Vội vã xếp nốt những món hàng cuối cùng lên thùng xe, ông Dương Thanh Hải, Bí thư Chi bộ thôn Ninh Thuận cho biết: Cách đây hơn 1 tháng, bà con các xã, huyện của tỉnh Yên Bái đã từng bị nước lũ bủa vây. Thời điểm đó, bà con miền trung nói riêng, cả nước nói chung đã chắt chiu từng chiếc bánh chưng, túi gạo gửi ra cứu trợ.
“Dẫu chưa qua khó khăn, nhưng khi biết bà con Quảng Bình đang gặp khó, chúng tôi không thể chỉ đứng nhìn”.
XÃ KHÓ ÍT GIÚP HUYỆN... NGẬP SÂU
Từ sáng sớm, ông Dương Thanh Hải đã bận rộn không ngừng. Sau khi xúc đầy bao gạo, Bí thư chi bộ thôn sinh năm 1967 lại di chuyển bằng xe máy tới từng nhà để thống kê tổng số hàng ủng hộ đồng bào huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Gần 2 tháng trước, Ninh Thuận là một trong những thôn thiệt hại nặng nề nhất sau đợt lụt hồi tháng 9. Toàn bộ 180/180 ngôi nhà đều ngập sâu, có nơi chìm dưới nước tới 3m. Dẫn chúng tôi ra khu vực từng là cánh đồng trù phú chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, ông Hải cho hay: Nước lũ cũng khiến hầu hết diện tích trồng nông nghiệp bị thiệt hại.
“Tổng cộng 19ha lúa, hoa màu cùng 5ha nuôi trồng thủy sản mất trắng. Hệ thống thủy lợi sau bão gần như tê liệt khi bùn bồi lắng gây ùn tắc nặng khiến địa phương không thể tự khắc phục được”, Chủ tịch Ủy ban nhân xã Phạm Thăng Long bổ sung thêm.
Trên diện rộng hơn, các xã lân cận như Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Hòa Cuông, Minh Quán, Minh Quân, Y Can và Quy Mông cũng bị ngập rất sâu. Nhiều đoạn đê bị tràn và vỡ, bao gồm đê Cát Vân, ông Lộc, ông Thành (thị trấn Cổ Phúc); đê Liên Hiệp (xã Minh Quân); đê Hồng Thái (xã Nga Quán); đê Phú Thọ (xã Việt Thành)…
Sau đợt lũ lịch sử hồi tháng 9, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, Yên Bái chịu tổn thất nặng nề. Riêng lĩnh vực nông nghiệp khó có khả năng phục hồi trong 6 tháng tới. (Ảnh: Thành Đạt) |
Tại Nga Quán, sau lũ, chính quyền đã ưu tiên khôi phục sản xuất với việc cấp 800 cân ngô giống, hơn 130 cân hạt đỗ cô ve, 45 cân hạt rau các loại để bà con trồng màu trên diện tích ruộng không thể cấy lúa. Mặc dù vậy, hạt ngô được gieo 3 ngày, vừa mới kịp lên chồi bé như ngọn cỏ thì đợt lụt thứ hai giữa tháng 9 lại tiếp tục kéo đến khiến tất cả… xôi hỏng bỏng không.
“Phải mất ít nhất 6 tháng nữa, chúng tôi mới có thể khôi phục được sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp”, Chủ tịch xã Nga Quán thở dài.
Bà Lê Thị Lan, Bí thư Chi bộ thôn Hồng Thái cũng lo lắng khi người dân tại địa bàn chuyên canh tác lúa. Dòng nước sông Hồng sau sự cố vỡ đê hồi tháng 9 đã cuốn nhiều lớp bê-tông, đất đá xuống nền ruộng. Khả năng tiếp tục cấy cày vào vụ tiếp theo đang bị bỏ ngỏ trong nỗi lo… thiếu lương thực nhãn tiền.
“Khó khăn là vậy, nhưng ngay khi biết thông tin đồng bào Quảng Bình nói riêng, miền Trung nói chung đã ngập lụt nặng do bão Trà Mi, bà con các thôn, xã lại tự nguyện kêu gọi quyên góp, ủng hộ”, Bí thư chi bộ thôn Hồng Thái cho hay.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng người dân các thôn của xã Nga Quán vẫn chia sẻ với đồng bào miền Trung đang gặp khó khăn sau bão số 6. |
Cụ thể, theo bà Lan, từ cuối tháng 10, nhiều hộ dân đã liên hệ với nhau, cùng chung tay ủng hộ miền Trung. Do vừa trải qua đợt ngập kéo dài, bà con đóng góp trên tinh thần… còn gì ủng hộ nấy. Người thì thùng mỳ tôm còn chưa sử dụng, người thêm tấm chăn, cái màn hay gói hạt nêm, nước mắm. Các hộ khá giả hơn thì trực tiếp ủng hộ gạo, hoặc tiền mặt. Trong khi đó, một mạnh thường quân khác lại tài trợ chuyến xe 0 đồng cùng nhân lực để đưa hàng vào miền trong.
