"Đề nghị của Mỹ về việc để Nga "hiện diện" tại các cơ sở thuộc hệ thống phòng thủ chống tên lửa mà Mỹ dự định triển khai tại Trung Âu là không thể chấp nhận được và không làm Nga hài lòng. Giữa Nga và các nước thuộc Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tồn tại bất đồng về một loạt vấn đề, trong đó có hệ thống lá chắn tên lửa và Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường tại châu Âu (CFE)"".
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov đã đưa ra tuyên bố trên vào thời điểm kết thúc phiên họp không chính thức của Hội đồng Nga- NATO ngày 25-10 tại thành phố Noordwijk (Hà Lan). Đề cập kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Ba Lan và CH Séc, ông Serdyukov khẳng định quan điểm của Nga về vấn đề này vẫn không thay đổi, mặc dù Mỹ bắt đầu hiểu hơn về mối lo ngại của Nga. Về số phận của CFE mà Nga tuyên bố có thể rút vào tháng 12 tới sau thời gian ngừng thi hành, ông Serdyukov nhấn mạnh quyết định của Nga là nhằm thúc đẩy các nước NATO sớm quyết định về vấn đề này.
Trong khi đó, hãng thông tấn Nga Ria-Novosti dẫn lời ông Serdyukov nói rằng các nước NATO cần phê chuẩn CFE trước khi thời hạn Nga tuyên bố ngừng thi hành hiệp ước này kết thúc vào tháng 12 năm nay.
Về phía Mỹ, ngày 25-10, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tuyên bố "Mỹ đã đi xa hết mức có thể" trong việc xoa dịu những lo ngại của Nga về hệ thống lá chắn tên lửa tại Đông Âu và hiện nay 'trái bóng nằm bên phần sân Moscow". Theo Bộ trưởng Gates, Mỹ đã đề nghị khá nhiều và giờ đây ông muốn thấy một số hành động của Nga".
Cùng ngày 25-10, trả lời phỏng vấn đài truyền hình Séc, Thủ tướng nước này Mirek Topolanek nói rằng không một binh lính Nga nào được phép có mặt tại căn cứ radar của Mỹ ở Séc. Các thanh tra Nga có thể giám sát việc xây dựng và hoạt động của căn cứ này nhưng sự hiện diện của họ mới chỉ được thảo luận và quyết định cuối cùng phải từ Quốc hội Séc hoặc thông qua trưng cầu dân ý.
Trong khi đó, tướng Ploman Polko, Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia Ba Lan ngày 25-10 nói rằng ông hy vọng các cuộc đàm phán với Nga sẽ giúp giải quyết tranh cãi chung quanh kế hoạch của Mỹ về lá chắn tên lửa Đông Âu, trong đó có việc triển khai 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan. Vấn đề lá chắn tên lửa đang được thảo luận và sẽ tiếp tục được thảo luận với Nga trong các cuộc đàm phán tới.
Mỹ khẳng định kế hoạch thiết lập lá chắn tên lửa tại Đông Âu là nhằm đề phòng các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Iran và CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, Nga không đồng ý với lý do này và cho rằng hệ thống này chủ yếu nhằm vào Nga và đe dọa an ninh của Nga.