Anh thường tâm sự, cuộc đời mình may mắn, chẳng mong gì hơn, cũng chẳng phải nghĩ ngợi nhiều, cứ vui vẻ sống và làm việc cho đến lúc về hưu. Bỗng một hôm, anh sang nhà tôi tâm trạng bồn chồn, lo lắng. Ðưa tôi tờ giấy, anh nói:
- Ông xem tôi viết thế này có được không?
- Cái gì vậy anh?
- Tôi làm đơn từ chối nhận nhiệm vụ. Tuần trước, sếp gọi tôi lên thông báo: “Do yêu cầu nhiệm vụ, cơ quan sẽ chuyển công tác tôi về cơ sở phụ trách việc tiếp dân”. Ông biết không, đó là huyện miền núi, khó khăn và xa nhà đến cả trăm cây số. Công việc mới mẻ đối với tôi và sẽ phức tạp chứ không như chuyên môn tôi đang làm. Như vậy có khác gì là đẩy tôi đi đày.
- Cơ quan anh giải thích ra sao?
- Cơ quan nhận định tôi là đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, phong cách quần chúng, lại am hiểu công tác quản lý đất đai, có thể giúp giải quyết vướng mắc ở cơ sở. Nhưng tôi thắc mắc, tôi đang làm việc ổn định và làm tốt, sao lại điều tôi đi mà không phải người khác?
- Anh có nhớ chúng mình cùng đi bộ đội, rồi cùng vào Ðảng một ngày. Lúc đó chúng ta hứa gì không? Hứa sẽ phấn đấu, hy sinh và tuyệt đối phục tùng sự phân công của Ðảng. Tôi hiểu tâm sự của anh vì thực tế đã có trường hợp lợi dụng quyền hạn, điều động cán bộ vì mục đích cá nhân. Nhưng đó không phải là phổ biến. Khi tổ chức phân công tức là đã có sự xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, thể hiện ý chí của tập thể vì nhiệm vụ chung. Anh ạ, anh cứ về suy nghĩ cho thấu đáo! (Vừa động viên anh, tôi vừa đưa lại tờ đơn).
Anh cầm đơn ra về, khuôn mặt đăm chiêu. Vài ngày sau, anh lại sang nhà tôi. Vẻ mặt khác hẳn, thanh thản, vui vẻ như vẫn thấy ở anh. Anh nói đã thông tư tưởng rồi và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Bởi ngẫm ra, nhiệm vụ của người đảng viên là phải biết hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích tập thể. Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai.