Nền kinh tế Palestine chịu thiệt hại nặng nề bởi xung đột

Theo Quỹ đầu tư Palestine, khu vực Dải Gaza sẽ cần ít nhất 15 tỷ USD để tái thiết hệ thống nhà nơi đây cũng như bù đắp những thiệt hại sau nhiều năm bị phong tỏa, kìm hãm sự phát triển kinh tế và hiện đang bị tàn phá bởi chiến tranh. Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tác động nghiêm trọng và gây thiệt hại nặng nề tới nền kinh tế Palestine.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Palestine sống trong những căn lều tạm ở miền nam Dải Gaza. (Ảnh: CONNECTICUT PUBLIC)
Người dân Palestine sống trong những căn lều tạm ở miền nam Dải Gaza. (Ảnh: CONNECTICUT PUBLIC)

Nền kinh tế Dải Gaza rơi vào tình trạng kiệt quệ ngay cả trước khi xảy ra cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Chính quyền Palestine cho biết chỉ nhận được 250 triệu USD viện trợ ngân sách và 300 triệu USD từ các dự án phát triển trong năm 2022.

Viện trợ nước ngoài cũng giảm mạnh trong thời gian từ năm 2008-2022, từ 2 tỷ USD (tương đương 27% GDP của Palestine) xuống còn 550 triệu USD (chưa đến 3% GDP) trong năm 2022. Một thực trạng đáng lo ngại, gần 50% dân số Gaza thất nghiệp và hơn 50% sống trong cảnh nghèo đói. Dù những năm gần đây, nhiều lao động tại Gaza đã được cấp giấy phép làm việc tại Israel, song số người được cấp phép chỉ chiếm khoảng 1% số lao động có việc làm tại vùng lãnh thổ này. Số người có việc làm quá thấp để giúp Gaza thoát cảnh nghèo đói.

Những thiệt hại to lớn mà Gaza phải hứng chịu do các lệnh phong tỏa kéo dài và hoạt động quân sự thường xuyên đã “bóp nghẹt” nền kinh tế và tàn phá cơ sở hạ tầng nơi đây. Điều này không chỉ gây ra ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, mà còn dẫn đến những hệ quả gián tiếp và lâu dài cho các thế hệ tương lai. Trong báo cáo do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố hồi cuối năm 2022, Dải Gaza cần hàng tỷ USD viện trợ kinh tế từ nước ngoài để bù đắp thiệt hại sau nhiều năm bị phong tỏa, kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ hồi tháng 10/2022 gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Dải Gaza, đồng thời tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế của Palestine. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Palestine có thể trải qua tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và kéo dài sang năm 2024. WB ghi nhận mức độ thiệt hại chưa từng có về người và tài sản ở Dải Gaza.

Trong khi đó, người dân trên các vùng lãnh thổ của Palestine vốn có nguồn thu thấp thì nay lại càng khó khăn hơn về tài chính do nguồn thu nhập ngày càng bị thu hẹp. Các tổ chức viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc lo ngại người dân ở vùng lãnh thổ Palestine đang đối mặt nạn đói ngày càng trầm trọng khi xung đột tàn phá nặng nề các cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, y tế, giáo dục, thương mại.

Trong khi đó, kể từ khi xảy ra xung đột ở Gaza, Israel quyết định ngừng cấp giấy phép lao động cho người Palestine đến từ cả Bờ Tây và Dải Gaza, khiến nhiều người vốn có thu nhập thấp phải vật lộn để sinh tồn. Tỷ lệ thất nghiệp ở Dải Gaza lên tới khoảng 85%. Theo số liệu của Chính quyền Palestine, Israel đã thiết lập khoảng 130 trạm kiểm soát quân sự cố định và di động ở Bờ Tây, gây khó khăn cho hoạt động vận chuyển nông sản và việc đi lại của người lao động.

Kể từ khi xung đột leo thang, ngành du lịch của Palestine cũng bị tác động đáng kể. Bộ trưởng Du lịch và Cổ vật trong Chính quyền Palestine Rula Maayah cho biết, ngành du lịch Palestine ước tính thiệt hại 200 triệu USD vào cuối năm 2023, với trung bình 2,5 triệu USD/ngày. Thành phố Bethlehem ở Bờ Tây, từng thu hút nhiều du khách, đã chứng kiến cảnh đìu hiu vào mùa đông này. Theo ước tính của WB, kinh tế tổng thể của Palestine có thể giảm 3,7% trong năm 2023, đồng thời dự báo tình hình kinh tế sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2024 nếu xung đột tiếp tục xảy ra.

Giám đốc bộ phận chiến lược phát triển và toàn cầu hóa của UNCTAD Richard Kozul-Wright cho rằng, khó có thể đánh giá chính xác số tiền cần thiết để vực dậy nền kinh tế Gaza khi xung đột tiếp diễn, song con số này dự kiến lên tới hàng tỷ USD. Trong bối cảnh Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường viện trợ cho Gaza, WB gần đây đã công bố khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 20 triệu USD, nhằm hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi xung đột ở dải đất này. Đây là khoản viện trợ bổ sung, ngoài khoản 15 triệu USD mà WB cung cấp trước đó.