Theo cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch, trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tăng cao, thu ngân sách của Nga từ dầu khí năm nay có thể đạt gần 125 tỷ USD, nhiều hơn 50 tỷ USD so mức của năm 2020. Dự trữ quốc tế của Nga đạt mức kỷ lục hơn 618 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều này cũng có mặt trái. Lạm phát hằng năm ở Nga đã tăng lên mức 7,5%, cao hơn nhiều so mức mục tiêu là 4%. Theo các chuyên gia, mối lo chính không phải lạm phát ở Nga tăng, mà nó có thể duy trì ở mức cao 7% - 8% trong thời gian dài. Các nhà phân tích dự đoán mức lạm phát 7% - 8% vào cuối năm nay, trong khi tháng 7 vừa qua, Ngân hàng trung ương Nga dự báo không quá 6,2%.
Không chỉ với Nga, lạm phát đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại Mỹ, châu Âu và hầu hết các thị trường mới nổi, lạm phát hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Tại Trung Quốc, lạm phát trong lĩnh vực sản xuất đang cao kỷ lục kể từ năm 1996.
Việc các nước liên tục “bơm tiền” vào nền kinh tế cũng khiến lạm phát tăng tốc. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, chuỗi sản xuất và cung ứng bị gián đoạn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Đến nay, nhiều dây chuyền vẫn chưa được khôi phục. Việc thiếu hụt nguồn lao động cũng khiến các công ty buộc phải tăng lương.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bày tỏ lo ngại về giá thực phẩm, thuốc và phương tiện đi lại đã tăng vọt trên khắp thế giới, đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Chỉ số giá thực phẩm và đồ uống của IMF đã tăng 11,1% từ tháng 2 đến tháng 8; giá thịt và cà-phê lần lượt tăng 30% và 29%.
Giá năng lượng thế giới tăng mạnh thời gian qua khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. Nga hưởng lợi từ giá nguyên liệu thô tăng cao, song nước này cũng lo ngại những hệ lụy sắp tới đối với nền kinh tế. Giá dầu, khí đốt và than đá ở châu Âu và Trung Quốc tăng sẽ làm tăng giá hàng hóa trong vài tháng tới. Do đó, hàng hóa nhập khẩu Nga tăng giá, kéo theo lạm phát tăng.
Bà Olga Belenkaya, người đứng đầu mảng phân tích kinh tế vĩ mô tại công ty “Finam” nhận định, giá nguyên liệu thô cao khiến đồng rúp tăng giá, có lợi cho Nga. Song, là nước nhập khẩu nhiều loại thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thành phẩm công nghiệp và linh kiện, Nga sẽ đối mặt “lạm phát nhập khẩu”.
IMF hy vọng lạm phát sẽ trở lại mức trước đại dịch vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, nếu gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đại dịch kéo dài, lạm phát sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị hành động mau chóng, nếu rủi ro lạm phát leo thang.
Chuyên gia Olga Belenkaya nhận định, lạm phát cao không giảm vào giữa năm 2022 có thể buộc các ngân hàng trung ương ngừng coi lạm phát là tạm thời và bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn và nhanh hơn so kỳ vọng của thị trường. Điều này có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như làm giảm nhu cầu và giá nguyên liệu thô, kéo theo sự hỗn loạn trên thị trường tài chính.
Cũng theo bà Belenkaya, đối với Nga, điều này khiến nhu cầu xuất khẩu nguyên liệu thô giảm, điều kiện ngoại thương xấu đi, ảnh hưởng tiêu cực tỷ giá hối đoái của đồng tiền quốc gia. Tuy nhiên, theo chuyên gia, mức độ ổn định kinh tế vĩ mô ở Nga cao hơn nhiều so hầu hết các nước đang phát triển.