Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran nhất trí vai trò của định dạng Astana ở Syria

Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có cùng quan điểm với Nga và đều nhất trí rằng định dạng Astana có thể đóng vai trò hữu ích trong giai đoạn hiện tại ở Syria.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tại thủ đô Damascus, Syria ngày 8/12/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân tại thủ đô Damascus, Syria ngày 8/12/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 26/12 thông báo nước này cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã nhất trí rằng định dạng Astana có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển tiếp hiện nay ở Syria.

Tiến trình đàm phán Astana, còn được gọi là định dạng Astana, được khởi động vào năm 2017, với 21 cuộc họp được tổ chức cho đến nay.

Định dạng Astana bao gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là các quốc gia bảo lãnh trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, cùng với đại diện của chính phủ và phe đối lập Syria, Liên hợp quốc và 3 nước giữ vai trò quan sát viên gồm Jordan, Liban, Iraq.

Tại cuộc họp báo ở Moskva, ông Lavrov nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có cùng quan điểm với Nga và đều nhất trí rằng định dạng Astana có thể đóng vai trò hữu ích trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt với sự tham gia lâu nay của các nước Arab với vai trò quan sát viên.

Ngoài ra, ông Lavrov cho biết Nga hiểu mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề an ninh biên giới với Syria, đồng thời nhấn mạnh những vấn đề này phải được giải quyết, song phải đảm bảo duy trì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất của Syria.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nguyên tắc này.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran nhất trí vai trò của định dạng Astana ở Syria ảnh 1

Người dân Syria tại Thủ đô Damascus ngày 8/12. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Syria bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực sau khi lực lượng đối lập tuyên bố nắm quyền kiểm soát quốc gia Trung Đông này, sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Hôm 10/12, phe đối lập chỉ định ông Mohammed al-Bashir làm Thủ tướng lâm thời tới ngày 1/3/2025.

Cộng đồng quốc tế đang thúc đẩy nỗ lực thiết lập liên hệ với các nhân vật chủ chốt trong chính phủ lâm thời ở Syria nhằm hỗ trợ quốc gia Trung Đông này thực hiện quá trình chuyển tiếp để sớm ổn định trở lại.

Tại cuộc họp bất thường diễn ra ở Kuwait ngày 26/12 để thảo luận về những diễn biến gần đây tại Syria và Liban, Ngoại trưởng các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Syria trong khi chính quyền mới ở Damascus đang tìm cách khẳng định quyền lực của mình.

Trong một tuyên bố sau cuộc họp, Ngoại trưởng các nước GCC nhấn mạnh: "Để hỗ trợ về kinh tế cho Syria, Hội đồng Bộ trưởng GCC yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria và kêu gọi tất cả các đối tác, các quốc gia và tổ chức liên quan cung cấp tất cả các phương tiện hỗ trợ cho người dân Syria."

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada và các quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với chế độ của cựu Tổng thống Al-Assad từ năm 2011.

Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 718 cá nhân và tổ chức liên quan đến Syria. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ám chỉ rằng nước này có thể sử dụng các biện pháp đó để khuyến khích "những hành vi tốt" của nhóm Hayat Tahrir Al Sham (HTS) và bất kỳ chính quyền mới nào được thành lập để lãnh đạo Syria.

Tuần trước, EU đã tiến hành các cuộc thảo luận về khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Syria, nhưng vấn đề này khó có thể được giải quyết sớm.

Ngoại trưởng các nước vùng Vịnh cũng kêu gọi tất cả các bên ở Syria khởi động một tiến trình đối thoại quốc gia toàn diện nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân Syria về an ninh, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng các nước GCC cũng kêu gọi Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ của Syria mà nước này đã đưa quân đội tới sau khi chế độ Tổng thống Bashar Al-Assad sụp đổ vào ngày 8/12.

Kể từ khi chế độ Tổng thống Al-Assad sụp đổ, Israel đã ném bom vào hàng trăm kho vũ khí, căn cứ không quân và hải quân ở Syria cũng như đưa lực lượng vào vùng đệm ở Cao nguyên Golan.

Các quan chức Israel đã giải thích động thái này là một biện pháp hạn chế và tạm thời nhằm đảm bảo an ninh biên giới của Israel, song không cho biết khi nào quân đội Israel sẽ rút khỏi khu vực này.