Nền kinh tế EU đối mặt nhiều lực cản

NDO -

Ngày 29/4, Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu chính thức cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng euro (Eurozone) đã chậm lại trong 3 tháng đầu năm 2022 trong khi lạm phát ở mức cao kỷ lục.

Chi phí năng lượng cao khiến giá tiêu dùng tại EU tăng vọt (Ảnh REUTERS)
Chi phí năng lượng cao khiến giá tiêu dùng tại EU tăng vọt (Ảnh REUTERS)

Tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong quý I/2022 đã giảm xuống mức 0,2% so với mức 0,3% trong 3 tháng cuối năm 2021. Giá năng lượng tăng phi mã cũng kéo theo giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 4 tăng 7,5%, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) đạt 0,4%, giảm so với mức 0,5% của quý 4/2021.

Andrew Kenningham, nhà kinh tế tại Capital Economics, cho biết, mức tăng trưởng nêu trên của Eurozone có nghĩa là khu vực này sẽ tránh được tình trạng suy thoái kỹ thuật trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, lạm phát tăng và những ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng tại Ukraine sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế EU trong quý 2. 

Các nền kinh tế hàng đầu EU là Đức và Pháp cũng khá “ì ạch” trong quý I/2022. Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong quý I/2022 chỉ tăng 0,2% so với quý trước đó. Trước đó, Bộ Kinh tế Đức cũng cho rằng, GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2022 chỉ có thể tăng 2,2% thay vì mức dự báo 3,6% đưa ra hồi tháng 1 năm nay. Trong khi đó, lạm phát cũng dự báo sẽ tăng lên 6,1%. Giá năng lượng tăng vọt là một trong những lực cản chính đối với nền kinh tế Đức. 

Cùng chung xu hướng, cơ quan thống kê quốc gia Italia cho biết kinh tế nước này trong quý 1/2022 giảm 0,2% so với quý trước đó, do dịch vụ và xuất khẩu đều giảm. Tại Tây Ban Nha, dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay đã được hạ từ mức 7% xuống còn 4,3%.

Lạm phát tăng cao đang gây áp lực đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) liên quan quyết định có tăng lãi suất, vốn đang được duy trì ở mức thấp kỷ lục, hay không. Nâng lãi suất có thể kìm đà tăng của lạm phát, song cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi của nền kinh tế EU.