Nga-Mỹ xác nhận thời điểm điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo

NDO -

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo cuộc điện đàm dự kiến diễn ra vào “tối 30/12”, song không cho biết thông tin chi tiết.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Ru.usembassy.gov)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Ru.usembassy.gov)

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Emily Horne xác nhận Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ điện đàm trong ngày 30/12.

Theo Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm này, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận một loạt vấn đề, trong đó có các cuộc đàm phán an ninh dự kiến diễn ra vào ngày 10/1 tới tại Geneva (Thụy Sĩ), cũng như cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO (NRC) và cuộc họp tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo cuộc điện đàm dự kiến diễn ra vào “tối 30/12”, song không cho biết thông tin chi tiết.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, giới phân tích cho rằng tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng có thể thảo luận về tình hình Ukraine, các cuộc đàm phán với Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử, ký kết năm 2015 giữa Iran với các cường quốc, được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Một quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận vấn đề hạt nhân Iran trong cuộc hội đàm trực tuyến vài tuần trước.

Trong khi đó, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), ông Mikhail Ulyanov, cho biết phái đoàn Nga và Mỹ đang phối hợp nhằm cứu vãn JCPOA. Theo ông, tham vấn và phối hợp chặt chẽ giữa phái đoàn Nga và Mỹ đóng vai trò quan trọng hướng tới việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga có thể tấn công quân sư Ukraine vào đầu tháng 1/2022 khi triển khai hàng chục nghìn binh sĩ đến gần biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, Moskva bác bỏ cáo buộc này.

Trong phát biểu ngày 21/12, Tổng thống Putin khẳng định việc Washington hỗ trợ quân sự cho Ukraine là không thể chấp nhận được và sẽ buộc phải phản ứng cứng rắn nếu phương Tây không từ bỏ “thái độ gây hấn” của mình.

Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng Moskva muốn các bảo đảm an ninh mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó một số loại vũ khí tấn công sẽ không được phép triển khai tại các nước láng giềng với Nga và NATO phải ngừng mở rộng sang phía Đông.

Trong phản ứng của mình, NATO cũng bày tỏ mong muốn tiến hành các cuộc thảo luận hữu ích với Moskva vào đầu năm tới để giải quyết các căng thẳng hiện nay.