Nền kinh tế Mexico đương đầu nhiều khó khăn

Lạm phát ở Mexico đang ở mức cao nhất kể từ năm 2000, thâm hụt thương mại trong bảy tháng đầu năm 2022 đã cao hơn nhiều so mức thâm hụt của cả năm 2021. Bất đồng trong chính sách năng lượng với Mỹ cũng đang tạo thêm sóng gió đối với nền kinh tế Mexico.
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ lệ lạm phát tại Mexico đang ở mức cao nhất trong 21 năm. (Ảnh REUTERS)
Tỷ lệ lạm phát tại Mexico đang ở mức cao nhất trong 21 năm. (Ảnh REUTERS)

Viện Địa lý và Thống kê Mexico cho biết, trong bảy tháng đầu năm 2022, quốc gia Bắc Mỹ đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại lên tới 18,9 tỷ USD, cao hơn 1,6 lần mức thâm hụt của cả năm 2021. Chỉ tính riêng trong tháng 7 vừa qua, nền kinh tế Mexico ghi nhận mức thâm hụt thương mại lên tới 5,959 tỷ USD, tăng 49% so mức cùng kỳ năm 2021. Tăng trưởng của nền kinh tế Mexico trong quý II vừa qua chỉ đạt 1,9%, thấp hơn so mức dự báo trước đó là 2,1%. Lạm phát được ghi nhận ở quốc gia Bắc Mỹ này chạm ngưỡng 8,62%, cao nhất kể từ tháng 12/2000.

Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng hóa số 1 của Mexico khi chiếm tới 82,3% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của nước này, trong đó lĩnh vực ô-tô chiếm 24,71% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mexico sang Mỹ. Mỹ đồng thời là đối tác cấp vốn FDI lớn nhất cho Mexico, khi cung cấp tới 40% trong tổng số vốn FDI mà Mexico nhận được từ nước ngoài. Tuy nhiên, những bất đồng gần đây giữa hai nước về chính sách năng lượng đang tạo thêm áp lực lên nền kinh tế Mexico, trong bối cảnh lạm phát tại quốc gia Bắc Mỹ được dự báo có khả năng sẽ tăng phi mã trong những tháng cuối năm 2022.

Mỹ cho rằng, các chính sách năng lượng của chính quyền Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador (A.Ô-bra-đô) ưu tiên các dự án của tập đoàn dầu khí quốc doanh Pemex và Ủy ban Điện lực quốc gia (CFE) đã ngăn cản các công ty Mỹ, trong đó có các nhà sản xuất năng lượng mặt trời và điện gió, tiếp cận thị trường Mexico. Cuối tháng 7 vừa qua, Mỹ yêu cầu Mexico mở cuộc tham vấn nhằm tháo gỡ những khúc mắc trong chính sách năng lượng giữa hai nước. Canada cũng đưa ra yêu cầu tương tự đối với Mexico.

Hôm 23/8, Thứ trưởng Kinh tế Mexico và Đại diện Thương mại Mỹ đã khởi động tham vấn về chính sách năng lượng theo các điều khoản của Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Đây là lần thứ tư cơ chế giải quyết tranh chấp chung trong Chương 31 của USMCA được sử dụng. Dự kiến, thời hạn tham vấn sẽ kéo dài trong 75 ngày và có thể gia hạn thêm.

Cố vấn pháp lý trong lĩnh vực năng lượng và đại diện pháp lý của Tập đoàn UNNE Corporate cho biết, việc làm của 7,8 triệu người Mỹ và Mexico phụ thuộc vào USMCA, trong đó phía Mỹ chiếm 2/3, tức 5,15 triệu việc làm. Trong khi đó, theo ước tính của hãng tư vấn Business Roundtable, các hiệp định thương mại Mỹ ký kết với hơn 100 quốc gia tạo ra 41 triệu việc làm và 12,5% trong số đó liên quan đến Mexico. Ngược lại, Mexico cũng phụ thuộc đáng kể vào Mỹ với gần 3,3 triệu công nhân đang làm việc trong các nhà máy chế tạo hàng xuất khẩu, trong đó 85% phục vụ cho các thị trường thành viên USMCA.

Tổng thống Obrador đã bác bỏ khả năng Mexico rút khỏi USMCA sau khi các cuộc tham vấn về khiếu nại của Mỹ đối với chính sách năng lượng của Mexico được khởi động. Nhiều lần khẳng định quan điểm cứng rắn trong cuộc tranh cãi với Mỹ về vấn đề chính sách năng lượng, đồng thời tuyên bố chủ quyền của Mexico đối với các tài nguyên năng lượng quốc gia không phải việc cần đàm phán, Tổng thống Obrador vẫn bày tỏ hy vọng Chính phủ Mỹ sẽ thay đổi lập trường. Nhà lãnh đạo Mexico nhấn mạnh, hai nước có mối quan hệ tốt đẹp, tôn trọng và cần lẫn nhau, sẽ rất khó để nền kinh tế Mỹ cũng như Mexico hoạt động trơn tru nếu thiếu sự hợp tác với nước còn lại.