Ði trên những con phố Hà Nội, bất chợt có thể gặp cảnh tắc đường khi một đoàn rước lễ hội đi qua. Nhưng không mấy ai cảm thấy khó chịu, thay vào đó là cảm xúc, là ấn tượng khi ngẫu nhiên được thưởng ngoạn nét đẹp truyền thống trên phố.
Nét riêng “hội phố”
Vừa được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân quận Ðống Ða về thành tích phục dựng, tổ chức Lễ hội chùa Láng (từ mồng 6 đến mồng 8 tháng Ba âm lịch), cụ Trần Quang Huy (phường Láng Thượng) không khỏi bồi hồi. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, ông còn nhớ không khí tưng bừng của lễ hội từ bao năm xa ấy. Trong đó, thiêng liêng nhất, hùng tráng nhất là màn rước kiệu Ðức Thánh Từ Ðạo Hạnh từ chùa Láng đến chùa Hoa Lăng (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) để thăm mẹ cha.
Quá trình rước kiệu ấy, đoàn rước tái hiện nghi thức “đấu thần” - mô tả màn đấu phép thuật giữa Từ Ðạo Hạnh với pháp sư Ðại Ðiên; hay màn “độ hà” khi kiệu của Ðức Thánh Láng băng qua sông Tô Lịch. Những tưởng sẽ chẳng bao giờ được sống lại không khí lễ hội ấy, thì đầu năm vừa rồi, Lễ hội chùa Láng đã được khôi phục trọn vẹn tất cả các nghi thức truyền thống cổ xưa, với cả nghìn người tham gia.
Cơ man đầu việc bày ra khi phục dựng lễ hội. Màn rước lễ hội đã thất truyền 70 năm, phục dựng đồng nghĩa với việc bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh. Từ may trang phục cho các thành viên đoàn rước, đến việc tuyển lựa đô kiệu (người khiêng kiệu), cắt cử người cầm cờ, người cầm nghi trượng, người tấu nhạc… Chỉ riêng đoàn rước Ðức Thánh qua sông đi thăm mẹ đã có tám kiệu. Trong đó kiệu lớn nhất là kiệu bát cống cần 16 thanh niên trai tráng, chưa kể đội ngũ dự bị. Bắt đầu từ con số 0 nên việc chuẩn bị phải từ trước đó mấy tháng. Cả nghìn con người ấy đều trải qua tập luyện kỹ càng, để khi phối hợp mọi việc trở nên nhịp nhàng.
Cụ Trần Quang Huy chia sẻ: “Ước mơ cả đời của tôi giờ đã thành hiện thực. Ðoàn rước cả đi lẫn về tới sáu cây số. Lúc đầu khó lắm, nhiều người e ngại vì tốn nhiều thời gian luyện tập, chúng tôi phải kiên trì vận động rất vất vả. Nhưng về sau, khi đã hiểu ý nghĩa lễ hội, khi đã luyện tập, sắp đội hình, mọi người thích lắm. Nhiều người tình nguyện đăng ký tham gia đoàn rước mà hết mất suất. Tôi không ngờ mọi việc lại diễn ra tốt đẹp như thế. Tôi thực sự xúc động”.
Cũng trong năm 2023, Lễ hội Thập tam trại được tổ chức ở quy mô lớn. 13 làng trại đã tụ về khu vực núi Sưa (trong Công viên Bách thảo). Theo truyền thuyết, chàng thanh niên làng Lệ Mật (nay thuộc quận Long Biên) Hoàng Phúc Trung nhờ có công đánh giảo long, vớt xác công chúa nhà Lý nên được nhà vua cho khai khẩn vùng đất phía tây kinh thành, lập nên 13 làng trại (Thập tam trại).
Thập tam trại nay phần lớn thuộc quận Ba Ðình, với các phường như: Ngọc Hà, Giảng Võ, Kim Mã, Liễu Giai... Các làng này đều thờ Thành hoàng là Hoàng Phúc Trung (còn gọi là Nguyễn Quý Công). Mỗi làng đều có lễ hội riêng, nhưng 13 làng trại này cũng kết hợp lại trong một lễ hội hàng tổng tổ chức tại đình Vạn Phúc. Lễ hội đã thất truyền hơn 70 năm. Năm nay, 13 làng trại xưa đã tạo nên những đoàn rước kiệu, rước lễ vật khổng lồ tụ về để tưởng nhớ công đức của vị Thành hoàng chung của các làng xưa kia…
Trong 1.206 lễ hội lớn nhỏ, Hà Nội có 221 lễ hội tại khu vực nội thành. Những quận có nhiều lễ hội phải kể đến như: Hà Ðông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên, Ba Ðình... Trong số 19 lễ hội của Hà Nội được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thì chín lễ hội nằm ở khu vực nội thành, như: Lễ hội làng Lệ Mật, Lễ hội đình Trường Lâm (quận Long Biên); Lễ hội đình Chèm, Lễ hội bơi Ðăm (quận Bắc Từ Liêm); Lễ hội chùa Láng (quận Ðống Ða); Hội Thề Trung Hiếu đền Ðồng Cổ (quận Tây Hồ)…
Những đám rước lễ hội đình Kim Ngân trong phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm), những màn rước kiệu trên phố của trai tráng năm làng Mọc (ở quận Thanh Xuân và Bắc Từ Liêm), hay tiếng trống thùng thùng thúc giục trai tráng trong trò kéo co ngồi đền Trấn Vũ (quận Long Biên)… luôn tạo một không khí tưng bừng trong các con phố nội thành. “Hội phố” là một đặc sản của văn hóa Hà Nội, góp phần thu hút khách du lịch.
