Ông Dmitriev khẳng định sau quá trình nói trên, Nga không ghi nhận thêm bất kỳ tác dụng phụ mới nào do thuốc gây ra, đồng thời cho biết quy trình sản xuất vaccine của Nga hiện đã đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
Ông Dmitriev cũng đặc biệt nhấn mạnh kết quả khả quan đã được ghi nhận trong quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine trên diện rộng thời gian qua. Ông nói: “Không ghi nhận thêm bất kỳ phản ứng phụ mới nào khi thử nghiệm lâm sàng diện rộng. Vaccine Sputnik đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch tại Nga, cũng như tại rất nhiều quốc gia khác”.
Người đứng đầu RDIF Dmitriev cũng cho biết các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đã và đang tiến hành thử nghiệm tính an toàn của Sputnik V. Trải qua vô vàn nghiên cứu, ghi chép, vaccine Nga đã được công nhận về tính an toàn và hiệu quả khi có hàng triệu người sử dụng tại Nga và thế giới. Đề cập vấn đề cung - cầu vaccine tại thị trường Nga, ông Dmitriev cho biết hiện Nga đã đạt chỉ tiêu sản xuất 30 triệu liều vaccine trong vòng một tháng, và hy vọng có thể nâng chỉ số này lên 45 triệu liều mỗi tháng kể từ tháng 10 tới.
Ông Dmitriev cũng xác nhận việc sản xuất vaccine quy mô lớn đã được triển khai tại Ấn Độ. Đồng thời, từ ngày 5/7 tại các nước như: Mexico, Serbia, Argentina, Belarus… cũng thông báo bắt đầu triển khai điều chế vaccine hàng loạt.
Ông Dmitriev đặc biệt nhấn mạnh: “Với sự giúp đỡ của các nhà khoa học và nhân lực toàn thế giới, vaccine Sputnik V sẽ được cung cấp đầy đủ cho thị trường tất cả các quốc gia đã và đang tham gia công cuộc nghiên cứu vaccine của Nga”. Tuy nhiên, ông Dmitriev cũng lưu ý tác dụng của vaccine Sputnik V hiện vẫn chỉ được áp dụng và được chứng nhận an toàn với đối tượng trên 18 tuổi.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/7, Bệnh viện Nhi ở thủ đô Moskva mang tên Bashlyaeva đã tiến hành thử nghiệm vaccine đầu tiên trên trẻ vị thành niên. Viện trưởng Ismail Osmanov cho biết, trong ngày này, bệnh viện đã tiến hành tiêm liều thứ nhất cho 11 tình nguyện viên trẻ em. Bệnh viện dự kiến sẽ tiêm vaccine Sputnik V cho tổng cộng 50 em trong đợt thử nghiệm này.
Hãng tin TASS hồi cuối tháng 6 vừa qua dẫn lời Giám đốc Trung tâm Gamaleya của Nga Alexander Gintsburg cho biết, kế hoạch triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng Sputnik V trên trẻ em. Cụ thể, bắt đầu trong tháng 7, khoảng 350 thanh thiếu niên Nga, độ tuổi từ 12 đến 17 sẽ tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Sputnik V và nồng độ nhất định của thuốc sẽ được lựa chọn cho từng lứa tuổi.
Ông Gintsburg khẳng định: “Không có tính năng đặc biệt nào của nghiên cứu trên trẻ em lần này. Cuộc thử nghiệm trên trẻ em chỉ là sự lặp lại các nghiên cứu lâm sàng ở người lớn, ngoại trừ việc sẽ có các nồng độ Sputnik V khác nhau cho từng độ tuổi. Chúng tôi sẽ theo dõi cách hoạt động của vaccine và điều chỉnh pha loãng lượng vaccine vừa đủ trong quá trình thử nghiệm”.
Tính đến nay, Vaccine Sputnik V của Nga đã được đăng ký tại các quốc gia có tổng dân số hơn 3 tỷ người. Hiệu quả của vaccine là 97,6% dựa trên phân tích dữ liệu về tình trạng dương tính với virus SARS-CoV-2 ở những người Nga đã được tiêm chủng hai mũi trong giai đoạn từ ngày 5/12/2020 đến 31/3/2021.