Nâng tầm nông sản nhờ truy xuất nguồn gốc

Với Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang đã theo dõi, nhận diện, truy vết thông tin sản phẩm trong từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối và đến nay đạt nhiều kết quả nổi bật.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh truyền thống mỳ Trại Lâm Thuận Hương (huyện Lục Ngạn) sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua mã QR.
Sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh truyền thống mỳ Trại Lâm Thuận Hương (huyện Lục Ngạn) sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua mã QR.

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về sự minh bạch thông tin đối với sản phẩm, hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản thì truy xuất nguồn gốc thông qua gắn mã vạch, mã QR được xem là giải pháp giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng, đồng thời góp phần ngăn chặn gian lận thương mại.

Tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hòa Phú AFC ở thôn Bảo An, xã Hoàng An (Hiệp Hòa) thành lập từ năm 2020 và hiện có 7 hộ liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, đơn vị đưa ra thị trường khoảng 1.800 tấn vịt, gà thương phẩm tại các chợ đầu mối, cơ sở chế biến, nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Theo đại diện hợp tác xã, để xây dựng thương hiệu cũng như tạo chỗ đứng trên thị trường, nhiều năm nay, đơn vị chú trọng thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên bao bì đối với sản phẩm thông qua việc gắn mã QR. Người tiêu dùng có thể quét mã để kiểm tra quá trình chăn nuôi đến khi sản phẩm được phân phối ra thị trường và các chứng nhận sản xuất an toàn. Đây cũng là cách để hợp tác xã bảo vệ sản phẩm của mình và gây dựng được lòng tin của khách hàng.

Tương tự, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm gà đồi Yên Thế. Theo ông Giáp Quý Cường, Giám đốc Hợp tác xã, thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc đã góp phần tạo dựng được vị thế của đơn vị. Điều này được thể hiện ở chỗ các sản phẩm như: Giò, chả, xúc xích gà, gà ủ muối hoa tiêu, khô gà lá chanh đều đã có mặt trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích và nhà hàng tại nhiều tỉnh, thành phố…

Để có được kết quả này, đơn vị chú trọng thiết kế logo, bao bì, đăng ký mã vạch, mã QR, in tem nhãn, đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy cách giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xem thông tin hướng dẫn sử dụng, bảo quản, hàm lượng dinh dưỡng... của sản phẩm.

Bên cạnh các sản phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi, nhiều sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực trồng trọt, chế biến cũng được các hộ gia đình, doanh nghiệp quan tâm thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc. Có thể kể đến những sản phẩm như: Mỳ gạo Hưng Phú, sợi bún của Hợp tác xã Hưng Phú (Tân Yên); dưa chuột muối của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang); dưa hấu, dưa lê, dưa chuột, cà-rốt, bắp cải, su hào, cà chua, khoai tây, ngô ngọt, rau cải hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp Lý Nhân (thị xã Việt Yên)…

Ngoài Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang đang chủ trì vận hành, quản lý Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, hiện Ủy ban nhân dân huyện Hiệp Hòa cũng vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của huyện và đang thực hiện hỗ trợ miễn phí các tổ chức, cá nhân truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất nhằm phục vụ hỗ trợ đối chứng, hậu kiểm chất lượng khi xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm trên mạng.

Đồng hành với người dân

Hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin chất lượng, an toàn của sản phẩm.

Để bảo đảm công khai, minh bạch về thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản, tỉnh Bắc Giang đang thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tỉnh phấn đấu có tối thiểu 30% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn sử dụng mã số, mã vạch, có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; 100% sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu thuộc nhóm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, OCOP được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các tập thể, cá nhân áp dụng truy xuất nguồn gốc trên Cổng truy xuất nguồn gốc của tỉnh. Riêng năm 2024, Sở đã hướng dẫn tạo tài khoản 30 đơn vị với 35 sản phẩm được đưa thông tin lên cổng thông tin truy xuất nguồn gốc...

Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã hỗ trợ các địa phương chuẩn hóa quy trình sản xuất an toàn bền vững, xây dựng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc gắn với số hóa vùng sản xuất… Qua đó, Sở đã hỗ trợ xây dựng mã QR, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 20 hợp tác xã, doanh nghiệp, mức hỗ trợ 20 triệu đồng/trường hợp.

Đáng chú ý, theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc là chỉ tiêu bắt buộc. Năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có thể áp dụng đối với các nhóm sản phẩm tham gia Chương trình OCOP (trừ nhóm dịch vụ du lịch, du lịch sinh thái và điểm du lịch).

Đồng thời, Sở cũng tổ chức tập huấn, tư vấn hướng dẫn triển khai đến các chủ thể sản xuất để áp dụng. Đây là tiền đề để các chủ thể tiến tới áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO, HACCP. Đến nay, 100% sản phẩm khi tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đều áp dụng quy trình này.

Thời gian tới, cơ quan chức năng Bắc Giang đẩy mạnh hỗ trợ, tư vấn để các tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm an toàn có ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Cùng đó, tỉnh tiếp tục thu hút, khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao theo định hướng quy hoạch kết hợp với các biện pháp tổ chức tiêu thụ nhằm mở rộng tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm.