Nền kinh tế Ấn Độ tăng tốc

Báo cáo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ có thể sẽ đạt mức 4,33 nghìn tỷ USD vào năm 2025, vượt mức 4,31 nghìn tỷ USD của Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, sớm một năm so với dự báo trước đó. Đồng thời, theo IMF, Ấn Độ có thể tiếp tục vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027.
0:00 / 0:00
0:00
Ấn Độ xây dựng đường sắt cao tốc Ahmedabad-Mumbai phục vụ phát triển kinh tế. (Ảnh REUTERS)
Ấn Độ xây dựng đường sắt cao tốc Ahmedabad-Mumbai phục vụ phát triển kinh tế. (Ảnh REUTERS)

Tháng 10/2023, IMF từng đưa ra dự báo về khả năng Ấn Độ vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2026. Tuy nhiên, trong bản báo cáo cập nhật, IMF đã điều chỉnh dự báo GDP của cả hai nước, dựa trên tỷ giá đồng nội tệ.

Theo đó, sự mất giá của đồng yen Nhật Bản so với đồng USD làm giảm quy mô nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc khi được thống kê bằng “đồng bạc xanh”. Trong khi đó, đồng rupee của Ấn Độ gần như không thay đổi giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm 2023 và theo IMF, nhiều khả năng là do sự can thiệp hiệu quả của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), góp phần duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế đất nước tỷ dân.

Tháng 10/2023, IMF từng đưa ra dự báo về khả năng Ấn Độ vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2026. Tuy nhiên, trong bản báo cáo cập nhật, IMF đã điều chỉnh dự báo GDP của cả hai nước, dựa trên tỷ giá đồng nội tệ.

Ghi nhận sự sụt giảm trong thời gian đại dịch Covid-19, song nền kinh tế Ấn Độ vẫn đạt mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây nhờ sức tăng quy mô dân số. RBI dự báo, GDP quốc gia Nam Á sẽ tăng 7% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2024. IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng của Ấn Độ giai đoạn 2024-2025 lên 6,8%, từ mức 6,5% nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước ổn định và dân số trong độ tuổi lao động ngày càng tăng.

Nhấn mạnh nền kinh tế toàn cầu cho thấy khả năng phục hồi đáng kể, với tốc độ tăng trưởng ổn định khi lạm phát quay trở lại mục tiêu, báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới được IMF công bố dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu ở mức 3,2% trong năm 2024 và 2025, tương tự như năm 2023.

Năm 2014, Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 10 trong danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo IMF, năm 2027, nền kinh tế Ấn Độ có khả năng vượt Đức để vươn lên vị trí thứ 3 thế giới, nhất là sau khi Ấn Độ vượt qua Nhật Bản về doanh số ô-tô nội địa vào năm 2022, qua đó trở thành thị trường ô-tô nội địa lớn thứ 3, sau hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ.

Năm 2023, Đức đã “soán ngôi” nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới của Nhật Bản và nếu bị Ấn Độ vượt qua, nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc sẽ tụt xuống vị trí thứ 5.

Nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life Kumano Hideo nhận định, yếu tố chính đằng sau sự sụt giảm GDP của Nhật Bản là sự biến động của tiền tệ.

Số liệu của IMF cho thấy nền kinh tế Nhật Bản tính theo đồng USD giảm xuống còn khoảng 4,2 nghìn tỷ USD vào năm 2023, từ mức 6,3 nghìn tỷ USD của năm 2012, chủ yếu là do đồng yen Nhật Bản lao dốc vào năm ngoái.

Trong khi Đức cũng đang phải đối mặt tình trạng nguồn cung lao động suy giảm thì xu hướng này rõ ràng hơn ở Nhật Bản, nơi tổng dân số đã giảm đều đặn kể từ khoảng năm 2010. Nhật Bản đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán suy thoái nhân khẩu học, khi tình trạng thiếu lao động kinh niên dự kiến sẽ còn trầm trọng hơn nữa. Trong khi đó, quy mô dân số Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc vào năm 2023 và quốc gia Nam Á dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng trong nhiều thập niên tới.

Với hơn hai phần ba dân số trong độ tuổi lao động, nền kinh tế Ấn Độ năng động được kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ và sản xuất nhiều hàng hóa hơn.

Tầng lớp trung lưu của Ấn Độ đang phát triển, tuy nhiên, GDP bình quân đầu người ở đất nước tỷ dân còn ở mức khiêm tốn 2.000 USD/người, bằng khoảng 20% so với mức của Trung Quốc và gần bằng mức của Bangladesh.