Cũng bởi đóng góp theo tinh thần còn gì ủng hộ nấy, nên mới có chuyện, trong danh sách thống kê sơ bộ của xã Nga Quán có những… vật phẩm không giống ai. Rút ra từ túi áo ngực tờ giấy ghi lại chi tiết hàng hóa sẽ vào Quảng Bình, Bí thư Đảng ủy xã Nga Quán Phạm Quang Chung dẫn chứng: “Thôn Ninh Thuận có bà con ủng hộ 12 lốc nước rời. Hay như thôn Hồng Thái thì có… 3 chiếc mâm, 17 chai dầu ăn, 1 gói lạc và 235 gói muối”.
“Sau lũ, Nga Quán còn rất nhiều khó khăn. Nhưng mọi người vẫn muốn sẻ chút tấm lòng cho nhân dân Quảng Bình. Con em trong xã cũng liên hệ thêm với bạn bè ở nhiều vùng quyên góp thêm. Chúng tôi lá rách ít thì đùm lá rách nhiều”, Bí thư Đảng ủy xã nói.
Trong số hàng hóa ủng hộ, có cả những lốc nước sạch đã bóc khỏi thùng, vài cái mâm, túi lạc, túi muối. Nhân dân vùng lũ bão số 3 ủng hộ đồng bào vùng lũ bão số 6 theo tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều". (Ảnh: Sơn Bách) |
Để việc làm từ thiện được minh bạch, toàn bộ quá trình đều được ghi chép lại, đồng thời thông qua Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã; nhờ chính quyền kết nối trực tiếp với Mặt trận Tổ quốc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình để tiếp nhận.
Tại xã Báo Đáp, cũng thuộc huyện Trấn Yên, một phong trào tương tự cũng đã được phát động từ ngày 30/11. Chị Đỗ Phương, người đứng ra thực hiện chương trình cho biết: Tối qua, 2/11, chuyến xe chở 4 tấn hàng cứu trợ đã xuất phát vào với người dân huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
“Chúng tôi từng nhận sự giúp đỡ của người dân khắp cả nước trong đợt lụt vừa qua. Đến lượt mình, chúng tôi cũng muốn gửi một chút tấm lòng san sẻ lại”, chị Phương thông tin với phóng viên.
VĨ THANH TỪ LÀNG NỦ
Trước đó, tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), chuyến xe nghĩa tình đồng bào Bắc – Trung – Nam cũng đã xuất phát. Là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau bão số 3, Làng Nủ vẫn đang phải gồng mình gánh vết thương do thiên tai gây ra. Thế nhưng, trong những ngày miền Trung đằm mình trong lũ lụt, tất cả vẫn gác lại nỗi đau riêng, để chung tay sẻ chia cùng đồng bào.
Chia sẻ nhanh với phóng viên Báo Nhân Dân, anh Hoàng Văn Diệp, trưởng thôn Làng Nủ cho biết: Những ngày qua, khi biết tin nhân dân miền Trung đang gặp khó khăn do thiên tai, hầu hết người Làng Nủ đã sẵn lòng đóng góp.
Từ Làng Nủ, bà con cũng nén nỗi đau, góp thêm chút tấm lòng cho miền Trung bão lũ. (Ảnh: Thành Đạt) |
“Đây cũng là cách chúng tôi tri ân lại những tấm lòng vàng mà cả nước đã dành cho Làng Nủ”, anh Diệp thông tin; đồng thời cho biết: Trong đợt quyên góp hồi cuối tháng 10 này, tổng cộng 44 người dân thôn Làng Nủ, trong đó rất nhiều người mất đi toàn bộ thân nhân trong thảm họa đã đóng góp hơn 52 triệu đồng, cùng nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm khác.
Và ngày mai, những chuyến xe nghĩa tình vẫn sẽ lăn bánh chạy về miền Trung…
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 6 đã làm một số tỉnh thuộc khu vực Duyên hải miền Trung có mưa to đến rất to, gây ngập lụt trên diện rộng, làm thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và các công trình của nhà nước, trong đó một số tỉnh bị thiệt hại nặng nề như Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.