán vừa qua "chưa mang lại kết quả mong đợi", song hai bên thống nhất thiết lập các hành lang nhân đạo. Ông Podolyak nêu rõ, hai bên có thể đạt được một lệnh ngừng bắn tạm thời ở những nơi có hành lang nhân đạo. Hai bên cũng nhất trí vận chuyển thuốc men và thực phẩm đến những địa điểm đang có xung đột.

Bình luận về kết quả đạt được của vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định, Liên hợp quốc hoan nghênh mọi tiến triển nhằm bảo vệ dân thường và giảm xung đột. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hoan nghênh tiến bộ đạt được trong việc thiết lập hành lang nhân đạo.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về nguy cơ "dễ bị tổn thương" của người Ukraine phải đi lánh nạn. WHO cho biết, khoảng 1 triệu người đã rời Ukraine, phần lớn là những người có khả năng tài chính, được người thân hoặc bạn bè ở điểm đến giúp đỡ. Tuy nhiên, khi xung đột gia tăng, những người có ít nguồn lực hơn cũng buộc phải thực hiện sơ tán.

Hàng viện trợ của WHO đã được vận chuyển đến Ba Lan ngày 3/3 và sẽ được chuyển đến thành phố Lviv của Ukraine, sau đó đưa tới các khu vực xảy ra xung đột. Số hàng nêu trên gồm bộ dụng cụ trị thương cho 1.000 người, thuốc men cho 150.000 người...

Liên minh châu Âu (EU) nhất trí thực hiện quy chế bảo vệ tạm thời cho người Ukraine. Theo đó, người tị nạn đến từ Ukraine sẽ được cấp phép cư trú cũng như quyền đi làm và học tập trong năm đầu tiên, được gia hạn 6 tháng một lần với tổng thời gian 2 năm. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU đã lập một trung tâm tị nạn ở Romania, nước thành viên EU và có biên giới chung với Ukraine.

Mỹ cũng thông báo trao quy chế bảo vệ tạm thời cho người Ukraine. Theo thông báo của Bộ An ninh nội địa Mỹ, những người Ukraine đang ở Mỹ tiếp tục được ở lại trong 18 tháng tới. Trong khi đó, Chính phủ Brazil thông báo sẽ cấp thị thực và giấy phép cư trú tạm thời cho người Ukraine chịu ảnh hưởng xung đột.

Kêu gọi kiên trì đối thoại

Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định cần kiên trì đối thoại với Nga liên quan cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh, các nước phương Tây phải tìm cách đối thoại với Moskva và nỗ lực thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Ông Scholz cũng cho rằng cần ngăn chặn nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.

Một quan chức Lầu năm góc cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thiết lập một đường dây liên lạc trực tiếp với Bộ Quốc phòng Nga, nhằm tránh những tính toán sai lầm, các sự cố quân sự và leo thang căng thẳng trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ điện đàm với người đồng cấp Ukraine, thảo luận vấn đề hỗ trợ về an ninh, kinh tế và người tị nạn.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kêu gọi thực thi một lệnh ngừng bắn khẩn cấp tại Ukraine. Thủ tướng Boris Johnson nêu rõ, không thể tiếp diễn tình trạng xung đột tại Ukraine, việc chấm dứt bạo lực và tiến tới một lệnh ngừng bắn là hết sức cấp thiết.

Ngày 4/3, Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Ukraine thông báo đã dập tắt đám cháy gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở thành phố Energodar của Ukraine. Theo cơ quan này, không có thiệt hại về người trong vụ cháy. Trước đó, giới chức Ukraine thông báo, cơ sở đào tạo của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị cháy sau một hành động quân sự.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, các trang thiết bị thiết yếu tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vẫn an toàn và nhân viên nhà máy đang triển khai các biện pháp nhằm giảm thiệt hại. IAEA dẫn thông báo của giới chức Ukraine cho biết, không có sự thay đổi về mức độ phóng xạ sau vụ cháy. Trước đó, IAEA kêu gọi Nga và Ukraine không giao tranh gần khu vực này.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi chấm dứt giao tranh gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine về tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.