Nga và Armenia thảo luận về tình hình ở Nagorno-Karabakh

NDO - Tại điện đàm, hai nhà lãnh đạo Nga và Armenia thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc thực hiện các thỏa thuận ba bên giữa Azerbaijan, Armenia và Nga, cũng như tình hình ở Nagorno-Karabakh.
0:00 / 0:00
0:00
Biên giới giữa Armenia và Azerbaijan. (Ảnh: TASS)
Biên giới giữa Armenia và Azerbaijan. (Ảnh: TASS)

Ngày 13/3, Điện Kremlin của Nga cho biết, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã gọi điện và thảo luận cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tại điện đàm, hai nhà lãnh đạo xem xét các khía cạnh thực tế của việc thực hiện toàn bộ thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo Nga, Armenia Azerbaijan giai đoạn 2020-2022, gồm các bước bảo đảm ổn định và an ninh biên giới Armenia-Azerbaijan, khôi phục quan hệ kinh tế và giao thông trong khu vực và chuẩn bị hiệp ước hòa bình giữa Yerevan và Baku.

Cũng theo Điện Kremlin, liên quan tình hình hiện tại chung quanh khu vực Nagorno-Karabakh, Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết tất cả các vấn đề đang nổi lên một cách xây dựng, với sự liên hệ và tương tác chặt chẽ của các bên với lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.

Trước đó, ngày 6/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong một bài bình luận cho biết, Moskva quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng leo thang ở Nagorno-Karabakh và kêu gọi các bên kiềm chế, trong bối cảnh nhiều vi phạm lệnh ngừng bắn được ghi nhận những ngày trước đó, khiến cả người Armenia và Azerbaijan thiệt mạng.

Bà Zakharova một lần nữa kêu gọi các bên quay lại đàm phán càng sớm càng tốt, trong khuôn khổ thực hiện các điều khoản trong tuyên bố ba bên của các nhà lãnh đạo Azerbaijan, Armenia và Nga ngày 9/11/2020, ngày 11/1 và ngày 26/11/2021, cũng như ngày 31/10/2022, gồm những vấn đề liên quan việc nối lại thông tin liên lạc trong khu vực, phân định biên giới Armenia-Azerbaijan và chuẩn bị cho một hiệp ước hòa bình.

Nagorny-Karabakh là khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía tây nam của Azerbaijan, song có phần lớn dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập Armenia.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại đây.