Người phát ngôn quân đội Nepal Narayan Silwal thông báo trên mạng xã hội Twitter: "Các binh sĩ làm nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn đã xác định được vị trí máy bay rơi". Ông cũng đăng ảnh mảnh vỡ của máy bay, có thể nhìn rõ số hiệu trên đuôi máy bay và các mảnh vỡ rải rác bên rìa núi.
Trong khi đó, ông Deo Chandra Lal Karna, người phát ngôn Cơ quan Hàng không dân dụng Nepal (CAAN), cho biết 5 trực thăng đã sẵn sàng hỗ trợ công tác cứu nạn.
Theo Tara Air, hãng hàng không tư nhân vận hành máy bay mất tích, và quan chức chính quyền Nepal, 4 người Ấn Độ, 2 người Đức và 16 người Nepal đã có mặt trên máy bay này.
Trước đó, ngày 29/5, máy bay chở khách cỡ nhỏ De Havilland DHC-6-300 Twin Otter chở 19 hành khách và 3 thành viên phi hành đoàn đã cất cánh từ thị trấn du lịch Pokhara, cách thủ đô Kathmandu 125 km về phía tây, để tới sân bay ở thị trấn Jomsom cách đó khoảng 80 km. Tuy nhiên, máy bay đã mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu 5 phút trước khi hạ cánh.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Nepal Phanindra Mani Pokharel hôm qua cho biết, 2 máy bay trực thăng đã được triển khai tìm kiếm máy bay gặp nạn, tuy nhiên, tầm nhìn bị hạn chế rất nhiều do điều kiện thời tiết xấu.
Theo website theo dõi chuyến bay Flightradar24, máy bay có số đăng ký 9N-AET này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 4/1979.
Tháng 12/2010, một chiếc DHC-6 Twin Otter của hãng Tara Air cũng đã gặp tai nạn ngay sau khi cất cánh từ sân bay Lamidanda, khiến toàn bộ 22 người trên máy bay thiệt mạng.
Nepal, "ngôi nhà" của 8 trong số 14 đỉnh núi cao nhất thế giới, trong đó có Everest, đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn hàng không. Thời tiết tại quốc gia này có thể thay đổi đột ngột và các địa điểm hạ cánh thường nằm trên vùng núi khó tiếp cận.