Khác với hội làng, việc bảo vệ, phát huy giá trị “hội phố” luôn gặp nhiều thách thức. Phó Giáo sư Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho biết: “Trong các loại hình di sản, di sản văn hóa phi vật thể luôn đứng trước nguy cơ mai một nhanh hơn cả về không gian diễn xướng và với chính di sản. Ở khu vực làng quê, cộng đồng cư dân có quan hệ chặt chẽ, có độ ổn định cao, người trong làng có quan hệ họ hàng, thân tộc và xóm giềng. Còn tại nội thành, cộng đồng dân cư luôn biến động.
Trong đó nhiều khu vực lượng người nhập cư lớn, cùng một khu phố không dễ tìm được những người “có liên quan” với nhau. Ðiều này khiến lễ hội tại khu vực đô thị vừa khó tổ chức, vừa đứng trước nguy cơ mai một, nhất là trong quan niệm của giới trẻ, nhiều hoạt động bị cho là phiền phức và khó tuân thủ”.
Gìn giữ trong sự thích ứng
Mặc dù gặp nhiều khó khăn như thế, nhưng Hà Nội vẫn tổ chức được hàng trăm lễ hội trong phố ổn định suốt những năm qua. Ðặc biệt việc khôi phục được những lễ hội lớn như trường hợp Lễ hội chùa Láng xứng đáng là một kỳ tích văn hóa. “Ðể có thể phục dựng thành công tất cả nghi lễ truyền thống của Lễ hội chùa Láng, quận Ðống Ða có sự chuẩn bị công phu. Từ năm 2016, Ủy ban nhân dân quận giao các đơn vị phối hợp các cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiến hành sưu tầm tài liệu; tổ chức các hội nghị tham vấn ý kiến các nhà nghiên cứu, các cụ cao niên trên địa bàn...
Lễ hội diễn ra trong một không gian rộng lớn nên phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các quận Thanh Xuân, Ba Ðình, Cầu Giấy… Do đã thất truyền từ lâu nên làm thế nào để nhân dân gắn bó, tham gia là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động nên người dân đã nhiệt tình tham gia. Thậm chí, từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão, nhân dân đã lựa chọn nhân sự, luyện tập cho việc rước kiệu Ðức Thánh”, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Ðống Ða Nguyễn Thị Hồng Tuyến chia sẻ.
Ngoài những yếu tố kể trên, do xã hội có những thay đổi, cho nên sự thích ứng đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức thành công những “hội phố”. Với trường hợp Lễ hội chùa Láng, sau nhiều bàn thảo, đoàn rước Ðức Thánh được triển khai lúc 9 giờ thay vì 7 giờ như trước kia để không gây ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động giao thông. Trước kia, do quan niệm “con không được cao hơn cha” nên đoàn rước kiệu phải lội qua sông Tô Lịch (cha của Thiền sư Từ Ðạo Hạnh bị pháp sư Ðại Ðiên giết hại và vứt xác trên sông). Ðể vừa giữ được nếp xưa, vừa phù hợp với điều kiện ngày nay, Ban tổ chức quyết định dựng bè qua sông. Như vậy, người rước kiệu không phải đối mặt với khó khăn, còn nếp cũ vẫn được gìn giữ.
“Những thay đổi này đều diễn ra ở mức có thể chấp nhận và được sự đồng thuận của cộng đồng. Ðó là giải pháp xử lý rất khéo léo của Ban tổ chức để không gây ra sự xung đột với truyền thống. Thực tế hiện nay, điều kiện của các đô thị đã thay đổi rất nhiều, việc thích ứng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, mức độ thay đổi thế nào để hài hòa là hết sức quan trọng”.
Giáo sư Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Lễ hội Thập tam trại. Phó Trưởng ban Quản lý di tích đền Núi Sưa Trần Sơn Trà cho biết: “Theo hồi ức của các lão niên địa phương thì vào Lễ hội Thập tam trại (lễ hội hàng tổng đình Vạn Phúc), các làng rước Thành hoàng của làng mình về đình hàng tổng để dự tế hội đồng. Ðiều kiện ngày nay đình Vạn Phúc không đủ không gian tổ chức lễ hội nên chúng tôi tổ chức tại khu vực núi Sưa.
Nơi đây có di tích thờ Huyền Thiên Hắc Ðế - một không gian linh thiêng, cũng đồng thời xa xưa là đất Thập tam trại. Do đó, các nhà khoa học và nhân dân cũng đồng thuận việc tổ chức Lễ hội Thập tam trại tại một không gian mới. Tuy nhiên, để việc tổ chức lễ hội tại nội thành bảo đảm sự hài hòa giữa truyền thống và thích ứng với hiện đại, ngành văn hóa cần có hướng dẫn, có cơ chế cụ thể hơn”. Thành phần dân cư biến động là khó khăn lớn khi huy động cộng đồng tham gia lễ hội trong phố.
Theo nhiều chuyên gia về di sản văn hóa, việc tuyên truyền để người dân hiểu biết về di sản văn hóa nơi mình sinh sống là điều hết sức quan trọng. Khi có sự hiểu biết, từ chỗ xa lạ, họ sẽ trở nên gắn bó và sẽ trực tiếp tham gia. Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết: “Chính sự tham gia của người dân cả sở tại lẫn nhập cư vào không gian và hoạt động lễ hội tạo nên sự gắn kết cộng đồng ngày một bền chặt hơn.
Bên cạnh đó, không thể không nói đến yếu tố văn hóa tâm linh, yếu tố niềm tin vào lễ hội mà bao đời nay người dân Việt Nam đã trao truyền qua các thế hệ. Sự kết nối cộng đồng, sự cộng cảm ấy sẽ là sợi dây bền chặt duy trì sức sống của di sản văn hóa nói chung, lễ hội ở đô thị nói riêng”.