Nga sẽ khó khăn nếu không có nguồn thu từ dầu mỏ

NDO -

Moscow đang được thuyết phục cần tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ hơn nữa, bởi lúc này chưa có triển vọng phục hồi nhu cầu toàn cầu về nguồn “vàng đen”. 

Giá dầu giảm là khó khăn lớn của Nga. (Ảnh: Pixabay.com)
Giá dầu giảm là khó khăn lớn của Nga. (Ảnh: Pixabay.com)

Tình hình giá dầu trồi sụt vài ngày qua cho thấy, có thể thấy Kế hoạch tài chính năm 2021 mà Chính phủ Nga soạn thảo đang đứng trước nguy cơ trở thành một tài liệu phi thực tế. Các tính toán ngân sách của Chính phủ nước này phần lớn đều dựa vào hy vọng tăng sản lượng và xuất khẩu dầu mỏ vào năm 2021, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu phục hồi nhanh chóng. Nhưng những hy vọng này dường như chỉ là hy vọng.

Tình hình thực tế những ngày qua rõ ràng không “chiều lòng” Nga, quốc gia mà dầu mỏ chiếm tới phân nửa nguồn thu ngân sách. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lúc này thậm chí còn không nhắc tới việc nới lỏng các hạn chế đối với sản lượng dầu kể từ đầu năm 2021 tới. Saudi Arabia đang hướng tới việc cắt giảm sản lượng bổ sung vào năm 2021 và Moscow chỉ có thể có một lựa chọn duy nhất này.

Theo số liệu mới nhất, thu nhập ngoại hối của Nga năm 2020 thấp hơn khoảng 40% so năm trước. Chính phủ Nga gần đây đặc biệt hy vọng tình hình sẽ được cải thiện trong năm tới, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhanh chóng. Báo cáo từ các cấp cơ sở của Nga đều dự báo rằng, viễn cảnh 2021 sẽ bớt u ám hơn, với các khả năng giá dầu tăng, cho phép gia tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt, cũng như khả năng gia tăng xuất khẩu của Nga. 

Tuần trước, thế giới đã chứng kiến ​​giá dầu giảm mạnh và chỉ dừng lại do các nhà xuất khẩu chính sẵn sàng cắt giảm thêm nguồn cung dầu trên thị trường thế giới.

Giá dầu đã chuyển từ giảm sang tăng do kỳ vọng rằng các nước OPEC và các đối tác (còn gọi là OPEC+) sẽ gia hạn các hạn chế sản xuất hiện tại và thậm chí có thể quyết định cắt giảm hơn nữa sản lượng dầu. Theo Dow Jones, Saudi Arabia và các nước OPEC khác đang xem xét không chỉ gia hạn các hạn chế hiện tại đối với sản xuất dầu mà còn cắt giảm sản lượng do lo ngại nhu cầu giảm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 2, buộc nhiều quốc gia châu Âu phải tái áp đặt các biện pháp kiểm dịch.

Tờ The Wall Street Journal cũng xác nhận Saudi Arabia và các nước OPEC khác đang thảo luận về khả năng giảm mạnh sản lượng khai thác dầu, trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona gia tăng và việc áp dụng các hạn chế mới ở châu Âu.

Nếu như trước đây, Nga đã nhất trí huỷ bỏ kế hoạch tăng tổng sản lượng dầu lên 1,9 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2021, thì giờ đây nước này không những không thể tăng sản lượng, mà có thể còn buộc lòng phải tiếp tục cắt giảm sâu hơn nữa mức khai thác hiện tại.

Bộ trưởng Năng lượng Algeria Abdelmajid Attar hôm 3-11 nói rằng, ông không loại trừ nguyên nhân giá dầu giảm mạnh do đợt bùng phát thứ hai của đại dịch. Theo ông: "Tại cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng OPEC+ (JMMC), dự kiến ngày 17-11, cần đưa ra các quyết định có thể kích thích thị trường và ngăn đà giá dầu giảm xuống dưới 40 USD/thùng”.

Tờ báo Độc lập Nga ngày 4-11 nhận định, cho dù Nga có nhìn nhận nước này đang phải đối mặt làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19 hay không, thì lúc này rất có thể Moscow sẽ phải thay đổi các dự báo kinh tế cho giai đoạn 2021-2022.

Tờ báo này dẫn lời ông Patrick Kirby, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng: “Nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi. Nhưng quá trình này sẽ rất chậm”. Theo chuyên gia này, tình hình hiện nay ở nhiều nước dù đạt được kết quả khả quan trong quý 3, nhưng nhìn tổng thể, đánh giá dựa trên nhiều khía cạnh, có thể so sánh những thiệt hại của nền kinh tế toàn cầu do virus SARS-CoV-2 gây ra, cũng không khả dĩ hơn là mấy so hậu quả “nặng nề” của cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008-2009.