Nga phát triển vùng Viễn Ðông qua Chiến lược hướng Đông

Diễn đàn Kinh tế phương Ðông (EEF) 2021 vừa khép lại sau ba ngày diễn ra sôi nổi, với sự tham dự của các đại diện đến từ khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với chương trình nghị sự dày đặc của hơn 70 sự kiện, hội nghị bàn tròn và đối thoại kinh doanh, EEF 2021 đã gặt hái kết quả thành công, thể hiện quyết tâm của Nga đưa vùng Viễn Ðông trở thành cửa ngõ vào châu Á thông qua Chiến lược hướng Ðông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của EEF 2021 diễn ra tại thành phố Vladivostosk.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của EEF 2021 diễn ra tại thành phố Vladivostosk.

Với đất đai rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản trù phú, đồng thời nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhiều quốc gia phát triển, vùng Viễn Ðông hiện được coi là “địa chỉ đỏ”, đóng vai trò đòn bẩy để Nga tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của chính khu vực này, đồng thời tạo đà cho chiến lược xoay trục sang phương Ðông của Moskva. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, thế kỷ 21 là thế kỷ phát triển vùng Viễn Ðông và lâu dài là toàn bộ Siberia, trở thành một trục quan trọng của nước Nga về hoạt động kinh tế, hợp tác quốc tế, thu hút nguồn nhân lực và đầu tư.

Tại EEF 2021 với chủ đề “Cơ hội cho Viễn Ðông trong thế giới đang chuyển đổi”, Tổng thống Nga một lần nữa khẳng định, ưu tiên lâu dài của Moskva là phát triển mạnh vùng Viễn Ðông. Ông Putin tuyên bố, từ năm 2022 sẽ bắt đầu các chuyến vận tải container chặng Vladivostok - St. Petersburg sử dụng tuyến đường Biển Bắc (NSR) đi qua Bắc Băng Dương, nhằm phát triển Viễn Ðông như một huyết mạch giao thông vận tải. Nếu tính tới tình trạng giá cước vận tải container trên thế giới tăng gấp 10 lần do những căng thẳng, tắc nghẽn trong hệ thống vận tải, trung chuyển container toàn cầu, thì rõ ràng tuyến NSR đi qua Bắc Băng Dương của Nga là dự án rất đáng quan tâm.

Tại EEF 2021, Nga đã nêu kế hoạch xây dựng Hành lang hậu cần không người lái kết nối châu Á và châu Âu, nhằm mục tiêu nâng lưu lượng vận tải hàng hóa giữa châu Á và châu Âu đến năm 2030 lên gấp 10 lần. Dự án này, khi đưa vào vận hành, sẽ rút ngắn 25% thời gian giao hàng, giảm 15% giá cước vận tải, giúp Nga mỗi năm tiết kiệm tới 300 tỷ ruble (khoảng 4,1 tỷ USD).

Tổng thống Putin đã công bố hàng loạt biện pháp miễn giảm thuế “chưa từng có” cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực Viễn Ðông, đồng thời chỉ đạo soạn thảo kế hoạch phát triển các thành phố trực thuộc Viễn Ðông quy mô lớn trong hai năm tới. Theo đó, Nga sẽ xây dựng một thành phố vệ tinh của Vladivostok với tên gọi Sputnik, gồm 300.000 dân tiến tới thu hút một triệu người đến sinh sống và làm việc. Với kế hoạch đầy tham vọng này, Nga hy vọng sẽ đưa Viễn Ðông trở thành một vùng phát triển trẻ trung và năng động.