Cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh

Mặc dù chưa thể ký kết hiệp định hòa bình, nhưng sau nhiều năm tạm lắng dịu, Nagorno-Karabakh - vùng đất vốn thuộc Azerbaijan song có đông người Armenia sinh sống đòi tách ra độc lập và không được cộng đồng quốc tế công nhận, bỗng bùng phát chiến sự dữ dội, thậm chí có nguy cơ trở thành một cuộc chiến toàn diện mới tại khu vực. 

Binh sĩ Armenia nã pháo vào các mục tiêu của Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: FRANCE24
Binh sĩ Armenia nã pháo vào các mục tiêu của Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: FRANCE24

Leo thang các hành động quân sự

Ngày 27-9 vừa qua, tình trạng leo thang thù địch về quân sự đã diễn ra dọc đường ranh giới của Nagorno-Karabakh, khu vực tự trị có đa số người Armenia sinh sống, nằm trong Azerbaijan nhưng đã đơn phương tuyên bố độc lập và tách ra khỏi Azerbaijan năm 1991. Azerbaijan đã phát động chiến dịch mà họ mô tả là cuộc phản công, trong khi Cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh cáo buộc lực lượng Azerbaijan nổ súng vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự ở thủ phủ Stepanakert. Theo tờ Al Jazeera, ít nhất 59 binh sĩ đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ vừa qua và được đánh giá là ác liệt nhất kể từ “cuộc chiến bốn ngà” vào tháng 4-2016. Sự kiện trên làm dấy lên quan ngại về sự bất ổn tại khu vực Caucasus, một hành lang có nhiều ống dẫn dầu khí tới các thị trường trên thế giới.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan khẳng định đã mở cuộc phản công nhằm ngăn chặn các hoạt động quân sự của Armenia, bảo đảm an toàn cho người dân, xác nhận nhiều dân thường, binh sĩ đã chết và bị thương, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng. Trang mạng Armiya.az của Azerbaijan đưa tin, máy bay không người lái của Azerbaijan đã phá hủy các tổ hợp tên lửa S-300 của Armenia triển khai tại Nagorno-Karabakh. Tổng thống Azerbaijan A.Aliyev đã ban bố tình trạng thiết quân luật, lệnh giới nghiêm ở Thủ đô Baku và một số thành phố, khu vực khác gần Nagorno-Karabakh. 

Trong khi đó, Thủ tướng Armenia N.Pashinyan thông báo quân đội nước này đã bắn rơi hai máy bay lên thẳng của Azerbaijan, ba máy bay không người lái và phá hủy một số xe tăng; đồng thời cáo buộc hành động gây hấn bắt đầu đến từ Azerbaijan khi khởi xướng cuộc tiến công, ném bom vào khu vực nơi có phần lớn là người Armenia sinh sống. Theo Thủ tướng Pashinyan, Azerbaijan chủ đích phát động cuộc tiến công vào Nagorno-Karabakh. Chính phủ Armenia đã ban hành thiết quân luật và thông báo tổng động viên toàn quốc do tình hình chiến sự bùng phát nghiêm trọng ở khu vực Nagorno-Karabakh. 

Ngày 28-9, Bộ quốc phòng Armenia tuyên bố đang tiến hành xác minh thông tin về các tay súng tới từ Syria, được cho là đang chiến đấu cho Azerbaijan, cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã âm thầm tuyển chọn và triển khai 4.000 chiến binh từ Syria đến Azerbaijan, chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển từ phong tỏa Armenia trên đất liền sang can dự trực tiếp vào những hành động thù địch bằng cách điều các chuyên gia sang tham chiến cùng Azerbaijan. Trang Quan sát quân sự của Nga mới đây tiết lộ, từ đầu tháng 8 vừa qua, lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập các lữ đoàn vũ trang do Ankara kiểm soát ở Syria để đưa tới Azerbaijan. Các chiến binh thánh chiến được đưa đến Azerbaijan trên những chiếc máy bay vận tải quân sự dưới vỏ bọc quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ đến tham gia tập trận.

