Theo các nhà ngoại giao, ngoài Nga và Trung Quốc, 13 nước thành viên còn lại trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết này.
Cụ thể, Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya đã đưa ra yêu cầu của Moscow chỉ gia hạn sáu tháng hoạt động này và chỉ sử dụng một trong hai cửa khẩu biên giới, thay vì hai trạm như đề nghị của Đức và Bỉ.
Quan điểm của Nga cho rằng, cần phải giảm dần cơ chế hỗ trợ xuyên biên giới cho Syria và đề nghị áp dụng nghị quyết quy định mở rộng nguồn cung thông qua một trạm kiểm soát ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Vasily Nebenzya khẳng định rằng: “Đã đến lúc loại bỏ cơ chế này để thay thế bằng những nguồn cung cấp nhân đạo, được thực hiện theo các nguyên tắc nêu trong nghị quyết 46/182 của HĐBA LHQ. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức được sự cần thiết phải đáp ứng nhu cầu nhân đạo của tất cả người dân Syria”.
Nhà ngoại giao Nga cũng lưu ý thêm, trong sáu năm qua, tình hình ở Syria đã thay đổi căn bản, đặc biệt là “vùng lãnh thổ nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Syria đã giảm đáng kể”. “Chúng tôi kêu gọi các đối tác trong Hội đồng Bảo an và các quốc gia thành viên khác của Liên hợp quốc không chính trị hóa hồ sơ nhân đạo, thay vào đó hãy ủng hộ dự thảo nghị quyết của chúng tôi, tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho người dân tỉnh Idlib” - ông Vasily Nebenzya cho biết.
Đại sứ Đức tại LHQ, ông Christoph Heugen, hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 7, đã xác nhận nghị quyết không được thông qua.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu tại HĐBA LHQ, Nga đã công bố một dự thảo nghị quyết riêng, nhấn mạnh đến việc cần phải cải thiện hoạt động phân phát hàng cứu trợ có sự kiểm soát của Chính phủ Syria và chỉ giới hạn duy nhất một cửa khẩu mà hàng cứu trợ đi qua để vào Syria. Dự kiến, kết quả cuộc bỏ phiếu nghị quyết của Nga sẽ được công bố trong ngày 8-7.
Cuộc bỏ phiếu ngày 7-7 là lần thứ 15 Nga sử dụng quyền phủ quyết các nghị quyết của HĐBA LHQ về Syria, kể từ khi xung đột bùng nổ tại quốc gia Trung Đông này vào năm 2011. Nga và Trung Quốc luôn cho rằng, việc LHQ triển khai các phái bộ cứu trợ tới Syria là sự vi phạm chủ quyền của nước này, đồng thời cho rằng, Chính phủ Syria có thể đảm trách công tác phân phối hàng cứu trợ. Trong khi đó, các nước phương Tây bác bỏ điều này, nhấn mạnh hoạt động viện trợ xuyên biên giới là một lựa chọn tin cậy duy nhất và dòng hàng viện trợ nhân đạo sẽ đối mặt với nhiều cản trở nếu Damascus kiểm soát.
Cuộc nội chiến kéo dài chín năm qua tại Syria đã khiến hơn 380 nghìn người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đẩy quốc gia này rơi vào khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Báo cáo mới nhất của LHQ cho thấy, hiện có 11 triệu người Syria cần cứu trợ nhân đạo.