Nền tảng quan trọng của phát triển

Các xã hội đa ngôn ngữ và đa văn hóa đạt nhiều thành tựu lớn nhờ bảo tồn ngôn ngữ địa phương như phương tiện truyền tải kiến thức và di sản văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Các học sinh kỷ niệm Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ. (Ảnh bnnbreaking.com)
Các học sinh kỷ niệm Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ. (Ảnh bnnbreaking.com)

Tuy nhiên, sự đa dạng về ngôn ngữ đang bị đe dọa khi ngày càng có nhiều ngôn ngữ biến mất. Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ năm nay kêu gọi thúc đẩy các chính sách giáo dục đa ngôn ngữ, được xem là có ý nghĩa rất quan trọng đối với giáo dục toàn diện và bảo tồn ngôn ngữ bản địa.

Thế giới hiện có khoảng 7.000 ngôn ngữ và 45% trong số đó đang có nguy cơ biến mất. Chỉ có vài trăm ngôn ngữ đóng vai trò nổi bật trong hệ thống giáo dục và phạm vi công cộng, trong khi chưa đến 100 ngôn ngữ được sử dụng trong thế giới kỹ thuật số.

Liên hợp quốc nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của ngôn ngữ trong việc bảo đảm, giữ gìn bản sắc, cũng như sự chung sống hòa bình giữa các cá nhân và cộng đồng.

Ngôn ngữ cũng được tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh nhấn mạnh là một trong những yếu tố chiến lược cho tiến bộ trong nỗ lực đạt được sự phát triển bền vững và mối quan hệ hài hòa giữa các điều kiện toàn cầu và địa phương.

Theo Liên hợp quốc, chỉ có chấp nhận hoàn toàn đa ngôn ngữ mới mang lại cho tất cả các ngôn ngữ cơ hội tìm thấy vị trí của mình trong một thế giới bị ảnh hưởng bởi tiến trình toàn cầu hóa.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh lợi ích to lớn của việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giáo dục, cụ thể như giúp cải thiện kết quả học tập, nâng cao lòng tự trọng và phát triển kỹ năng tư duy phản biện. Phương pháp này còn góp phần chuyển giao hiệu quả kiến thức giữa các thế hệ và bảo tồn văn hóa bản địa.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc cho biết, hiện có 40% dân số thế giới không được tiếp cận giáo dục bằng ngôn ngữ họ nói hoặc hiểu; ở một số khu vực con số này lên đến 90%.

Trong bối cảnh đó, với chủ đề “Giáo dục đa ngôn ngữ - nền tảng cho việc học và chuyển giao kiến thức giữa các thế hệ”, Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ (21/2) năm nay kêu gọi thúc đẩy các chính sách giáo dục đa ngôn ngữ, được xem là có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với giáo dục toàn diện và bảo tồn ngôn ngữ bản địa.

Theo các chuyên gia, việc bắt đầu giảng dạy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của học sinh và dần dần giới thiệu các ngôn ngữ khác có thể giúp thu hẹp rào cản giữa gia đình và trường học.

Giáo dục đa ngôn ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ cũng tạo điều kiện tiếp cận và hòa nhập môi trường học tập cho những người sử dụng ngôn ngữ không phổ biến, ngôn ngữ thiểu số và bản địa.

Được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố tháng 11/1999 và sau đó được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ (21/2) nêu bật vai trò của ngôn ngữ trong việc thúc đẩy sự hòa nhập và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Ngày này được kỷ niệm hằng năm nhằm thúc đẩy tính đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và đa ngôn ngữ.

Giới chuyên gia nhấn mạnh, các xã hội đa ngôn ngữ và đa văn hóa tồn tại và phát triển nhờ ngôn ngữ, vốn là phương tiện truyền tải và bảo tồn kiến thức, cũng như văn hóa truyền thống một cách bền vững. Trong tiến trình toàn cầu hóa, các quốc gia ngày càng nhận thức rõ ràng và sâu sắc hơn về vai trò quan trọng của ngôn ngữ đối với phát triển.

Ngôn ngữ không chỉ thúc đẩy đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa, mà còn tăng cường hợp tác và nâng cao chất lượng giáo dục cho tất cả mọi người, xây dựng xã hội tri thức toàn diện, cũng như bảo tồn di sản văn hóa, thúc đẩy khai thác thành quả của tiến bộ khoa học, công nghệ vì lợi ích phát triển bền vững.