Nền kinh tế Thái Lan dễ tổn thương sau làn sóng Covid-19 thứ ba

NDO -

Ngày 19-5, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) thông báo, hệ thống tài chính của nước này đã trở nên dễ bị tổn thương hơn do hứng chịu những tác động tiêu cực từ làn sóng Covid-19 thứ ba và những rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế.

Chính phủ Thái Lan ngày 18-5 thông qua khoản vay thêm 700 tỷ baht nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế vốn đang chịu nhiều tác động từ làn sóng dịch Covid-19 thứ 3. (Ảnh: Bangkok Post)
Chính phủ Thái Lan ngày 18-5 thông qua khoản vay thêm 700 tỷ baht nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế vốn đang chịu nhiều tác động từ làn sóng dịch Covid-19 thứ 3. (Ảnh: Bangkok Post)

Trước đó, ngày 5-5, Ủy ban Chính sách tiền tệ Thái Lan đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức thấp kỷ lục 0,5% nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai Đông - Nam Á. Hiện tại, BoT dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan năm 2021 vào khoảng 3% và cơ quan này sẽ xem xét điều chỉnh lại dự báo trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 23-6 tới đây.

BoT khẳng định, đợt dịch Covid-19 lần thứ ba bùng phát tại nước này đã làm chậm tiến trình phục hồi của nền kinh tế và không đồng đều giữa các lĩnh vực. Tình hình tài chính của các hộ gia đình Thái Lan trở nên yếu ớt hơn, thể hiện qua tỷ lệ nợ trên thu nhập tăng, tương đối cao so với các quốc gia khác.

Làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ ba tại Thái Lan đã chứng kiến ​​số ca lây nhiễm hơn gấp ba lần và số ca tử vong tăng gấp sáu lần kể từ khi nó xuất hiện tại nước này vào tháng 4-2020, buộc Chính phủ phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế, đồng thời làm gia tăng lo ngại về tiến trình phục hồi nền kinh tế của nước này.

Điều này xảy ra vào thời điểm đất nước phụ thuộc vào du lịch này đang chuẩn bị mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng đã bị xóa nhòa sau khi nhiều trường học, sân vận động và các trung tâm mua sắm buộc phải đóng cửa.

Tình hình hiện này khiến Thái Lan rơi vào tình huống nan giải mới, vừa ngăn chặn sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, vừa phải thúc đẩy nhu cầu trong nước, vốn đã bắt đầu phục hồi trong tháng 3-2021 trước khi giảm trở lại trong tháng 4.

Trong khi đó, ngày 18-5, Chính phủ Thái Lan đã thông qua khoản vay thêm 700 tỷ baht (khoảng 22,3 tỷ USD) để giảm bớt tác động từ đợt dịch Covid-19 thứ ba. Theo đó, trong số khoản vay 700 tỷ baht, khoảng 30 tỷ baht sẽ được dành cho việc mua sắm vật tư y tế, tiêm vaccine, nghiên cứu và cải tạo các bệnh viện. Với khoản vay mới, nợ công của Thái Lan vào cuối tháng 9 năm nay ước tính là 9.380 tỷ baht, tương đương 58,6% GDP.

Mặc dù các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ và nhập khẩu cải thiện sẽ hỗ trợ tăng trưởng phần nào, tuy nhiên, BoT thừa nhận tốc độ phục hồi kinh tế Thái Lan sẽ chậm hơn nhiều do sự bùng phát dịch Covid-19 và sự phục hồi trước mắt sẽ chủ yếu phụ thuộc vào việc mua và phân phối vaccine.

Tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine của Thái Lan cũng tương đối chậm so với kế hoạch tiêm chủng cho 70% dân số (gần 70 triệu dân) vào cuối năm nay. Theo Trung tâm Kiểm soát tình hình Covid-19 Thái Lan (CCSA), tính đến ngày 17-5, Thái Lan đã sử dụng hơn 2,3 triệu liều vaccine, trong đó hơn 1% dân số đã được tiêm cả hai liều và hơn 2% dân số đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại châu Á