Trước tình hình trên, các nước LHQ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ, Nga đã lên tiếng kêu gọi Armenia, Azerbaijan ngừng bắn, trở lại đàm phán ngay lập tức. Tổng Thư ký LHQ A.Guterres kêu gọi các bên chấm dứt giao tranh, giảm căng thẳng và trở lại bàn đàm phán. Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ quyết định tổ chức cuộc thảo luận khẩn cấp theo hình thức họp kín ngày 29-9 để bàn về vấn đề này. Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg hối thúc các bên ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tìm cách chấm dứt bạo lực giữa Armenia và Azerbaijan, cho biết đã liên lạc với lãnh đạo hai nước để tìm giải pháp. Về phần mình, Tổng thống Nga V.Putin đã điện đàm với Thủ tướng Armenia, bày tỏ quan ngại về các hành động quân sự quy mô lớn ở Nagorno-Karabakh, nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là các bên phải thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để ngăn chặn đối đầu leo thang hơn nữa. 

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, các quan chức cấp cao nước này tuyên bố ủng hộ hoàn toàn Azerbaijan, coi các cuộc tiến công của Armenia là vi phạm luật pháp quốc tế và là tội ác chống lại loài người. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan A.Aliyev, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ sự thất vọng với Nhóm Minsk do Nga, Pháp, Mỹ chủ trì và làm trung gian hòa giải giữa Armenia với Azerbaijan nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc xung đột này suốt 30 năm qua. 

Cuộc đối đầu dai dẳng

Nagorno-Karabakh là một vùng rừng núi nằm bên trong lãnh thổ của Azerbaijan, vốn thuộc Liên Xô (trước đây) và được thừa nhận theo luật pháp quốc tế là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, nhóm sắc tộc Armenia chiếm phần lớn ở vùng này với dân số 150.000 người, đã bác bỏ các quy tắc của người Azerbaijan. Lâu nay, nhóm sắc tộc này điều hành các vấn đề riêng với sự ủng hộ từ Armenia.

Theo các chuyên gia của Viện Carnegie (Mỹ), cuộc xung đột giữa hai quốc gia xuất phát từ một số nguyên nhân khác nhau. Trước hết, đây là hệ quả phân chia lãnh thổ không rõ ràng giữa các nước trong không gian hậu Xô Viết sau khi Liên Xô tan rã. Vào năm 1988, cơ quan lập pháp Nagorno-Karabakh bỏ phiếu về việc sáp nhập Armenia, khiến chính quyền Azerbaijan và Nga cực lực phản đối. Từ đó, phong trào ly khai tại Nagorno-Karabakh ngày càng lớn dần, cuốn Armenia và Azerbaijan vào cuộc chiến quy mô lớn khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải sơ tán.

Dù đạt thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994 dưới sự hòa giải của các nước Nga, Mỹ và Pháp, song tiến trình hòa đàm vẫn bế tắc và các vụ đụng độ thường xuyên xảy ra tại Nagorno-Karabakh và dọc biên giới hai nước. Đáng chú ý, tháng 4-2016, hai bên xung đột ác liệt tại Nagorno-Karabakh khiến khoảng 110 người thiệt mạng và là đụng độ khốc liệt nhất sau thỏa thuận ngừng bắn. Hơn 20 năm qua, Azerbaijan vẫn không từ bỏ yêu sách lãnh thổ khu vực này, vẫn luôn coi Nagorno-Karabakh là lãnh thổ của mình.

Sự bế tắc trong các cuộc đàm phán về tình trạng của Nagorno-Karabakh cũng là một trong những nguyên nhân khiến xung đột trở nên dai dẳng. Trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2 vừa qua tại Đức đã diễn ra cuộc thảo luận công khai giữa lãnh đạo cấp cao Azerbaijan và Armenia, nhưng không đạt được bất kỳ bước tiến nào trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên. Thủ tướng Armenia N.Pashinyan chỉ trích lãnh đạo Azerbaijan chưa sẵn sàng cho cuộc đối thoại trực tiếp về vấn đề Nagorno-Karabakh. Đáp lại, Tổng thống Azerbaijan I.Aliyev yêu cầu Armenia ngừng tài trợ và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ nước này. Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, hai nước đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp các cấp nhưng không giải quyết được vấn đề tranh chấp, khiến xung đột thường xuyên xảy ra. Tháng 7 vừa qua đã xảy ra các cuộc đụng độ tại khu vực biên giới tỉnh Tovuz của Azerbaijan và Tavush của Armenia. Cuộc giao tranh bằng pháo, xe tăng, súng cối và máy bay không người lái giữa lực lượng vũ trang hai nước, khiến 16 người thiệt mạng.

Tổng thống Armenia tuyên bố sẽ công nhận sự độc lập cho Nagorno-Karabakh trong trường hợp xung đột tiếp tục leo thang, trong khi Azerbaijan đã đưa ra kịch bản về một cuộc chiến tổng lực để đáp trả mọi khiêu khích.